"Thiếc tặc"… lộng hành ở Núi Cao

08:09, 28/09/2017

Sau thời gian tạm lắng, lợi dụng việc nhập nhèm trong công tác quản lý bảo vệ, các đối tượng "thiếc tặc" ngang nhiên quay lại khai thác quặng thiếc trái phép và ngày càng lộng hành ở khu vực bãi thiếc Núi Cao…

Sau thời gian tạm lắng, lợi dụng việc nhập nhèm trong công tác quản lý bảo vệ, các đối tượng “thiếc tặc” ngang nhiên quay lại khai thác quặng thiếc trái phép và ngày càng lộng hành ở khu vực bãi thiếc Núi Cao…
 
Cửa hầm chính vào địa đạo thiếc ở Núi Cao
Cửa hầm chính vào địa đạo thiếc ở Núi Cao

Núi Cao, địa danh thuộc Tiểu khu 142, 143, lâm phần nằm trên địa bàn xã Đạ Sar (Lạc Dương). Đây cũng là “điểm nóng” về khai thác quặng thiếc trái phép suốt từ nhiều năm qua, dù chính quyền huyện Lạc Dương cùng các cơ quan hữu quan của tỉnh nhiều lần ra quân truy quét, đẩy đuổi nhưng đến nay “thiếc tặc” vẫn tiếp tục lộng hành.
 
Từ cuối tháng 6/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 4030/UBND-ĐC chỉ đạo ngành Công an tổ chức điều tra, nắm bắt thông tin, thành lập chuyên án đấu tranh phòng, chống các hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Lạc Dương, xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa dẹp được “thiếc tặc”…
Sau nhiều lần “đột nhập” bất thành, một ngày trung tuần của tháng 9, được sự giúp đỡ của người dân địa phương, chúng tôi tiếp cận khu vực “thiếc tặc” đang khai thác quặng thiếc trái phép gần như công khai tại bãi thiếc Núi Cao. Các hoạt động khai thác quặng thiếc trái phép ở khu vực này diễn ra chẳng khác gì một khai trường khai khoáng. Tại đây, các máy nổ cung cấp điện chiếu sáng và thông gió cho các hầm thiếc, cho máy sàng quặng đang hoạt động hết công suất, tiếng gầm rú của máy cưa, âm thanh ầm ào của cây rừng ngã đổ…, tạo thành hợp âm hỗn độn, nghèn nghẹn, không thể vang xa do rừng xanh nuốt chửng.  
 
Không thể vào được bên trong các địa đạo luồn sâu trong lòng núi, đứng ở quả đồi đối diện quan sát, phía trước cửa hầm chính của “bãi thiếc ngầm” này được tập kết rất nhiều gỗ, phương tiện xe rùa. Cạnh đó, một số đối tượng vẫn đang tiếp tục hạ cây, xẻ gỗ làm cừ chống hầm, trong khi vạt rừng phía trên cửa hầm đã bị cưa hạ trắng. Và dọc theo con suối cạn, 5 căn chòi bằng bạt ni lông đã được dựng lên làm nơi trú ẩn cho các đối tượng “thiếc tặc”… 
 
Theo anh N, bảo vệ cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai khoáng Núi Cao (gọi tắt là Công ty Núi Cao), nơi đang diễn ra việc khai thác quặng thiếc trái phép trên nằm trong khu vực của Công ty Núi Cao được cấp phép thăm dò, quản lý bảo vệ. Tuy nhiên, từ tháng 4/2017 đến nay, nhiều đối tượng “thiếc tặc” ngang nhiên đến chiếm và khai thác cả ngày lẫn đêm. Lúc đầu có tới ba nhóm với trên 100 đối tượng, sau khi bị cơ quan chức năng giải tỏa, nay còn lại một nhóm khoảng 50 đối tượng vẫn đang hoạt động công khai, hầu hết họ đều từ miền Bắc vào và rất manh động. Có hôm mấy anh em bảo vệ vào gần địa đạo khai thác thiếc, vừa rút điện thoại di động để chụp hình thì bị các đối tượng xăm trổ đầy mình, đe: “Chúng mày có muốn dùng điện thoại nữa không”, vì không muốn dây dưa nên anh em bảo vệ phải rút khỏi hiện trường. Cũng theo anh N, qua theo dõi, ước tính mỗi ngày tại hầm thiếc này họ khai thác khoảng 1 tấn quặng thiếc, rồi vận chuyển ra bên ngoài vào ban đêm bằng xe máy với lốp được gắn xích.
 
Giải thích thắc mắc vì sao khu vực của công ty thăm dò và có lực lượng bảo vệ mà vẫn “án binh bất động” để cho các đối tượng “thiếc tặc” lộng hành?! Ông Phạm Đình Bảo - Tổng Giám đốc Công ty Núi Cao cho biết: Tháng 5/2017, công ty có văn bản xin UBND tỉnh Lâm Đồng cho duy trì 2 lán trại và lực lượng bảo vệ trong khu vực Núi Cao để bảo vệ thành quả thăm dò, nhưng không được chấp thuận. Đầu tháng 6/2017, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia có quyết định phê duyệt trữ lượng quặng và kim loại thiếc tại khu vực Núi Cao do Công ty Núi Cao thăm dò trên diện tích 232 ha. Tiếp đó, công ty có tờ trình xin thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và tuyển quặng thiếc Núi Cao. Tuy nhiên, ngày 18/7/2017, Sở Công thương Lâm Đồng có văn bản từ chối việc thẩm định với lý do “Không đủ điều kiện để thẩm định theo qui định”. Còn Sở TN&MT Lâm Đồng, ngày 30/8/2017, có văn bản yêu cầu công ty phải di dời lán trại, máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực thăm dò thiếc. “Chúng tôi muốn duy trì việc bảo vệ khu vực đã thăm dò và đã được đánh giá trữ lượng trong thời gian chờ đợi cấp giấy phép khai thác. Giờ nếu buông ra, các nhóm “thiếc tặc” sẽ chiếm ngay các vị trí đã thăm dò… và chúng tôi sẽ trở thành người trắng tay”- ông Bảo bộc trực.
 
Liên quan đến vụ việc, theo lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương, Công ty Núi Cao được Bộ TN&MT cấp phép thăm dò khoáng sản tại khu vực Núi Cao từ năm 2011 và đã hết hạn vào cuối tháng 3/2016. Từ đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu Công ty Núi Cao di dời các lán trại, máy móc thiết bị ra khỏi khu vực thăm dò thiếc và bàn giao toàn bộ diện tích đã thăm dò cho địa phương trực tiếp quản lý, bảo vệ. Cũng từ đó, các nhóm khai thác thiếc lậu ngang nhiên nhảy vào khai thác trái phép, hầu hết các đối tượng này đều là dân từ miền Bắc vào và rất manh động. 
 
Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức nhiều đợt truy quét, giải tỏa những điểm khai thác thiếc trái phép tại khu vực Núi Cao, phối hợp với lực lượng công binh đánh sập 3 địa đạo. Tuy nhiên, do địa hình trắc trở, đường sá đi lại khó khăn nên việc tuần tra, kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Ông Hoàng Văn Hãnh, Phó Trưởng phòng TN&MT Lạc Dương (đơn vị chủ trì các đợt giải tỏa), cho biết thêm: Mỗi lần lập đoàn kiểm tra, giải tỏa phải huy động nhiều lực lượng; nhưng vào tới nơi thì “thiếc tặc” đã biết trước và ngưng khai thác. Cũng theo ông Hãnh, khoảng thời gian Công ty Núi Cao thực hiện việc thăm dò, có hợp đồng với Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng canh gác bảo vệ thì các nhóm “thiếc tặc” chỉ khai thác lẻ tẻ, không dám manh động, việc giải tỏa rất dễ, nhưng từ khi biết Công ty Núi Cao hết thời hạn thăm dò thì các nhóm thiếc tặc bắt đầu có biểu hiện lộng hành. 
 
Mặc dù UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương, Công an tỉnh và các ngành chức năng liên quan có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm việc khai thác quặng thiếc trái phép tại khu vực Núi Cao, nhưng thực tế đến nay hoạt động này vẫn diễn ra một cách công khai, thách thức cả dư luận và lực lượng chức năng.     
 
NHÓM PV ĐIỀU TRA