Chợ "cóc" lấn đường

09:04, 29/04/2016

Việc lấn chiếm vỉa hè, lề đường để kinh doanh, buôn bán, nhiều chợ "cóc" "mọc" lên trên nhiều tuyến đường tại TP Bảo Lộc là chuyện không mới, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn và gần như chưa có chuyển biến tích cực nào.

Việc lấn chiếm vỉa hè, lề đường để kinh doanh, buôn bán, nhiều chợ “cóc” “mọc” lên trên nhiều tuyến đường tại TP Bảo Lộc là chuyện không mới, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn và gần như chưa có chuyển biến tích cực nào.
 
Chợ “cóc” Khu 6 (phường 2) luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông
Chợ “cóc” Khu 6 (phường 2) luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, tại khu vực nội thị thành phố Bảo Lộc có thể dễ dàng “điểm mặt” ít nhất 4 khu chợ “cóc” luôn tấp nập kẻ bán, người mua. Điển hình cho tình trạng “biến vỉa hè thành chợ” là tuyến đường Hà Giang (nằm trên địa bàn phường 1 và phường Lộc Sơn). Tại khu vực ngã 3 đường Hà Giang nối với đường Nguyễn Văn Cừ (hay còn gọi là Tỉnh lộ 725) cứ vào các buổi chiều từ 15 giờ đến 18 giờ hàng ngày, nơi đây lại được “biến” thành chợ với đầy đủ các mặt hàng cá, thịt, rau, củ, quả… được bày bán tràn lan trên vỉa hè. Tình trạng này, không chỉ chiếm dụng vỉa hè của người đi bộ, mà nhiều lúc giao thông cũng bị tắc nghẽn do người mua hàng đỗ xe bừa bãi dưới lòng đường.
 
Tương tự, việc chợ “cóc” họp thường xuyên tại đường Nguyễn Công Trứ (còn gọi là chợ Khu 6, đoạn giao nhau giữa đường Phan Đình Phùng và đường Nguyễn Công Trứ, phường 2) cũng là ví dụ điển hình gây mất an toàn giao thông khiến người dân bức xúc, lo lắng. Đáng nói hơn, tình trạng “biến vỉa hè thành chợ”  tại khu vực này nằm đối diện với trụ sở Công an phường II, nhưng mọi chuyện đã được xem như không có. “Khu vực này có 2 trường học là Trường Tiểu học Lê Văn Tám và Trường THPT Nguyễn Du với lượng học sinh rất đông. Vì vậy, việc người dân lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, buôn bán kéo dài hàng trăm mét khiến giao thông ách tắc đi lại khó khăn vào các giờ cao điểm” - một người dân tại phường II phản ánh.
 
Cùng với đó, việc lấn chiếm vỉa hè bán nước mía, đậu nành, thức ăn đường phố tại nhiều tuyến đường; trong đó, có khu Quảng trường 28/3 (đường Nguyễn Công Trứ) là vấn đề cần được bàn tới. Bên cạnh đó, việc lấn chiếm lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán tại các khu chợ nông thôn trên Quốc lộ 20 (đoạn từ xã Đại Lào đến xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc) cũng là vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Quốc lộ 20 là tuyến đường huyết mạch nối Lâm Đồng với TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ với lượng phương tiện lưu thông qua lại đông đúc. Tuy nhiên, để tranh giành khách hàng, nhiều tiểu thương tại chợ Đại Lào, chợ Tân Bùi (Lộc Châu) và chợ Lộc Nga đã bất chấp nguy hiểm lấn chiếm lề đường để buôn bán mặc cho cơ quan chức năng đã dùng nhiều biện pháp ngăn cấm.
 
Ông Đinh Công Huyện, Đội trưởng Đội trật tự Xây dựng và Đô thị thành phố Bảo Lộc, cho biết: “Hiện nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường để kinh doanh buôn bán trên địa bàn thành phố đang là vấn đề nan giải và phức tạp. Trong đó, chợ “cóc” là vấn nạn phức tạp nhất. Chúng tôi thừa nhận, để chợ “cóc” tồn tại là do các cơ quan chức năng giải quyết chưa đồng bộ, trong đó, có đơn vị chúng tôi. Song, phải nói rằng, ý thức văn minh đô thị của một bộ phận người dân tại địa phương còn quá thấp”.
 
Có thể nói, việc lấn chiếm vỉa hè, lề đường kinh doanh, buôn bán đang làm xấu đi bộ mặt thành phố Bảo Lộc. Chính vì vậy, nếu lãnh đạo thành phố không có quyết sách phù hợp, hiệu quả thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán sẽ tiếp tục trở thành vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” và rất khó xử lý.
 
KHÁNH PHÚC