Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng

NGUYỄN NGHĨA 06:06, 28/02/2023

Từ đầu năm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng

Lâm Đồng có diện tích tự nhiên là 978.120 ha; tổng diện tích có rừng trên 539.043 ha; diện tích đất có rừng tính tỷ lệ che phủ rừng 533.732 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2021 là 54,6%. Toàn tỉnh có 27 đơn vị chủ rừng nhà nước (gồm 8 công ty TNHH MTV lâm nghiệp, 13 ban quản lý rừng, 2 vườn quốc gia, 2 Ban CHQS huyện, thành phố, 1 ban quản lý khu du lịch quốc gia và Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên); có 13 ban chỉ đạo, chỉ huy thực hiện Chương trình Phát triển Lâm nghiệp bền vững (1 ban chỉ đạo cấp tỉnh và 12 ban chỉ đạo cấp huyện).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 47 dân tộc thiểu số, với số dân khoảng 334.000 người, phần lớn sống và sản xuất nông nghiệp gần rừng và đan xen trong rừng, đặc biệt, có khoảng 30 ngàn hộ dân nông thôn đang được hưởng lợi trực tiếp từ kinh tế rừng thông qua các chính sách giao khoán bảo vệ rừng, khoán trồng rừng (Chương trình 30a, 135,...). Chính vì vậy, tài nguyên rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và sản xuất nông nghiệp gần rừng.

Năm 2022, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phát triển rừng đã đạt được những kết quả nhất định. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong công tác QLBVR và người dân ngày càng được nâng cao; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích và khối lượng lâm sản bị thiệt hại đều giảm theo các tiêu chí; các chương trình, đề án về lâm nghiệp, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đem lại hiệu quả thiết thực, đời sống của người dân tham gia bảo vệ rừng từng bước được cải thiện... Tuy nhiên, công tác QLBVR trong năm 2022 qua đánh giá vẫn còn một số hạn chế, vì vậy mà tình trạng phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp và khai thác tài nguyên rừng trái pháp luật vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương. 

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, chủ động ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lâm Đồng ngay từ đầu năm cũng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2023 để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; đồng thời khôi phục, phát triển rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng đặt mục tiêu thực hiện tái cơ cấu lâm nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại; cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan môi trường và chống biến đổi khí hậu. Xử lý kịp thời, cương quyết các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, và nỗ lực để không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn; thực hiện hiệu quả công tác trồng rừng, trồng cây xanh trong năm 2023.

Thực tế diễn biến những năm qua trên địa bàn phải khẳng định rằng, công tác QLBVR là nhiệm vụ phức tạp, vi phạm trong lĩnh vực này xảy ra hàng ngày, hàng giờ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp. Do đó để thực hiện tốt nhiệm vụ và mục tiêu đề ra này đòi hỏi các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị chủ rừng rất nhiều nỗ lực. Quá trình thực hiện phải thật sự quyết liệt, thường xuyên, liên tục và triển khai bằng nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ trong đó lực lượng kiểm lâm chính là lực lượng nòng cốt.

Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng kiểm lâm trong năm 2023 phải tăng cường công tác phối hợp với lực lượng công an, các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương trong việc tổ chức kiểm tra, tuần tra, truy quét nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tụ điểm, điểm nóng về chặt phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái phép; điều tra, triệt phá các băng nhóm, đối tượng cầm đầu, đường dây hoạt động phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm những phần tử kích động, lôi kéo chống người thi hành công vụ. Chủ động và tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị quản lý rừng, các doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp, thuê rừng triển khai thực hiện dự án, phương án bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm và đề xuất thu hồi dự án đối với các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm hoặc buông lỏng công tác quản lý để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trên diện tích được giao, được thuê. Rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động của lực lượng kiểm lâm; nâng cao trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn đối với công chức kiểm lâm (đặc biệt công chức kiểm lâm được giao phụ trách địa bàn); kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý và có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm. Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị tiên tiến và hiện đại (flycam, ảnh viễn thám, camera không dây,...) trong công tác QLBVR, PCCCR.