Khi mỗi thầy cô là một địa chỉ nhân đạo

08:04, 20/04/2016

Trong những năm qua, bằng những việc làm cụ thể, thầy cô Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Đạ Tẻh) đã giúp những học trò nghèo vượt qua khó và trở thành "điểm tựa" cho các em vươn lên đạt kết quả cao trong học tập.

Trong những năm qua, bằng những việc làm cụ thể, thầy cô Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Đạ Tẻh) đã giúp những học trò nghèo vượt qua khó và trở thành “điểm tựa” cho các em vươn lên đạt kết quả cao trong học tập.
 
Thầy Đinh Xuân Hậu trao tiền hỗ trợ giúp học sinh mình nhận đỡ đầu
Thầy Đinh Xuân Hậu trao tiền hỗ trợ giúp học sinh mình nhận đỡ đầu
Phần lớn học sinh trong Trường THPT Lê Quý Đôn đều đến từ các vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn của huyện Đạ Tẻh như Hà Đông, Quốc Oai, Mỹ Đức, Triệu Hải, An Nhơn và xã Quảng Trị. Vì vậy, những năm gần đây, thông qua các phong trào như “Mỗi giáo viên gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Thầy và trò cùng vượt khó” hay các chương trình “Thắp sáng niềm tin”, “Vượt khó học tốt”... Nhà trường đã giúp đỡ được nhiều học sinh vượt qua khó khăn. Thầy Hoàng Xuân Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: “Trong những năm qua, ngay từ đầu năm học, nhà trường luôn chủ động để chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, hội phối hợp với các giáo viên chủ nhiệm để điều tra, lập danh sách các học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm chủ động xây dựng kế hoạch trợ giúp các em. Nhờ vậy, từ năm 2012 đến nay, hàng năm, nhà trường đều quyên góp được hàng chục triệu đồng để giúp đỡ học sinh khó khăn, học sinh mồ côi và khuyết tật để các em vượt qua mặc cảm của bản thân vươn lên trong học tập. Đặc biệt, phong trào “Mỗi giáo viên gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã đạt được nhiều kết quả khả quan và trở thành “cầu nối” quan trọng giữa giáo viên và học sinh trong nhà trường”.
 
Theo thống kê, hàng năm, Trường THPT Lê Quý Đôn đều có từ 65 - 70 học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ về cả vật chất, lẫn tinh thần. Qua đó, mỗi giáo viên trong trường đã “xung phong” nhận đỡ đầu ít nhất từ 1 - 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài công việc dạy kèm phụ đạo miễn phí cho những học sinh yếu kém, trung bình các giáo viên trong trường còn đóng góp với số tiền từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng để trao tận tay các học sinh. Thầy Đinh Xuân Hậu, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 chia sẻ: “Hiện tại, tôi đang nhận đỡ đầu 3 em học sinh trong lớp suốt 3 năm liền từ lớp 10 đến lớp 12 do tôi chủ nhiệm. Vì cả 3 em đều có hoàn cảnh khó khăn, nên tôi giúp đỡ các em một phần tiền đóng học phí hàng năm, tiền mua sách vở học tập và nhận dạy phụ đạo miễn phí cho các em suốt 3 năm học. Trong đó có em Hương, bố mất sớm, gia đình lại khó khăn nên từ năm lớp 10 đã có tư tưởng muốn nghỉ học để bớt gánh nặng cho gia đình, nay đã là một trong những học sinh chăm ngoan và có học lực khá của lớp”.
 
Tương tự em Hương, hiện 65 học sinh nhận được sự giúp đỡ, nhiều học sinh trong số đó đều đạt học lực khá, giỏi và không có em nào có học lực yếu, kém.
 
Cùng với việc giáo viên nhận đỡ đầu những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hàng năm, từ nguồn Quỹ Công đoàn, Chi đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên và Quỹ Cựu học sinh, Trường THPT Lê Quý Đôn còn tiến hành trao 10 suất học bổng (5 trăm ngàn đồng/suất) và 8 - 10 phần quà tết tới tay những học sinh nghèo để giúp đỡ, động viên các em. Đồng thời, nhà trường còn vận động các tổ chức từ thiện, các cựu học sinh thành đạt để quyên góp, giúp đỡ các học sinh khuyết tật, học sinh có bệnh hiểm nghèo.
 
“Chúng tôi luôn xác định, giúp đỡ học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, vượt qua mặc cảm để vươn lên trong học tập là một trong những mục tiêu hàng đầu để thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong trường. Đây là việc làm ý nghĩa để các thầy cô giáo “tiếp sức” và gửi gắm tình yêu thương và trách nhiệm đối với học sinh của trường” - thầy Hoàng Xuân Khánh chia sẻ.
 
NGUYỄN KHÁNH