Hợp tác xã Hữu Hòa - "mái ấm" của người khuyết tật

08:10, 25/10/2016

Hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng len sợi và đúng như tên gọi - Hữu Hòa - nơi đào tạo, giải quyết tạo việc làm hữu ích cho người khuyết tật vươn lên hòa nhập cuộc sống.   

Hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng len sợi và đúng như tên gọi - Hữu Hòa - nơi đào tạo, giải quyết tạo việc làm hữu ích cho người khuyết tật vươn lên hòa nhập cuộc sống.   
 
Chị Vũ Thị Kim Hòa (bên trái) cùng với xã viên đang sản xuất bộ thú nhồi bông đan móc tay. Ảnh: Y.Thy
Chị Vũ Thị Kim Hòa (bên trái) cùng với xã viên đang sản xuất bộ thú nhồi bông đan móc tay.
Ảnh: Y.Thy

Bước vào nơi sản xuất của Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Hữu Hòa (gọi tắt là Hữu Hòa), đập vào mắt chúng tôi là ánh mắt chăm chú cùng với bàn tay khéo léo, nhịp nhàng đang đan từng sợi len với niền đam mê nghề nghiệp. Nhưng ít ai biết rằng công nhân ở đây đa phần là người khuyết tật.
 
Hữu Hòa được thành lập từ năm 2010, ngành nghề kinh doanh chủ yếu tổ chức sản xuất các mặt hàng len sợi, tổ chức đào tạo dạy nghề cho lao động ở vùng sâu, vùng xa là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số. 
 
Ngay khi đi vào hoạt động, Hữu Hòa đã xác định mục tiêu kế thừa và phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động vốn chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Từ “triết lý” hoạt động kinh doanh đó, hàng năm, Hữu Hòa đều có mức tăng trưởng khá, tạo lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. 
 
Nếu như năm 2013, doanh thu đạt 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận 450 triệu đồng; năm 2014 đạt 6,5 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng thì năm 2015 vừa qua đạt 8,2 tỷ đồng, lãi 1,6 tỷ đồng. 
 
Chủ nhiệm HTX Hữu Hòa - Vũ Thị Kim Hòa cho biết: Cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 700 lao động, trong đó đa số là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số với mức thu nhập từ 900.000 - 3.000.000 đồng/người/tháng.
 
Đồng thời, hàng năm, HTX tổ chức lớp dạy nghề đan, móc len hoặc kéo sợi bằng máy công nghiệp trong chương trình dạy nghề của tỉnh với đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm nên sau đào tạo là có thể làm ngay. Qua đó,  đã giải quyết việc làm cho 30 lao động là thành viên HTX, tạo công ăn việc làm ổn định cho 300 tổ viên, thành viên của các HTX và tổ hợp tác khác trong toàn tỉnh. Tính đến nay, HTX Hữu Hòa đã tổ chức được 25 lớp dạy nghề đào tạo 875 học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số và chị em phụ nữ là người khuyết tật.
 
Chị Ngô Hoàng Anh, thành viên của HTX Hữu Hòa chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật từ lúc còn nhỏ, không làm được lao động nặng và nghề đan len trở thành nghề kiếm sống của tôi. Nhờ có HTX tạo công ăn việc làm, với mức thu nhập ổn định đã giúp cho tôi cũng như các chị em khuyết tật khác an tâm gắn bó với nghề được xem là nghề truyền thống của phụ nữ Đà Lạt”. Một thành viên khác, chị Phạm Thị Mỹ Phượng cho hay: Hữu Hòa đã góp phần cải thiện đời sống xã viên, tạo dựng môi trường hòa nhập thân thiện dành cho người khuyết tật, giúp cho những người phụ nữ biết vượt qua mặc cảm, tự ti của bản thân để sống có ích. 
 
Hữu Hòa luôn đặt chất lượng sản phẩm cũng như đầu ra tiêu thụ lên hàng đầu. Các sản phẩm của Hữu Hòa bao gồm bộ thú nhồi bông, được đội ngũ có tay nghề cao đan móc đủ khả năng tiếp cận với những mẫu sản phẩm mới theo yêu cầu của đối tác, cụ thể như Công ty EON, siêu thị Big C, siêu thị CoopMark… Đặc biệt, đối với các đơn hàng xuất ngoại như các đơn hàng từ thị trường châu Âu, HTX phải luôn quan tâm chất lượng len để khẳng định uy tín sản phẩm. Tuy còn gặp những khó khăn nhất định từ nguồn vốn lưu động trong việc thu mua nguyên vật liệu nhập từ nước ngoài hay đội ngũ cán bộ quản lý HTX, nhưng với những bước đi vững chắc, Hữu Hòa thực sự là một “mái ấm” của người lao động khuyết tật và dân tộc thiểu số, xứng đáng là đơn vị điển hình trong hệ thống HTX tại Lâm Đồng.                  
 
YẾN THY