Hoang phế một "điểm" trường!

08:12, 17/12/2014

Trường Tiểu học xã Hòa Nam II (huyện Di Linh) có 3 "điểm" trường: Điểm Trường chính, điểm Trường thôn 13 và điểm Trường thôn 10. Người dân địa phương lâu nay vẫn đang còn tiếc nuối một điểm trường tuy đã được nâng cấp, xây dựng kiên cố, nhưng lại để hoang phế…

Trường Tiểu học xã Hòa Nam II (huyện Di Linh) có 3 “điểm” trường: Điểm Trường chính, điểm Trường thôn 13 và điểm Trường thôn 10. Người dân địa phương lâu nay vẫn đang còn tiếc nuối một điểm trường tuy đã được nâng cấp, xây dựng kiên cố, nhưng lại để hoang phế. Đó là điểm Trường thôn 10 (xã Hòa Nam). 
 
Mới đây, trong lần về công tác tại thôn 10 (xã Hòa Nam), nghe người dân phản ánh, chúng tôi liền “đánh” xe máy về điểm Trường thôn 10. Theo con đường đá cấp phối (đã xuống cấp) hơn 1 cây số từ trung tâm thôn 10 về đến điểm Trường, quả thật chúng tôi không ngờ rằng, ở một vùng sâu, vùng xa được xây dựng một điểm trường khá kiên cố và khang trang như thế này mà lại… “bị” bỏ hoang trong mấy năm nay. Điểm Trường này gồm 2 phòng học, 1 phòng làm việc và khu nhà vệ sinh. Ở đây, hiện tại chỉ là một khu nhà hoang, cửa kính đều bị tháo toang, bàn ghế không còn, bảng đen cũng đã tháo bỏ…
 
Bên ngoài và trong điểm Trường thôn 10 (xã Hòa Nam) bị bỏ hoang
Điểm Trường thôn 10 (xã Hòa Nam) bị bỏ hoang
 
Anh Nguyễn Văn Bảy (thôn 10, nhà ở cạnh Trường) tỏ ra rất tiếc khi trao đổi với chúng tôi: “Uổng quá! Một trường học xây dựng kiên cố như thế mà lại bỏ hoang!”. Bỏ hoang lâu chưa? - Chúng tôi hỏi. “Khoảng 5 - 6 năm nay rồi các anh à!”. Chị Nguyễn Thị A (ở thôn 5, trước đây có con học tại đây, vì điểm Trường bị bỏ hoang nên buộc phải chở con ra tới điểm Trường chính để học) cho biết: “Do không tính toán kỹ, giá như xây dựng ngay cạnh con đường chính vào thôn 10, thì làm sao có chuyện Trường bị bỏ hoang như thế!”.  
 
Sau khi làm việc với UBND xã Hòa Nam và Trường Tiểu học Hòa Nam II, chúng tôi được biết, điểm Trường thôn 10 có từ những năm 1992 - 1993. Ban đầu chỉ làm bằng gỗ, mái lợp tôn. Đến năm 2009, từ nguồn vốn tài trợ của một tổ chức từ thiện nước ngoài, điểm Trường thôn 10 được nâng cấp, xây dựng mới. Điểm Trường chỉ có 2 lớp (lớp 1 và lớp 2), chủ yếu là học sinh ở thôn 10 và số ít là học sinh thôn 5. Năm học đầu tiên (sau khi xây dựng xong), 2 lớp học tại điểm Trường này chỉ có 8 em học sinh. Mặc dù quá ít học sinh, Trường Tiểu học Hòa Nam II vẫn phải duy trì lớp học. Đến năm thứ hai, thì điểm Trường này không còn một học sinh lớp 1 và lớp 2 nào nữa, nên chuyển cho Trường Mẫu giáo để mở lớp. Lớp học mẫu giáo cũng chỉ tồn tại được 1 năm, vì phụ huynh không đưa con đến đây học! 
 
Qua tìm hiểu, bà con ở địa phương cho rằng, sở dĩ có tình trạng nói trên, là do: Điểm Trường thôn 10 nằm xa khu dân cư và đường sá đi lại khó khăn. Bà con ở thôn 5 thì cho con em học tại Trường Tiểu học Hòa Nam I, vì Trường này đã đạt chuẩn Quốc gia, điều kiện học tập thuận lợi hơn. Còn bà con thôn 10 thì cho con em học tại điểm Trường chính (Trường Tiểu học Hòa Nam II), vì đường sá đi lại thuận lợi. 
 
Khi điểm Trường thôn 10 không có học sinh, chính quyền địa phương và Trường Tiểu học Hòa Nam II đã thống nhất chuyển giao cho Ban nhân dân thôn 10 quản lý để làm hội trường thôn (nhà sinh hoạt cộng đồng), nhưng Ban nhân dân thôn không nhận, cũng chỉ vì một lý do duy nhất là vị trí ở xa khu dân cư và đường sá đi lại khó khăn! Ông Vũ Đức Diệu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Nam II, cho biết: “Sau khi xây dựng xong, điểm Trường thôn 10 được giao cho Trường Tiểu học Hòa Nam II quản lý. Đến khi không có học sinh để duy trì lớp, thì nhà trường cũng không thể cử nhân viên bảo vệ trong suốt thời gian dài. Nhà trường chỉ thu gom bàn ghế để bảo quản; còn lại thì không thể quản lý được!”. 
 
Từ thực tế nói trên là bài học về sự “tắc trách” dẫn đến gây lãng phí của các ngành, đơn vị liên quan, khi quy hoạch và định vị để xây dựng một ngôi trường. Cho dù kinh phí xây dựng được chi từ đâu và do ai tài trợ, đó cũng là tài sản của nhân dân, của xã hội! 
 
XUÂN LONG