Bê tông hóa cao, Ðà Lạt thường xuyên đối diện tình trạng ngập úng cục bộ

07:08, 12/08/2019

Cơn mưa lớn kéo dài từ đêm ngày 7 đến chiều ngày 8/8 đã khiến nhiều khu vực dân cư và các vườn rau, hoa, đường trong thành phố bị ngập nặng...

Cơn mưa lớn kéo dài từ đêm ngày 7 đến chiều ngày 8/8 đã khiến nhiều khu vực dân cư và các vườn rau, hoa, đường trong thành phố bị ngập nặng. Ðiều đáng nói là tình trạng cứ mưa lớn là ngập ở một số tuyến đường, khu dân cư và vùng nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã không còn là diễn biến bất thường trong vài năm gần đây. 
 
Một đoạn đường ở trung tâm thành phố Đà Lạt ngập sâu do mưa lớn kéo dài.
Một đoạn đường ở trung tâm thành phố Đà Lạt ngập sâu do mưa lớn kéo dài.
 
Ðã quen với ngập
 
Theo ghi nhận của cơ quan Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã ghi nhận một số trận mưa lớn gây ngập cục bộ ở một số nơi, trong đó có 2 trận mưa lớn kèm mưa đá gây thiệt hại được báo cáo yêu cầu hỗ trợ từ phía các phường, xã từ hồi đầu mùa mưa và trận mưa lớn vào ngày 7 và 8/8.
 
Anh Nguyễn Nam Viên (Ngô Văn Sở, Phường 9, Đà Lạt) cho biết, nhà anh ở gần khu vực suối hồ Than Thở, năm nào cũng xác định trước là sẽ có vài trận ngập vì mưa. “Mọi người trong vùng cũng quen luôn rồi. Cứ mưa lớn khoảng vài chục phút là ngập. Tội nhất là mấy hộ gia đình làm nông, cứ mùa mưa đến là nơm nớp lo mất trắng vụ rau hoa, thiệt hại về kinh tế mỗi năm không nhỏ”. 
Tại khu vực dân cư ven suối Ba Toa, Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ nằm giữa lòng thành phố, cứ mỗi trận mưa lớn là nước từ hồ Xuân Hương đổ xuống suối Ba Toa ầm ào hung hãn, khiến cư dân sống hai bên bờ khiếp sợ. “Nhà tôi ở đây từ ngày xưa. Hồi đó con suối rộng lắm, nhà bằng gỗ thôi nhưng mưa lớn cũng không thấy sợ như bây giờ vì nước luôn chảy rất hiền hòa. Giờ nhà cửa xây bê tông hết nhưng cứ lấn dần ra phía lòng suối nên con suối nhỏ lại, nhiều chỗ bị nắn dòng chảy nên mưa lớn thì nước chảy rất xiết đổ xuống phía dưới như dòng nước lũ, nguy hiểm vô cùng. Đã có trường hợp ở đoạn cuối con suối, nước chảy không kịp tràn lên cầu cuốn trôi cả người và xe máy đang chạy trên đường” - một người dân ở đường Lê Quý Đôn cho biết.
 
Tình trạng lấn chiếm xây nhà ở ven suối cũng diễn ra tương tự ở khu vực cuối dốc Nhà Bò, thung lũng Nguyễn Tri Phương (Phường 3), suối Hàn Thuyên (Phường 5)… Trước đây, suối và hồ ở khu vực này khá lớn, nay cũng đã bị lấn gần hết. Suối Nhà Bò giờ là con mương nhỏ chỉ cần bước cũng qua. Riêng hồ nước và cánh rừng thông ở thung lũng Nguyễn Tri Phương thì giờ bị xóa sổ hoàn toàn, giờ cây thông nhường chỗ cho nhà cửa, biệt thự, khu du lịch mọc lên. 
 
Nhiều ngọn đồi, thung lũng cũng đã bị bê tông hóa, nhà cửa mọc lên san sát. Điển hình như các khu dân cư mới hình thành những năm gần đây trên đường Triệu Việt Vương, An Bình, An Sơn, Quảng Thừa… vốn là vùng ngoại ô của thành phố, chủ yếu là đất nông nghiệp trồng rau hoa và những cánh rừng thông thì nay hầu như đã bị bê tông hóa hoàn toàn. Nhiều cánh rừng vốn độ dốc rất cao nhưng nhà cửa vẫn mọc lên với chân móng xây thẳng đứng cả trăm mét. Nhà phía dưới lo sợ nhà phía trên xây làm sạt lở nhà mình mỗi khi mùa mưa tới, nhưng nhà cửa vẫn cứ mọc ken nhau san sát trong khi đường sá, mương thoát nước, cây xanh chống xói mòn… không được quan tâm, đầu tư xây dựng hợp lý. Một số khu dân cư ở địa hình đồi dốc cao do nhà xây dựng lên nhiều, đường đi chỉ còn là những con hẻm nhỏ rộng chừng 1 mét, dốc lại rất đứng chỉ được đổ một lớp bê tông mỏng để chống trơn, nên mỗi dịp mưa lớn thì nước chảy lênh láng như suối xuống phía dưới thấp. Những hộ gia đình nào không kịp chặn thì chấp nhận nước chảy vào tận trong nhà. Nhiều trường hợp sạt lở taluy gây sập nhà, thiệt hại về tài sản lẫn con người đã được các cơ quan chức năng thống kê trong những năm qua. 
 
Với việc bê tông hóa khắp nơi, chuyện ngập cục bộ đã trở thành câu chuyện bình thường ở Đà Lạt. 
 
Khu Vạn Kiếp ken cứng nhà ở và nhà nilong trồng rau hoa.
Khu Vạn Kiếp ken cứng nhà ở và nhà nilong trồng rau hoa.
 
Rừng đã rất xa phố 
 
Quá trình đô thị hóa ồ ạt khiến thành phố ngày nay phải chịu nhiều hệ lụy. Nhiều cánh rừng thông dần biến mất, thay thế bởi các công trình xây dựng, những khu dân cư mới hoặc những vùng canh tác nông nghiệp. Do không được bảo vệ tốt, không ít những cánh rừng thông nội ô của thành phố bị người dân lấn chiếm chết dần chết mòn rồi biến mất do bê tông hóa dần dần. 
 
Nhiếp ảnh gia MPK, một người con của Đà Lạt cho biết: “Ngày xưa Đà Lạt làm gì có ngập lụt kiểu như bây giờ. Hệ thống sông suối từ đầu nguồn đến bình lưu rồi hạ lưu của thành phố thông qua các hệ thống hồ đập, sông suối nhỏ và những cánh rừng xung quanh bao bọc nên mưa không thể gây ngập mà ngược lại tiết chế lẫn nhau chảy hiền hòa rồi đổ xuống hạ lưu đi vào hệ thống sông Đồng Nai. Cảnh quan, khí hậu luôn mát mẻ trong lành. Còn bây giờ, bê tông hóa nhiều quá. Người ta phá rừng kể cả rừng đầu nguồn, những ngọn đồi như Đa Phú, Hòn Bồ, Trại Mát, những cánh rừng thông ở nội ô như ở thung lũng Nguyễn Tri Phương, đồi Rô bin, đầu đèo Prenn… giờ đang bị xâm phạm xây dựng và bê tông hóa khá nhiều, nên mưa lũ không phải là chuyện bất thường.
 
Nhiếp ảnh gia MPK cho biết thêm, trên những nẻo đường anh đã đi qua, những nơi đã từng là rừng thông bạt ngàn, ví dụ như đường đi từ Đà Lạt vào Lang Biang giờ nhiều diện tích thông đã nhường chỗ cho đất nông nghiệp, nhà cao tầng và nhà nilong trắng xóa để trồng rau - hoa. 
 
Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn tới việc hễ mưa là Đà Lạt bị ngập ở một số khu vực. Đó là việc bê tông hóa đô thị và nhà kính hóa sản xuất nông nghiệp đã làm tắc các đường thấm nước mặt. Đặc biệt ở nội ô, tỉ lệ bê tông hóa đã vượt xa tỉ lệ cho phép theo công bố trong quy hoạch chung và điều này gần như triệt tiêu đường thấm của nước, mưa lớn dù chỉ thời gian ngắn cũng sẽ gây ngập các con đường, nhà cửa...
 
 Theo TS Mộng Sinh, rất khó để giải quyết ngay tức thì hiện trạng này. Trước hết cần phải sớm quy hoạch trả lại các con suối, hồ nước nằm trên dòng chảy của nước thượng nguồn. Bên cạnh đó, ở những vùng hiện thường xuyên xảy ra ngập cục bộ vào mùa mưa thì chính quyền cần phải mạnh dạn quy hoạch lại và ngừng việc cấp phép xây dựng thêm các dự án nhà cao tầng, khách sạn... 

Nhiều khu phố mới được hình thành sau khi phá rừng, xây nhà. Những dòng suối nhỏ, những mảng xanh vốn để tăng không gian mặt nước và là mảng xanh để bao bọc Đà Lạt, tạo cho Đà Lạt khí hậu mát mẻ, trong lành thì nay đã biến mất. 

Một cụ ông ở khu Vạn Kiếp thấy tôi hỏi đường tìm hồ Vạn Kiếp đã đưa tôi lên đường Tôn Thất Tùng rồi chỉ xuống thung lũng Vạn Kiếp kể: Thung lũng Vạn Kiếp này một thời xanh bát ngát với rừng cây, hồ nước rất đẹp, nay thì chỉ còn nhà dân và nhà lồng trắng xóa. Còn cái hồ Vạn Kiếp ngày nào mà cô đi tìm giờ chỉ là một chấm rất nhỏ lọt thỏm ở giữa.
 
Quả thật, bây giờ ở thành phố, tìm được khu nào có mảng xanh lớn rất hiếm. Nhà cửa xây lên ồ ạt, mạnh ai nấy xây theo sở thích riêng và người ta tận dụng từng xăng ti mét đất từ dưới mặt đất lên đến trên không nên việc có khoảng trống không bê tông hóa để cây cỏ mọc lên, để đất có khoảng thở và nước có khoảng thấm là thứ gì đó thật xa xỉ. Và đó cũng là nguyên nhân gần đây Đà Lạt chỉ cần mưa lớn hoặc mưa kéo dài là ngập cục bộ.
 
Giờ lại thêm phong trào homestay có view núi, quán cà phê cũng phải có view núi, ngắm rừng, thế là phong trào săn lùng đất rừng, đất nông nghiệp từ khu vực nội ô đang lan ra cả khu ngoại ô để tìm đất xây homestay, khách sạn, resort… Nhiều cánh rừng thông ở Mănglin, Tà Nung, Trại Mát, Xuân Thọ, Thái Phiên… đang nham nhở vì nhà ở và nhà kính… Với tốc độ bê tông hóa khắp nơi, xây dựng không kiểm soát tốt như hiện nay thì rõ ràng, Đà Lạt đang nóng lên vào mùa khô và ngập nước vào mùa mưa là điều không thể tránh khỏi.
 
NGUYÊN THI