Khuyến cáo người dân trồng đinh lăng

08:10, 21/10/2016

Dạo một vòng quanh thị trấn Liên Nghĩa và các xã lân cận, nhiều hộ dân đã tiến hành trồng đinh lăng trong vườn nhà của mình với số lượng cây và độ tuổi khác nhau. Khi được hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời rằng "nghe đồn" cây này chữa được nhiều bệnh lắm và trồng gốc nào là tiền gốc đấy. Thực tế đã có một số hộ trồng xen, thậm chí có hộ trồng đinh lăng với quy mô 3 sào đất.

Dạo một vòng quanh thị trấn Liên Nghĩa và các xã lân cận, nhiều hộ dân đã tiến hành trồng đinh lăng trong vườn nhà của mình với số lượng cây và độ tuổi khác nhau. Khi được hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời rằng “nghe đồn” cây này chữa được nhiều bệnh lắm và trồng gốc nào là tiền gốc đấy. Thực tế đã có một số hộ trồng xen, thậm chí có hộ trồng đinh lăng với quy mô 3 sào đất.
 
Đinh lăng được người dân trồng ở Đức Trọng. Ảnh: Đức Tú
Đinh lăng được người dân trồng ở Đức Trọng. Ảnh: Đức Tú
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng cho biết: “Vào tháng 9/2014, chúng tôi đã tiến hành trồng thử nghiệm đinh lăng trên diện tích 1 sào với 4.000 cây giống được mua từ tỉnh Bến Tre tại địa điểm là thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp. Đến tháng 6/2016 thì phải di dời địa điểm trồng thử nghiệm vào thôn An Bình (cùng xã) vì tỉ lệ cây chết sau hai năm là trên 70%. 
 
Qua theo dõi thì số cây được trồng thử nghiệm ban đầu có triệu chứng thối rễ, thối thân rồi dẫn đến chết, một số cây còn sống sót thì bị nấm ở lá, tiến hành phun thuốc để trị bệnh thì cây rụng dần hết lá và bắt đầu quá trình tái tạo lại nên thân cây phát triển không được mạnh. Hiện tại, đinh lăng vẫn trong quá trình trồng thử nghiệm trên đất Đức Trọng và chưa thể nói điều gì được”.
 
Ông Hưng phân tích thêm: Thứ nhất, đây là một cây trồng mới, nên cần phải có quá trình trồng thử nghiệm để có số liệu cụ thể về mức độ thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, hàm lượng tinh dầu, mức phát triển sinh khối của cây. Trước đây, người dân trồng một hai cây để làm kiểng thì rất dễ nhưng nếu đưa vào trồng đại trà thì nguy cơ nhiễm bệnh là rất lớn. Thứ hai, phải khẳng định đinh lăng là một cây trồng lâu niên, nên lợi nhuận về kinh tế so với các cây trồng khác phải được tính toán rất cẩn thận. Giá thu mua đinh lăng cũng không ổn định, vì chỉ là giá “ảo” của những gốc cây nhiều năm tuổi, nếu không cẩn thận thì có thể rơi vào “cái bẫy” nông nghiệp mà không thoát ra được.
 
Vì vậy, thiết nghĩ nông dân không nên nghe qua những tin đồn mà vội trồng đinh lăng để rồi ôm trái đắng.
 
Đức Tú