Đà Lạt tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

08:04, 19/04/2016

Để giữ vững độ che phủ rừng 47,6%; đặc biệt sự hấp dẫn của môi trường du lịch sinh thái với đặc trưng rừng trong thành phố, thành phố trong rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Đà Lạt luôn là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa hết sức to lớn. 

Thành phố Đà Lạt có tổng diện tích rừng hơn 18.767ha; trong đó, rừng tự nhiên hơn 13.500ha và rừng trồng hơn 4.000ha (chia theo nguồn gốc); rừng phòng hộ gần 14.000 ha và rừng sản xuất hơn 3.600ha (chia theo mục đích sử dụng). Để giữ vững độ che phủ rừng 47,6%; đặc biệt sự hấp dẫn của môi trường du lịch sinh thái với đặc trưng rừng trong thành phố, thành phố trong rừng, công tác quản lý và bảo vệ rừng (QL&BVR) ở Đà Lạt luôn là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa hết sức to lớn.
 
Kiểm lâm và chủ rừng kiểm tra rừng Đà Lạt
Kiểm lâm và chủ rừng kiểm tra rừng Đà Lạt

Cương quyết xử lý những vụ vi phạm nổi cộm
 
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt Võ Thanh Sơn cho biết, số vụ vi phạm Luật BV&PTR đã phát hiện trong 3 tháng đầu năm 2016 là 33 vụ, thiệt hại 0,67ha rừng, giảm 20 vụ và giảm thiệt hại về diện tích rừng 1,02ha so với cùng kỳ năm 2015. Tình trạng phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép… tuy vẫn còn diễn ra nhưng có xu hướng giảm. Trong 33 vụ vi phạm, có 19 vụ phá rừng (giảm 11 vụ so cùng kỳ), thiệt hại 0,67ha rừng và 81m3 gỗ tròn; 6 vụ khai thác rừng trái phép (giảm 9 vụ so cùng kỳ), thiệt hại 63m3 gỗ tròn. Theo đó, cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 2 vụ, xử lý hành chính 29 vụ; thu nộp ngân sách hơn 168 triệu đồng, tịch thu hơn 30m3 gỗ tròn và 4,43m3 gỗ xẻ các loại…
Trong quý I, địa bàn Đà Lạt đã xẩy ra 3 vụ vi phạm và tất cả đều được các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ điều tra, xử lý nghiêm. Vụ thứ nhất, vào ngày 19/2, cơ quan chức năng phát hiện tại lô a1, khoảnh 2 tiểu khu (TK) 163B thuộc địa bàn xã Xuân Trường có 23 cây thông 3 lá (nhóm 4) bị khai thác trái phép. Quy ra khối lượng gỗ bị thiệt hại gần 24,5m 3, tương đương hơn 74 triệu đồng; nhưng đối tượng vi phạm đã vận chuyển toàn bộ lâm sản trái phép ra khỏi hiện trường. Ngay sau đó, các ngành chức năng của thành phố vào cuộc khám nghiệm, điều tra và đã tìm ra manh mối ban đầu là một đối tượng sinh năm 1976, ngụ tại thôn Đất Làng, xã Xuân Trường đã thỏa thuận với đối tượng khác chặt để lấy gỗ còn bản thân chiếm đất trồng cà phê. Căn cứ các Điều 12 và 20 tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ; Điều 175 tại Bộ Luật hình sự, vụ án được khởi tố hình sự; cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra.
 
Vụ thứ 2, cũng trong tháng 2, vào ngày 29, do Ban quản lý du lịch hồ Tuyền Lâm phát hiện. Tại khoảnh 9, TK 157, phường 4, hai đối tượng là Lìm Văn Đang và Nùng Văn Vượng (tạm trú tại tổ 23, phường 4, Đà Lạt) phá rừng trái phép, thuộc rừng tạp nghèo và là rừng phòng hộ; diện tích rừng thiệt hại 2.850m 2; giá trị thiệt hại trên 57,5 triệu đồng. Qua điều tra, xác minh, cùng với Đang và Vượng còn có Huỳnh Văn Hân (cũng tạm trú địa chỉ nêu trên), 3 đối tượng đều từ địa phương khác đến phá rừng để lấy đất sản xuất. Hành vi vi phạm của 3 đối tượng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu UBND thành phố Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính rất nghiêm khắc. Cụ thể, tổng số tiền phạt 100 triệu đồng; buộc các đối tượng bồi thường giá trị thiệt hại gây ra đối với rừng trên 57,5 triệu đồng; buộc trồng lại rừng 2.850m 2 trong mùa trồng rừng năm 2016. Để đối tượng chấp hành có hiệu quả, ông Võ Thanh Sơn cho biết, Hạt giao cho đơn vị chủ rừng (cụ thể đây là Ban quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm) giám sát, sau đó ngành kiểm lâm sẽ triển khai hậu kiểm. 
 
Vụ thứ 3 phát hiện vào ngày 10/3, cũng tại địa bàn xã Xuân Trường. Qua báo cáo của Ban quản lý rừng Lâm Viên, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt đã phối hợp điều tra phát hiện một đối tượng sinh năm 1963, ngụ tại thôn Xuân Trường 1, xã Xuân Trường chặt hạ 4 cây thông 3 lá làm thiệt hạ gần 3,8m 3 gỗ tròn trên diện tích 100m 2 rừng tại lô a4, khoảnh 12, TK 166, Xuân Trường. Qua rà soát, cơ quan chức năng nắm được đối tượng này đã từng phá rừng trái phép vào tháng 8/2015 và bị xử phạt vi phạm hành chính, do đó tiếp tục mở rộng điều tra. Căn cứ Nghị định 157 của Chính phủ và Bộ Luật Hình sự, hành vi của đối tượng là tái phạm, các cơ quan chức năng quyết định khởi tố hình sự vụ án. 
 
Tang vật gỗ sao (nhóm II) mà đối tượng vi phạm vận chuyển trái phép từ Khánh Hòa vào địa bàn Đà Lạt tháng 2/2016 do Hạt Kiểm lâm Đà Lạt bắt giữ
Tang vật gỗ sao (nhóm II) mà đối tượng vi phạm vận chuyển trái phép từ Khánh Hòa vào địa bàn
Đà Lạt tháng 2/2016 do Hạt Kiểm lâm Đà Lạt bắt giữ

Nguyên nhân và giải pháp
 
Cũng trong tình hình chung như các địa phương khác, những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ vi phạm Luật BV&PTR ở Đà Lạt bao gồm như: nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng cao; quỹ đất sản xuất nông nghiệp có hạn; nhận thức của một số người dân còn hạn chế. Mặt khác, một số đơn vị chủ rừng và chính quyền cơ sở chưa làm tròn chức năng, nhiệm vụ; cán bộ tiểu khu thuộc đơn vị chủ rừng, kiểm lâm địa bàn, Ban lâm nghiệp cấp xã hoạt động hiệu quả chưa cao...
 
Nói về những thành tựu trong công tác QL&BVR ở Đà Lạt, Hạt trưởng Võ Thanh Sơn cho biết, ngay từ đầu năm, Hạt đã xây dựng kế hoạch cụ thể tham mưu cho UBND thành phố, sau đó được HĐND TP. Đà Lạt phê duyệt để triển khai. Trong thời gian tới, nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục quán triệt Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong QL, BV&PTR. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân; và “cần phải xử lý kiên quyết, nghiêm chỉnh đối với các đối tượng vi phạm, tăng cường đôn đốc việc chấp hành quyết định xử phạt...”, ông Sơn nhấn mạnh. Những cụm từ được ông Sơn nhắc lại nhiều lần của các giải pháp đó là “kiên quyết” trong xử lý, “tăng cường” trong kiểm tra, “kịp thời” trong thi hành... Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy và chính quyền thành phố, cùng ý thức trách nhiệm cao của ngành kiểm lâm và sự phối hợp đồng bộ của các ngành, địa phương, đơn vị liên quan, tin chắc công tác QL&BVR của thành phố Đà Lạt sẽ ngày càng đạt hiệu quả cao hơn”.
 
MINH ĐẠO