Quản lý chất thải từ cơ sở du lịch

08:05, 27/05/2019

Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch ngày càng tiềm ẩn những cảnh báo xấu, vì vậy nếu không thực hiện nghiêm chỉnh từ các cơ quan chức năng đến chủ đầu tư thì hậu quả khó lường. 

Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động du lịch ngày càng tiềm ẩn những cảnh báo xấu, vì vậy nếu không thực hiện nghiêm chỉnh từ các cơ quan chức năng đến chủ đầu tư thì hậu quả khó lường. 
 
Hiện thành phố Đà Lạt có gần 1.600 cơ sở lưu trú du lịch. Ảnh: Đ.P
Hiện thành phố Đà Lạt có gần 1.600 cơ sở lưu trú du lịch. Ảnh: Đ.P
 
Ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm 
 
Gần đây, không ít khu, điểm du lịch thường xuyên xuất hiện chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, chưa xử lý triệt để. Từ đó, tiềm ẩn ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm sau xử lý, nhất là những khu vực hạ lưu của sông, suối, hồ, bãi biển. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các khu, điểm du lịch không được xây dựng hoặc chưa quan tâm đúng mức; các cơ sở du lịch và dịch vụ còn thiếu đầu tư cần thiết dẫn đến tác động không nhỏ đến môi trường do chất thải, nước thải. Liên hệ đến tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi trao đổi với Đại tá, Trưởng phòng PC49 Phan Thanh Chương, ông cho biết, thời gian qua, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh và của Công an tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đã kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về BVMT tại một số cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh, tập trung ở thành phố Đà Lạt. Kết quả, đã có một số cơ sở vi phạm, Đoàn đã lập biên bản nhắc nhở khắc phục và có trường hợp đề xuất xử phạt vi phạm hành chính. 
 
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết: Đối với các cơ sở du lịch, ngoài lưu trú còn kinh doanh ăn uống, du khách sử dụng các thứ thiết bị và thải loại ra ví dụ như pin... sẽ có tác động đến môi trường. Do đó, ngành yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải cam kết có trách nhiệm BVMT. Mặt khác, quá trình kiểm tra của Sở cũng có nội dung này, nếu đơn vị chưa đảm bảo thì yêu cầu phải khắc phục. “Hiện các doanh nghiệp lưu trú, điểm du lịch trên địa bàn (không tính lĩnh vực kinh doanh ăn uống) đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ BVMT”, bà Ngọc khẳng định. 
 
Cán bộ chuyên trách của Sở TN&MT cũng cho biết, theo quy định Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ giữa năm 2017, không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm. Chủ trương này nhằm giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Mặt khác, tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định đối với Dự án xây dựng cơ sở lưu trú du lịch, khu dân cư, quy mô cơ sở lưu trú du lịch từ 50 phòng trở lên, không phải Báo cáo kết quả thực hiện các công trình BVMT. Ở Phụ lục IV (Danh mục các đối tượng không phải đăng ký kế hoạch BVMT) gồm: “Dịch vụ ăn uống có quy mô diện tích nhà hàng phục vụ dưới 200 m 2 (điểm 5); “Xây dựng văn phòng làm việc, nhà nghỉ, khách sạn, lưu trú du lịch quy mô nhỏ hơn 500 m 2 sàn (điểm 12). 
 
Quan trọng là tuyên truyền và trách nhiệm 
 
Số liệu ngày 14/5 được Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, địa bàn tỉnh Lâm Đồng có gần 1.600 cơ sở lưu trú du lịch, 36 khu, điểm được kinh doanh du lịch và 60 điểm tham quan miễn phí. Qua thực tế tìm hiểu của chúng tôi, thiết nghĩ đã đến lúc đòi hỏi thường xuyên và thực sự đạt hiệu quả cả 2 mặt: tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật BVMT từ phía cơ quan quản lý và nhận thức, có ý thức trách nhiệm thực chất của doanh nghiệp cơ sở du lịch. 
 
Về hành lang pháp lý, chúng ta đã có nhiều văn bản của Nhà nước như: Luật BVMT, Luật Du lịch, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Khoáng sản... Tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT rất chi tiết và đầy đủ... Liên quan lĩnh vực du lịch, đó là Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ VHTT&DL ban hành ngày 2/3/2017. Trong đó có những nội dung cụ thể về BVMT như: “Không xả thải, sử dụng nguyên vật liệu gây tác động xấu tới môi trường”; “Đảm bảo môi trường cảnh quan sạch đẹp, thân thiện”; “Bố trí nhà vệ sinh sạch sẽ, thùng đựng rác ở nơi thuận tiện, thân thiện với môi trường cảnh quan”; “Có ý thức trách nhiệm với môi trường và xã hội”; “Không để cảnh quan môi trường “nhếch nhác”, xả thải bừa bãi”...
 
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, thời gian qua, Sở đã phối hợp tổ chức tập huấn về BVMT cho cơ sở du lịch, đã và đang tuyên truyền thực hiện “Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Bộ quy tắc gồm hai chương, 12 điều, nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử cho mười đối tượng liên quan. Theo đó, một trong những nội dung trọng tâm là bảo đảm môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. 
 
Vấn đề quan trọng nữa là tính đồng bộ, đồng thuận trong các giải pháp. Ví dụ, thành phố Đà Lạt đã nghiệm thu đưa vào sử dụng hệ thống thoát, thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn, tuy nhiên tiến độ đấu nối từ các cơ sở khách sạn, nhà hàng vào hệ thống chính còn rất chậm. Ngày 8/6/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 3445 chỉ đạo chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng và UBND thành phố Đà Lạt đẩy nhanh tiến độ đấu nối. Một vấn đề cụ thể khác, như chúng tôi từng có bài cảnh báo về hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm. Đây là một trọng điểm về cơ sở du lịch, lượng chất thải không nhỏ. Tuy nhiên, địa hình không bằng phẳng, phân bố các cơ sở diện rất rộng, vì vậy thu gom và xử lý chất thải rất cần chú trọng đúng mức...
 
Rõ ràng, “Để công tác BVMT được thực hiện có hiệu quả thì việc lập kế hoạch hoặc lồng ghép nội dung BVMT trong kế hoạch tổ chức các hoạt động VH, TT & DL theo quy định pháp luật đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan là yêu cầu quan trọng, cần được thực hiện một cách thường xuyên và cụ thể” như ông Hoàng Ngọc Huy, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VH, TT&DL Lâm Đồng kiến nghị.
 
ÐẠO PHAN