Tội tham nhũng không có án tử hình khác gì khuyến khích vơ vét của công

09:07, 10/07/2015

Tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay đã thật sự trở thành quốc nạn, gây bức xúc đặc biệt trong tư tưởng, tâm lý của cán bộ, đảng viên và toàn dân. Quần chúng nêu thắc mắc là: Với hệ thống lãnh đạo chặt chẽ của Đảng từ Trung ương xuống cơ sở, với bộ máy Nhà nước đồ sộ như hiện nay và hệ thống các cơ quan hành pháp, tư pháp đầy đủ ở các cấp, tại sao không "giết" được nạn tham nhũng?

Nhìn chung, dư luận xã hội hiện nay là muốn các cơ quan công quyền cần mạnh tay hơn nữa trước tình trạng nạn tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi. Từ thực tiễn cuộc sống, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: tại sao nạn tham nhũng càng chống càng nở rộ như nấm sau mưa; tỷ lệ xét xử án tham nhũng chiếm quá ít trong tổng số vụ việc tham nhũng được phát hiện; tình trạng “giơ cao đánh khẽ” trong xử lý tội tham nhũng khá phổ biến… do vậy, chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con” đã, đang và sẽ tiếp tục củng cố quan niệm sống hết sức thực dụng của những đối tượng có điều kiện tham nhũng.
 
Tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay đã thật sự trở thành quốc nạn, gây bức xúc đặc biệt trong tư tưởng, tâm lý của cán bộ, đảng viên và toàn dân. Quần chúng nêu thắc mắc là: Với hệ thống lãnh đạo chặt chẽ của Đảng từ Trung ương xuống cơ sở, với bộ máy Nhà nước đồ sộ như hiện nay và hệ thống các cơ quan hành pháp, tư pháp đầy đủ ở các cấp, tại sao không “giết” được nạn tham nhũng? mà ngược lại, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang đành phải chấp nhận “sống chung” với nạn tham nhũng!
 
Có phải niềm tin của nhân dân vào khả năng phòng, chống tham nhũng ở nước ta đang “bị treo”. Nhiều con đường được đầu tư ngân sách cả ngàn, chục ngàn tỷ đồng mới đưa vào sử dụng đã lún, nứt; cầu mới khánh thành dân chưa kịp mừng đã sập; cầu treo vừa xây dựng hoặc tu bổ đã đứt cáp gây thương vong cho dân; nhiều tượng đài, công trình công cộng đã bị sự cố “cháy nhà ra mặt chuột”… chắc chắn từ tham nhũng mà ra. Khi bàn đến vấn đề phòng, chống tham nhũng để chuẩn bị tham gia ý kiến vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi), một vị đại biểu đã phát biểu thẳng thắn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII với đại ý là “… mới làm cán bộ mấy năm mà gia tài đã có đến hàng tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng, nếu không tham nhũng thì lấy đâu ra…”, đây là cách lập luận có cơ sở khoa học và thực tiễn rất đáng hoan nghênh.
 
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo có tính giáo dục cho cán bộ, đảng viên bằng bài viết mang tiêu đề ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG đăng trên báo Nhân Dân số 460, ra ngày 6/6/1955 có đoạn: “Ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hóa. Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó, mà họ mắc những sai lầm: kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân.
 
Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân”.(*)
 
Ngày nay, khi công cuộc đổi mới đất nước đang tiếp tục tiến xa hơn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, thì tội phạm tham nhũng càng có thêm điều kiện thuận lợi để hoành hành, bằng các thủ đoạn mới nham hiểm hơn, khó lường hơn, đáng chú ý là sự thao túng nền kinh tế đất nước của các phần tử thuộc “lợi ích nhóm” mà báo giới và nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng phân tích sự tác hại ghê gớm của nó.
 
Quay lại vấn đề bỏ hay không án tử hình đối với tội phạm tham nhũng. Điều này đã và đang được các nhà nghiên cứu luật pháp, các chuyên gia kinh tế và đặc biệt là nhiều đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm bàn luận, và dường như việc giữ nguyên án tử hình đối với tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự hiện hành đang chiếm xu thế lớn. Người viết bài này thử đặt giả thiết là không còn áp dụng án tử hình đối với tội phạm tham nhũng nữa (tức là chỉ còn án chung thân hoặc có thời hạn), thì quan niệm sống theo kiểu “hy sinh đời bố, củng cố đời con” được những người còn điều kiện tham nhũng “tận dụng triệt để” hơn bao giờ hết, và chắc chắn người bị thiệt hại trước hết và trên hết vẫn là dân. Qua thực tế cho thấy, có rất nhiều tội phạm được ban quản lý các trại giam đánh giá, nào là “gương mẫu” chấp hành án theo đúng quy định của pháp luật, nào là luôn chịu khó “rèn luyện” sửa chữa lỗi lầm trong thời gian thụ án… Nói chung là cải tạo tốt, để rồi qua chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, họ sẽ được xem xét giảm án từ tù chung thân chuyển thành án tù có thời hạn, từ án tù dài hạn chuyển thành án tù ngắn hạn. Cuối cùng thì ra tù một cách “ngoạn mục”, sống phè phỡn sung túc trong cộng đồng như thể trêu ngươi(?!). Như vậy, đối với tội phạm tham nhũng mà không có án tử hình, khác gì “khuyến khích” cho các hành vi vơ vét của công? Rất mong có sự trao đổi nghiêm túc, cân nhắc kỹ lưỡng, phân tích thấu đáo về vấn đề này trước khi quyết định của cấp có thẩm quyền.
 
(*)Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 1996, tập 7, trang 568-569
 
MAI MỘNG TƯỞNG