Uống rượu, bia và hiểm họa sau tay lái

07:05, 13/05/2019

Gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân người điều khiển uống rượu say, gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tại địa bàn tỉnh Lâm Ðồng, mặc dù số lượng các vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia khá thấp nhưng thực tế thực trạng trên vẫn còn rất nhức nhối.

Gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân người điều khiển uống rượu say, gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tại địa bàn tỉnh Lâm Ðồng, mặc dù số lượng các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan tới rượu bia khá thấp nhưng thực tế thực trạng trên vẫn còn rất nhức nhối.
 
Kiểm tra, xử lý tài xế xe ô tô có dấu hiệu nồng độ cồn tại TP Đà Lạt. Ảnh: C.Phong
Kiểm tra, xử lý tài xế xe ô tô có dấu hiệu nồng độ cồn tại TP Đà Lạt. Ảnh: C.Phong
 
Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an, trung bình TNGT mỗi năm cướp đi sinh mạng 8.400 người và khiến hơn 17.000 người mang thương tật. Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia từng nhận định, nếu áp dụng quy định của quốc tế thống kê tử vong sau 30 ngày xảy ra tai nạn thì mỗi năm nước ta có hơn 15.000 người thiệt mạng. Trong số đó, không ít người bị tước đi sinh mạng một cách đầy oan uổng. 
 
Thống kê sơ bộ của Công an tỉnh Lâm Ðồng năm 2018, có khoảng 2% nguyên nhân gây tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia. Con số này không cao so với các nguyên nhân khác. Nhưng nhiều vụ tai nạn do tài xế sử dụng rượu, bia, ma túy đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
 
Đội Thanh tra, xử lý vi phạm, Phòng CSGT (PC08) - Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, thống kê cho thấy năm 2018 toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 215 vụ TNGT, làm 142 người chết, 144 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2017 tăng 20 vụ, số người chết tăng 8 người, số người bị thương tăng 17 người. Từ đầu năm 2019 tới nay, lực lượng CSGT các huyện, thành phố đã lập 4.329 biên bản xử phạt hành chính về vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó xử phạt 19 tài xế điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn. Chỉ tính riêng trong tháng 3/2019, trên địa bàn đã xảy ra 17 vụ TNGT, làm 12 người chết, 8 người bị thương. 
 
Điển hình gần đây là vụ TNGT trên đường cao tốc Liên Khương - Prenn mà nguyên nhân do tài xế uống rượu trước đó đã cướp đi sinh mạng hai người. Như Báo Lâm Đồng đã đưa tin, khoảng 15h ngày 22/3, ôtô do ông Nguyễn Tuấn Hoàng cầm lái tông vào hành lang bảo vệ đường, sau đó lao qua dải phân cách đi vào làn đường ngược chiều và tông trực diện vào ô tô 7 chỗ do ông Noel Anh Tiên (54 tuổi, trú huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) lái. Cú va chạm khiến vợ ông Tiên là bà Lưu Thị Cảnh (49 tuổi) chết tại chỗ. Ông Tiên chết tại bệnh viện sau 2 ngày điều trị.
 
Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra ghi nhận ở băng ghế sau xe do ông Hoàng lái có 2 chai rượu, 1 chai đã mở nắp. Khi tai nạn xảy ra, chai rượu này không đóng nắp. Chưa xác định được tài xế có uống rượu trong lúc lái xe hay không nhưng qua xét nghiệm nước tiểu và máu, cơ quan chức năng ghi nhận ông Hoàng đã uống rượu trước đó.
 
Để kéo giảm thực trạng tài xế lái xe khi đã uống rượu bia, giải pháp mang tính răn đe cao trước giờ vẫn là hình thức kiểm tra, xử phạt hành chính, tạm giữ bằng lái xe tạm thời. Trong đó, hình thức lập chốt kiểm tra, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế đang được Phòng PC08 phối hợp với lực lượng CSGT các huyện, thành phố thực hiện được đánh giá đạt hiệu quả tốt. Đây là mô hình kiểm soát nồng độ cồn được tiến hành tại các trục đường lớn, rộng rãi và đảm bảo an toàn giao thông không gây ùn tắc. 
 
Trên tuyến Quốc lộ 20, lực lượng CSGT phân thành từng làn xe, có biển báo, chỉ dẫn thông báo chốt kiểm tra nồng độ cồn. Các xe được CSGT hướng dẫn vào làn kiểm tra. Nếu phát hiện, CSGT sẽ tiến hành các bước tiếp theo, không phát hiện thì tài xế được phép tiếp tục lưu thông. Từ đầu năm tới nay, nếu tính riêng các chuyên đề xử lý nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế, lực lượng CSGT đã lập biên bản, xử phạt hành chính gần 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
 
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Phòng PC08, Công an tỉnh nhận định, thực tế vẫn còn rất nhiều người có thói quen nguy hiểm, đó là sau khi uống rượu bia vẫn tự mình lái xe về nhà. Có thể dễ dàng nhận thấy, hầu như các tài xế đều biết được nguy cơ tiềm ẩn của việc mình làm nhưng vì chủ quan, vì coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của chính bản thân mình cũng như người khác nên vẫn tiếp tục vi phạm. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn hầu như chỉ phụ thuộc vào tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT nên không thể giải quyết căn cơ của vấn đề. 
 
C.PHONG