''Khô, khát'' Đạ Huoai

TỨ ĐỨC 01:12, 17/04/2023

Nắng nóng kéo dài, tại một số công trình thủy lợi mực nước đã xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường, công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy trên địa bàn xuống cấp, gây thất thoát lượng nước và ảnh hưởng đến lưu lượng. Đó chính là thực trạng “khô, khát” mà người dân, cây trồng ở huyện Đạ Huoai đã và đang đối mặt.

Người dân xã Đoàn Kết phải chắt chiu từng giọt nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nấu nướng trong gia đình
Người dân xã Đoàn Kết phải chắt chiu từng giọt nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nấu nướng trong gia đình

“NGƯỜI KHÁT, CÂY KHÔ”

Hiện nay, huyện Đạ Huoai có 3 xã là Phước Lộc, Đạ P’loa, Đoàn Kết người dân sử dụng các nguồn nước tự chảy để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nấu nướng. Tuy nhiên, các công trình đã xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận dân cư. 

Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Phòng Nông nghiệp thì công trình cấp nước tự chảy xã Đoàn Kết (Tiểu khu 603) được đầu tư nhiều năm nay, hiện mực nước tại đầu nguồn đã cạn, thiếu hụt nguồn cấp, đường ống chính hiện đã xuống cấp rò rỉ, nhiều điểm gây thất thoát nguồn và lưu lượng cấp về thiếu hụt so với nhu cầu sử dụng của người dân.

Ông Trần Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết, hiện tại, địa phương có khoảng 40 hộ dân tại Thôn 1 thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, ở một số khu dân cư khác cũng phải chịu cảnh tương tự. Trưởng Thôn 1, ông Đinh Thanh Thúy là người trực tiếp quản lý và điều hành hệ thống nước tự chảy ở Tiểu khu 603 về thôn thông tin: “Lượng nước đã cạn kiệt, đập nhỏ chặn suối chỉ cao vỏn vẹn có 0,4 m nên khả năng tích nước thấp. Chúng tôi đã phải tự chế van để đóng xả nước, sau mỗi lượt kéo dài 3 giờ đồng hồ mới có khả năng đẩy nước về cho bà con”. 

Mùa này, gia đình chị K’Bắn phải chắt chiu từng giọt nước quý báu từ nguồn nước tự chảy. Chị K’Bắn cho biết, gia đình chị có 6 thành viên, vì vậy phải tiết kiệm lắm mới đủ lượng nước cho sinh hoạt, nấu nướng, còn tắm rửa thì tìm đến khe suối. 

Còn tại công trình nước tự chảy ở xã Phước Lộc, nguồn nước đã xuống thấp, lượng nước không thể chảy đến cuối tuyến của đường ống. Đối với công trình cấp nước tự chảy trên địa bàn xã Đạ P’loa, nguồn nước vẫn đảm bảo, tuy nhiên, hệ thống xử lý nước công trình này đã xuống cấp, cần có giải pháp thay thế để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân.

Theo UBND xã Đạ P’loa, mùa khô 2018 - 2019, địa bàn xảy ra hạn hán nghiêm trọng, giếng đào trên địa bàn khô cạn, xã phải nạo vét giếng trong khuôn viên trụ sở để cấp nước cho các hộ dân. 

Dự báo thời gian tới, nắng hạn có thể tiếp tục kéo dài, UBND huyện Đạ Huoai nhận định trên địa bàn có khoảng 6 khu vực dân cư với khoảng 268 hộ có nguy cơ khó khăn và thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt. Đặc biệt, tại xã Đoàn Kết có 4 khu vực dân cư nguy cơ cao với khoảng 148 hộ dân, xã Phước Lộc có 2 khu vực dân cư với khoảng 120 hộ dân. 

Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, mực nước tại các công trình thủy lợi hầu hết đã xuống thấp hơn so với mực nước dâng bình thường. Cụ thể, 9 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện mực nước xuống thấp hơn bình thường từ 1,2 m đến 1,6 m; tại các trạm bơm mực nước cũng xuống thấp. 

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhận định, có khoảng 300 ha sầu riêng, măng cụt, cà phê, chè có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tưới. Cụ thể, tại xã Đoàn Kết có khoảng 50 ha cây trồng; xã Đạ P’loa khoảng 70 ha cây ăn trái; thị trấn Đạ M’ri khoảng 80 ha; xã Hà Lâm khoảng 100 ha; xã Phước Lộc khoảng 38 ha. 

Ông Nguyễn Văn Tú - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đạ Huoai cho biết: Hiện nay, địa bàn huyện có diện tích đất canh tác cây lương thực, thực phẩm khoảng 261 ha, cây công nghiệp dài ngày (điều, chè, cao su…) khoảng 7.854 ha, 6.368 cây ăn quả (sầu riêng, măng cụt…). Từ 70 - 80% diện tích canh tác trên phụ thuộc vào các nguồn nước mưa, ao, hồ, sông, suối, giếng khoan. Chính vì vậy, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì nguy cơ cây trồng gặp hạn hán, sinh trưởng và phát triển kém là điều có thể xảy ra. 

Mặt khác, vì các công trình thủy lợi trên địa bàn đa phần là vừa và nhỏ nên việc chủ động nguồn nước để đảm bảo trong mùa khô hạn cũng là thách thức đối với ngành Nông nghiệp và nông dân địa phương. 

ĐỀ XUẤT XÂY HỒ ĐẠ TRÀNG

Công trình hồ chứa nước Đạ Tràng, xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai có tên trong Quyết định số 1079 ngày 29/4/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Đạ Huoai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Về định hướng phát triển không gian vùng thì các xã Đạ Oai, Đạ Tồn, Mađaguôi thuộc tiểu vùng II với tính chất là vùng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khu chăn nuôi và giết mổ tập trung kết hợp; phát triển các khu dịch vụ thương mại và hỗ trợ sản xuất. 

Khí hậu, đất đai và thổ nhưỡng tại khu vực xã Đạ Tồn phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Do vậy, huyện Đạ Huoai đã định hướng đây là vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cây trồng chủ lực gồm những cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, điều, dâu tằm. Tuy nhiên, hiện, xã Đạ Tồn chưa có công trình thủy lợi nên không chủ động được nguồn nước tưới dẫn tới năng suất, chất lượng của các loại cây trồng hết sức bấp bênh. Vì vậy, qua nhiều kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đều đưa công trình hồ chứa nước Đạ Tràng là công trình trọng điểm của địa phương.

Ông Lưu Hồng Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết: “Đạ Tồn là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, hàng năm, tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra, nhưng trên địa bàn xã hiện chưa có công trình thủy lợi nào để phục vụ nhu cầu tưới tiêu. Mặt khác, tại khu vực xung quanh xã Đạ Tồn, người dân sinh sống dọc theo trục đường liên xã với mật độ dân cư khá cao nhưng chưa có công trình cấp nước tập trung nông thôn, hiện, người dân chủ yếu sử dụng nước từ giếng khoan, nước sông, suối và nước mưa để sinh hoạt nên không đảm bảo sức khỏe”.

Để chủ động việc điều tiết nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất cho 550 ha đất nông nghiệp gồm: 30 ha lúa, 170 ha màu, 350 ha trồng cây công nghiệp lâu năm; cấp nước sinh hoạt cho 3.000 nhân khẩu tại các xã Đạ Tồn, Đạ Oai, Mađaguôi; UBND huyện Đạ Huoai đã có báo cáo đề xuất chủ trương xây dựng hồ chứa nước Đạ Tràng, tại xã Đạ Tồn vào ngày 20/2/2023 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.