Quyết liệt hơn với nạn nuôi chó thả rông

NAM VIÊN 18:32, 11/03/2023

(LĐ online) - Chó là vật nuôi gần gũi, gắn bó với con người từ xa xưa. Nhưng việc nuôi chó, nhất là tại các đô thị mà không tuân thủ quy định của cơ quan chức năng, đã gây nhiều hệ lụy. 

Không khó để bắt gặp cảnh chó “long nhong” trên phố Đà Lạt
Không khó để bắt gặp cảnh chó “long nhong” trên phố Đà Lạt

Gần đây, liên tiếp xuất hiện những thông tin đáng lo ngại liên quan hậu quả của chó thả rông. Đó là vụ sinh viên Cao đẳng Lào Cai bị 2 con chó cắn xé khi đang chạy thể dục, may mắn được người dân giải cứu, đưa nhập viện kịp thời. Là vụ một du khách người Anh bị chó cắn tại Nha Trang, phải nhập viện phẫu thuật. Gần đây nhất, ngày 7/3, một cô giáo ở Phú Thọ trong lúc chạy xe đến trường đã tông vào chó thả rông, bị chấn thương sọ não… Nhiều vụ việc nghiêm trọng hơn cũng từng xảy ra trước đó liên quan đến vấn nạn nuôi chó thả rông.
Tại Đà Lạt – Lâm Đồng, mặc dù thời gian gần đây chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng, nhưng việc chó thả rông, không đeo rọ mõm theo quy định cũng đang trở thành vấn đề nhức nhối. Theo đánh giá của UBND thành phố Đà Lạt trong một văn bản ban hành đầu tháng 3, tình trạng chó thả rông phóng uế bừa bãi trong khu vực dân cư gây mất vệ sinh môi trường diễn ra tại nhiều nơi; việc chăn nuôi chó, mèo thả rong, không rọ mõm, không xích giữ, không có người dắt khi ra nơi công cộng gây nguy cơ mất an toàn của người dân và an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. 
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người đi xe máy bị ngã do bị chó đuổi. Có những trẻ nhỏ “khiếp vía”, ảnh hưởng đến tâm lý vì từng bị chó rượt. Phổ biến nhất là việc chó thả rông phóng uế bừa bãi, gây ảnh hưởng môi trường sống, khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa các hộ dân ở một số khu dân cư… 
Tại một số thành phố lớn, thời gian qua, các đội bắt chó thả rông đã được thành lập và hoạt động, phần nào hạn chế vấn nạn này. Riêng tại Đà Lạt, UBND các phường, xã đã thực hiện công tác tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo để người dân nâng cao nhận thức trong việc quản lý vật nuôi; đồng thời thành lập tổ bắt và xử lý chó mèo thả rong. Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ này hoạt động khá mờ nhạt, nếu không muốn nói là vắng bóng ở nhiều khu dân cư. Điều này, cùng với việc thiếu ý thức của một bộ phận người nuôi chó, dẫn đến tình trạng chó vẫn “long nhong” ở nhiều khu dân cư, thậm chí ở khu vực công viên, quảng trường, trường học…  
Vẫn biết, chó, mèo là vật nuôi gần gũi, gắn bó với con người từ xa xưa. Nhưng rõ ràng việc nuôi chó mèo, nhất là tại các đô thị mà không tuân thủ quy định của cơ quan chức năng, đã gây nhiều hệ lụy. Đã đến lúc cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn, thực chất hơn để xử lý vấn nạn này. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, cần xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những trường hợp vi phạm. 

 
Chó thả rong nguy cơ gây mất an toàn cho người dân và an toàn giao thông
Theo quy định của pháp luật, hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa cho ra nơi công cộng, bị xử phạt hành chính từ 1 đến 2 triệu đồng. 
Về trách nhiệm dân sự, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.
Về trách nhiệm hình sự, chủ vật nuôi dẫn chó ra nơi công cộng, không thực hiện các quy định về đeo rọ mõm, xích khóa… dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người, với khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù.