Đà Lạt: Nhiều nỗ lực nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng

NGUYỄN NGHĨA 00:51, 08/05/2023

Hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 10/12/2021 của Thành ủy Đà Lạt về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn TP Đà Lạt giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; các cơ quan chuyên môn và các phường, xã đã nỗ lực, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt, không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng.

Lực lượng kiểm lâm và các hộ nhận khoán hội bàn phương án tuần tra quản lý, bảo vệ rừng
Lực lượng kiểm lâm và các hộ nhận khoán hội bàn phương án tuần tra quản lý, bảo vệ rừng

NHIỀU HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG VỀ LUẬT LÂM NGHIỆP

Để nâng cao chất lượng tuyên truyền, các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố thời gian qua đã chủ động phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Môi trường; phổ biến các văn bản có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phát triển rừng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Vận động Nhân dân tích cực tham gia trong công tác QLBVR, PCCCR; tham gia trồng rừng, trồng cây phân tán; vận động Nhân dân cùng tham gia phát hiện, ngăn chặn và thông báo đến chính quyền đối với các trường hợp xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng.

Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các kênh thông tin truyền thanh, truyền hình, các cơ quan thông tấn báo chí; qua các đợt tập huấn, họp thôn, tổ dân phố và tuyên truyền lưu động, phát động phong trào trồng rừng, trồng cây phân tán... Nội dung, hình thức tuyên truyền đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng đối tượng dân cư để người dân nắm bắt cùng thực hiện QLBVR và phát triển rừng. Thống kê của UBND TP Đà Lạt, năm 2022, toàn thành phố đã tuyên truyền trực tiếp tới 486 người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng và cá nhân vi phạm Luật Lâm nghiệp, vận động ký 2.369 cam kết không tham gia các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp, quản lý đất đai, không buôn bán, nuôi nhốt, giết mổ động vật hoang dã; tổ chức 20 đợt tuyên truyền lưu động về công tác PCCCR và chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn 12 phường, xã có rừng. 

Đặc biệt, thành phố công khai những thông tin về những trường hợp xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, kết quả xử lý vi phạm để răn đe, giáo dục cán bộ và Nhân dân trên địa bàn. 

NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ

Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực QLBVR, hàng năm, UBND TP Đà Lạt chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành chương trình, kế hoạch, phương án, giao chỉ tiêu QLBVR và phát triển rừng. Căn cứ vào tình hình thực tế và tùy theo từng thời điểm, UBND thành phố ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo trong công tác QLBVR và PCCCR ; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo theo từng thời kỳ, thời điểm trong công tác QLBVR trên địa bàn thành phố.

Củng cố, kiện toàn Đội thường trực kiểm tra truy quét theo Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt làm Đội trưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt và lãnh đạo các đơn vị có liên quan làm Đội phó thường trực và các phòng, ban, đơn vị liên quan làm thành viên. Lãnh đạo UBND thành phố cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng; đồng thời, trực tiếp kiểm tra thực tế công tác QLBVR trên địa bàn, kiểm tra những điểm nóng, nắm tình hình thực tế công tác QLBVR để kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị chủ rừng, các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp và UBND các phường, xã thực hiện tốt công tác QLBVR, quản lý đất lâm nghiệp và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố về công tác này. Năm qua, thành phố đã kiện toàn Đội 12 với 11 thành viên gồm các phòng, ban chuyên môn, công an, kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, UBND các phường, xã trên địa bàn. Đội 12 TP Đà Lạt với lực lượng nòng cốt là Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, các đơn vị chủ rừng, UBND các phường, xã đã được tăng cường, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, tuần tra, truy quét; các vụ vi phạm từ đó cũng được phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, do đó, trên địa bàn không còn xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép...

Ngoài ra, UBND thành phố còn thường xuyên kiện toàn, củng cố hoạt động Ban Lâm nghiệp các phường, xã nhằm đảm bảo lực lượng để phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong công tác QLBVR; định kỳ tổ chức họp giao ban với các Ban Lâm nghiệp, đơn vị chủ rừng để kịp thời nắm bắt tình hình, diễn biến công tác QLBVR tại cơ sở để chỉ đạo, xử lý, giải quyết kịp thời; chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt xây dựng kế hoạch kiểm tra việc xử lý vi phạm trong công tác QLBVR, quản lý đất đai của các đơn vị chủ rừng, UBND các phường, xã để kịp thời phát hiện sai phạm, chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Giám sát và chỉ đạo để nâng cao vai trò trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, Ban Lâm nghiệp các phường, xã trong công tác phối hợp QLBVR và đất lâm nghiệp; chỉ đạo thường xuyên luân chuyển cán bộ, đặc biệt là cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ tiểu khu; đình chỉ công tác, xử lý trách nhiệm đối với những cán bộ để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại địa bàn được phân công quản lý; bên cạnh đó, đưa nội dung công tác QLBVR vào đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua của các tổ chức, cá nhân.

Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhưng có thể khẳng định rằng, sau khi Thành ủy Đà Lạt ban hành Nghị quyết 03 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong QLBVR và phát triển rừng, nhận thức về vai trò trách nhiệm của mỗi đảng viên, các cấp, các ngành và Nhân dân đã được nâng lên rõ rệt; các cấp ủy đảng, UBND các phường, xã, các cơ quan chuyên môn, đơn vị chủ rừng đã tập trung tổ chức thực hiện và triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt trong công tác QLBVR và phát triển rừng; do đó tình hình vi phạm trên địa bàn đã giảm cả về số vụ, mức độ thiệt hại gây ra đối với rừng, đất lâm nghiệp. Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng; công tác ký cam kết được quan tâm triển khai; công tác QLBVR được thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Và trong kết quả nổi bật nhất trong năm qua, là trên địa bàn không xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Công tác trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện.