ÐIỀU CHỈNH TỔNG THỂ QUY HOẠCH CHUNG TP ÐÀ LẠT VÀ VÙNG PHỤ CẬN ĐẾN NĂM 2045:
Hài hòa lợi ích Nhà nước và Nhân dân

NGUYỆT THU 01:58, 03/04/2024

Đồ án “Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2050” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg năm 2014 - gọi tắt là QHC.704) đến nay sau 10 năm triển khai (từ 2014 - 2024) đã bộc lộ những bất cập, hạn chế trong quá trình phát triển đô thị. Vì vậy, việc lập đồ án “Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045” là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, hướng đến đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước và Nhân dân. 

Nhằm tập hợp rộng rãi, trưng cầu ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, người có chuyên môn, đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc và đông đảo các tầng lớp Nhân dân; mới đây, hội thảo phản biện đối với đồ án trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận và Nhân dân. Rất nhiều ý kiến xác đáng, có giá trị đã và đang được cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư ghi nhận, tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp.

Bài 1: Mở rộng không gian đô thị

Quy hoạch nhằm mở rộng không gian đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP Đà Lạt trong thời kỳ mới. Đó là quy luật tất yếu của sự vận động phát triển, nhằm hướng đến xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, quy hoạch, điều chỉnh như thế nào nhằm đảm bảo giữ gìn môi trường cảnh quan, khí hậu, tài nguyên đất và nước, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho Nhân dân là điều được các nhà chuyên môn, người dân quan tâm.

Quang cảnh Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Quang cảnh Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Nhiều ý kiến sau khi được tiếp cận đồ án cho rằng, dự thảo Đồ án còn mang nặng tính chất nghiên cứu, định tính nhiều, thiếu cụ thể, đúng nhưng chưa đủ, chưa toàn diện. 

Quy hoạch phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận theo hướng bền vững, có tầm nhìn dài hạn, hướng tới tăng trưởng xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp. Qua đó, đặt ra vấn đề và tìm lời giải cho bài toán về sự cân bằng đối với các lĩnh vực, như phát triển nông nghiệp, du lịch, bảo tồn di sản; không gian, cảnh quan và kiến trúc đô thị… bảo đảm cơ sở khoa học và chiến lược phát triển bền vững TP Đà Lạt và vùng phụ cận.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 tập trung vào 7 chiến lược nhằm tạo ra một cơ cấu phát triển vững chắc cho TP Đà Lạt, vùng phụ cận, vùng bảo tồn và hệ thống hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội. Những chiến lược được đưa ra từ những cân nhắc trong cạnh tranh chiến lược, chiến lược phát triển, tính khả thi trong tài chính, ảnh hưởng xã hội và môi trường cũng như quản lý tài nguyên, giải pháp tiếp cận một cách tổng thể nhằm định hướng sử dụng quỹ đất một cách hiệu quả, giải quyết những bất cập trong quy hoạch sử dụng đất còn tồn đọng từ Quy hoạch 704 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tạo lập dư địa phát triển, tận dụng nguồn lực đầu tư phát triển nhằm mở rộng không gian đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong thời kỳ mới.

Đà Lạt và vùng phụ cận được định hướng phát triển với TP Đà Lạt mở rộng (sáp nhập huyện Lạc Dương) là đô thị trung tâm, kết hợp cùng 4 đô thị vệ tinh bao gồm đô thị Đức Trọng, đô thị Thạnh Mỹ, đô thị D’ran và đô thị Nam Ban với tổng diện tích trên 336 ngàn ha. Trong đó TP Đà Lạt được phân thành 9 phân khu phát triển và quản lý, nhằm phân định rõ các khu vực đô thị hiện hữu được kế thừa từ Quy hoạch 704 của Thủ tướng Chính phủ cần tập trung cải tạo và nâng cấp mở rộng, các khu đô thị mới cần phát triển đồng bộ và gắn với các trung tâm chuyên ngành của khu vực, các khu vực cần bảo tồn và các khu vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và phát triển du lịch, dịch vụ. 

Các điểm dân cư gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và du lịch canh nông, phát triển các cụm đô thị làng xanh gắn với cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nông nghiệp đặc trưng của khu vực. Tận dụng lợi thế từ hệ thống đường cao tốc được định hướng xây dựng trên địa bàn CT25, CT26, CT27 và định hướng nâng cấp sân bay Liên Khương trong tương lai để phát triển kinh tế cho địa phương với hệ thống các khu dịch vụ logistics hiện đại, cảng cạn và hệ thống công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản tại khu vực Đức Trọng trong tương lai.

Định hướng phát triển hệ thống trung tâm chuyên ngành dựa trên những định hướng chính của Quy hoạch 704 đã xác lập kết hợp những định hướng mới của quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 và tiếp tục phát triển trục di sản Đông - Tây, trục cảnh quan sông Cam Ly và hệ thống công viên đô thị, công viên chuyên đề và các khu du lịch giải trí cấp quốc gia và cấp vùng hướng tới hình ảnh một đô thị đến từ thiên nhiên. Một đô thị du lịch cấp quốc gia và là một đô thị di sản về văn hóa, về môi trường tự nhiên và là một đô thị sáng tạo về nghệ thuật - âm nhạc của UNESCO.

Ông Lương Văn Ngự - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường góp ý: Dự thảo Đồ án quy hoạch chưa tính được sự cân bằng nước, có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước trong tương lai. Cần tuân thủ nghiêm quy định, nhưng phải có dự báo để không phá vỡ quy hoạch, liên quan rất nhiều yếu tố về hạ tầng, giao thông, công trình cấp thoát nước, vấn đề xử lý chất thải... Bài toán này cần tính kỹ, nhất là khi có áp lực về dân số, rừng đã không còn nhiều, nhà kính, nhà lưới phát triển, lượng mưa của Lâm Đồng gần như không thay đổi, thời gian cho mùa mưa ít đi, mùa khô nhiều lên... Vì vậy, đại biểu kiến nghị việc cân bằng giữa đất và nước là bài toán cần cân nhắc kỹ lưỡng. Trong tương lai, để giải quyết những bất cập có thể sẽ xảy ra là hết sức khó khăn. Quy hoạch chiến lược là hết sức cần thiết, tuy nhiên cần hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và Nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Ninh - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn dân chủ, pháp luật của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh góp ý cho rằng: Định hướng công viên mở khu vực quanh Đồi Cù cần phải nghiên cứu lại kỹ hơn. Cảnh quan hồ Xuân Hương là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, là trái tim của thành phố nên rất nhiều người dân Đà Lạt quan tâm đến việc quy hoạch phát triển Đồi Cù và những hạng mục xung quanh hồ Xuân Hương; nhiều thế hệ người Đà Lạt mong ước để hàng triệu người dân và du khách được dạo chơi, học sinh cắm trại, nơi đây gắn liền với nhiều kỷ niệm của các thế hệ người dân Đà Lạt…; nếu cần thiết đề nghị cho trưng cầu ý dân về vấn đề này để các nhà đầu tư và chính quyền, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp…, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và phù hợp xu hướng phát triển ngày càng hiện đại, văn minh…

(CÒN NỮA)