Bảo Lộc nói không với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

08:05, 30/05/2016

Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng; đồng thời, tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi, mới đây, Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc đã tổ chức cho các chủ cơ sở, trang trại trên địa bàn thành phố ký cam kết không sử dụng chất cấm... 

Theo Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc, trên địa bàn thành phố hiện có trên 100 cơ sở, trang trại chăn nuôi; trong đó, có 56 trang trại chăn nuôi heo. Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố, các cơ sở và trang trại chăn nuôi ngày càng có dấu hiệu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, biểu hiện sự tồn dư kháng sinh trong thịt do chưa hết thời gian cách ly; sử dụng chất tạo nạc cho heo (nhóm Beta Agonist) là chất tuyệt đối cấm, vì ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
 
Chủ các trang trại nuôi heo tại thành phố Bảo Lộc ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Chủ các trang trại nuôi heo tại thành phố Bảo Lộc ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Thành phố Bảo Lộc là một trong những địa phương hiện có tổng đàn heo nhiều nhất tỉnh, với trên 70.000 con. Hàng năm, giá trị chăn nuôi heo của thành phố chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Với đàn heo nói trên, chủ yếu là xuất bán ngoài tỉnh (70%) và tiêu thụ tại chỗ (30%). Lâu nay, thành phố chưa kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và chưa kiểm tra chặt chẽ chất lượng thịt hàng hóa lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, một số tỉnh mua heo thịt của thành phố Bảo Lộc đã có sự kiểm tra chất lượng thịt heo. Trước đây (vào ngày 18/9/2013), tỉnh Đắc Nông đã thông báo 1 lô hàng (heo thịt mua từ xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc) có dương tính với chất cấm. Do vậy, vào thời gian đầu tháng 6/2014, tỉnh Đắc Nông tạm ngưng, không cho nhập heo thịt của thành phố Bảo Lộc. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của thành phố, nhất là đối với những hộ, những cơ sở và trang trại làm ăn chân chính. 
 
Các cơ sở và trang trại chăn nuôi đã cam kết: “Tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi dưới bất kỳ hình thức nào, ở tất cả các giai đoạn, lứa tuổi và loại heo. Chấp hành tốt sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên môn về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Khi phát hiện vi phạm, tôi chấp hành việc xử lý theo quy định của pháp luật”.
Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng; đồng thời, tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi, mới đây, Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc đã tổ chức cho các chủ cơ sở, trang trại trên địa bàn thành phố ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cũng từ thời điểm này, UBND thành phố Bảo Lộc bắt đầu triển khai các biện pháp để nói không với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. 
 
Biết được thông tin này, bà Nguyễn Thị Thanh (ở phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc) nửa mừng, nửa lo khi trao đổi với chúng tôi: “Không riêng gì gia đình tôi, mà hầu như mọi người hiện đang lo lắng đến thực phẩm không an toàn; trong đó, có thịt heo. Gia đình tôi rất mừng khi nghe tin các chủ trang trại chăn nuôi heo ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nhưng vấn đề là cấm có được hay không, hay là chỉ làm qua loa, chiếu lệ; không khéo là người tiêu dùng lại bị mắc… lừa! Gia đình tôi rất mong thành phố Bảo Lộc đã làm là làm cho bằng được và cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để dân được nhờ”. 
 
Một trang trại nuôi heo sạch ở Bảo Lộc. Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Một trang trại nuôi heo sạch ở Bảo Lộc

Quả thật là “con sâu làm rầu nồi canh”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tại thành phố Bảo Lộc cũng có những cơ sở, trang trại và bà con nông dân nuôi heo không sử dụng chất cấm; trong đó, có trang trại nuôi heo của ông Lê Văn Hiển. Theo Trung tâm Nông nghiệp thành phố, trang trại của ông là một trang trại chăn nuôi kiểu mẫu. Ông Lê Văn Hiển cho chúng tôi biết: “Có những lúc tôi nuôi tới 3.000 con heo, nhưng không sử dụng chất cấm. Từ 3 năm nay, tôi không dùng các loại thuốc kháng sinh để phòng ngừa hoặc trị bệnh cho heo, mà chỉ dùng lá Neem thay thế. Lá Neem tôi mua từ Phan Rang về phơi khô và xay thành bột. Cứ 1 tấn thức ăn cho heo, tôi trộn với 1kg bột Neem. Cho ăn như thế, đàn heo của tôi không khi nào bị dịch bệnh và sản phẩm thịt heo rất an toàn”.
 
Thiết nghĩ, cùng với các biện pháp để nói không với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cách làm của ông Lê Văn Hiển cần được khuyến khích nhân rộng.

TIẾNG NÓI CỦA “4 NHÀ”
 
* Ông Lê Trọng Tuấn (Phó Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc): “Triển khai các biện pháp nghiêm cấm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”
 
Trong thời gian vừa qua, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không những đã gây ra nhiều bức xúc cho người tiêu dùng, mà còn làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Tại thành phố Bảo Lộc, tuy chưa đến mức “báo động”, nhưng cần phải có biện pháp nghiêm ngặt để cấm hẳn. Việc nghiêm cấm đã được luật, nghị định, thông tư quy định rõ, thành phố phải thực hiện để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng; mặt khác, để bảo đảm lợi ích, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi, vì khi đã phát hiện vi phạm thì con vật nuôi đều phải bị tiêu hủy. 
 
Xuất phát từ lý do nói trên, UBND thành phố Bảo Lộc yêu cầu: Đối với người chăn nuôi thì phải biết chọn giống, vì đã có giống heo nạc, siêu nạc, nên không được dùng chất cấm để tạo nạc. Nếu phòng, chống dịch bệnh tốt, cho ăn đầy đủ thì heo sẽ chóng lớn, nên không được dùng chất cấm để tăng trọng, vỗ béo. Đối với các ngành chuyên môn trong thành phố phải có sự phối hợp trong quản lý chất cấm, giúp người chăn nuôi nhận biết đâu là chất cấm và chất không cấm; giúp người tiêu dùng nhận biết đâu là thịt có dương tính với chất cấm để tránh mua nhầm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, sử dụng chất cấm; quản lý việc chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ thịt heo; tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết địa chỉ cung cấp thịt an toàn, không sử dụng chất cấm; có biện pháp xử lý nghiêm những người vi phạm. Đối với thương lái không được cung cấp chất cấm (vỗ béo, tạo nạc) cho người chăn nuôi và đặt hàng mua hàng, bao tiêu sản phẩm. Đối với cơ sở giết mổ, trước khi giết mổ phải biết nguồn gốc của heo. Thành phố Bảo Lộc khuyến khích những cơ sở, trang trại hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ và tiêu thụ sản phẩm. 
 
* Ông Phạm Phi Long (Phó Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng): “Khi phát hiện vi phạm phải truy xuất nguồn gốc để xử lý”
 
Chi cục Thú y tỉnh đã và đang triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các luật, nghị định, thông tư, danh mục các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi; tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đồng thời, trong thời gian vừa qua, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, phát hiện 10 trường hợp vi phạm và đã xử lý tiêu hủy trên 2.000 con heo có dương tính với chất cấm (tại các trang trại, lò mổ, hộ chăn nuôi). Công an một số địa phương cũng đã “vào cuộc” truy xuất nguồn gốc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để có biện pháp xử lý. Mặt khác, Chi cục cũng đã phối hợp với một số địa phương tổ chức cho các chủ cơ sở, trang trại ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. 
 
Riêng tại thành phố Bảo Lộc, Chi cục vừa mới triển khai tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cho các chủ trang trại chăn nuôi heo không được sử dụng chất cấm. Trong quá trình chăn nuôi, Chi cục yêu cầu tất cả việc mua và bán, đòi hỏi người chăn nuôi phải có chứng từ, hóa đơn để khi phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng có căn cứ truy xuất nguồn gốc để xử lý. 
 
* Ông Đặng Văn Huy (Chủ nhiệm Câu lạc bộ chăn nuôi Bảo Lộc): “Người chăn nuôi cần phải có lương tâm”
 
Người chăn nuôi phải cần đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng ăn phải thịt heo có sử dụng chất cấm thì rất nguy hại. Nó nguy hại hơn cả bệnh ung thư, vì nó “kéo dài vó ngựa” gây thiệt hại; không chỉ thiệt hại một mình mà kéo theo cả gia đình, con cái và dòng họ nữa. Người chăn nuôi phải đặt mình là người tiêu dùng. Tại sao mình bán rẻ lương tâm? Tại sao mình trồng 1 luống rau để ăn và 1 luống rau để bán?... Chúng ta đừng phản bội người tiêu dùng! 
 
Dẫu biết rằng ăn thực phẩm tươi sống là ngon và bổ dưỡng hơn, nhưng người ta lại chọn mua thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Chúng ta hiện đang “chóng mặt” vì hiện tượng nhập khẩu nhiều thực phẩm đông lạnh. Một lý do đơn giản, rất dễ hiểu là do thực phẩm chúng ta làm ra không đảm bảo an toàn. Là người chăn nuôi heo, theo tôi, chúng ta phải có lương tâm và có ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Khi mua thức ăn, thuốc thú y hay bất cứ thứ gì đều phải có chứng từ, nguồn gốc rõ ràng để tránh “lợi bất cập hại”. Nuôi heo mà sử dụng chất cấm, nếu bị phát hiện dương tính chất cấm, thì “mất cả chì lẫn chài”, do bị tiêu hủy cả đàn.
 
* Ông Phan Hoàng Liên (Giám đốc Công ty Cổ phần GreenFeed, Chi nhánh Đồng Nai): “Chúng tôi cùng đồng hành với người chăn nuôi, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”
 
Sản phẩm của Công ty Cổ phần GreenFeed chúng tôi cung cấp cho nông dân đảm bảo an toàn, không sử dụng các loại chất cấm. Chúng tôi cũng đã cam kết với chính quyền và người chăn nuôi. Từ năm 2003 đến nay, Công ty chúng tôi đã có mặt tại Lâm Đồng. Hàng năm, Công ty cung cấp cho người chăn nuôi khoảng 36.000 tấn thức ăn các loại, 3.000 heo nái hậu bị, 50.000 liều tinh heo và 100.000 con gà giống. 
 
Hiện nay, Công ty chúng tôi đang cùng đồng hành với người chăn nuôi tại thành phố Bảo Lộc và các huyện, thành khác trong tỉnh, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đồng thời, triển khai thêm một số chương trình khuyến mãi để khuyến khích và hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi.
 
XL (lược ghi)
 
XUÂN LONG