Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh homestay

06:10, 09/10/2019

Chỉ cần tra trên Goolge từ khóa "Homestay Đà Lạt", trong vòng 0,6 giây sẽ có 2.840.000 kết quả. Thực tế, tại TP Đà Lạt, homestay đang phát triển mạnh mẽ về số lượng. Để quản lý chất lượng dịch vụ của các homestay, cần sự tác động hợp lý của cơ quan quản lý nhà nước. 

Chỉ cần tra trên Goolge từ khóa “Homestay Đà Lạt”, trong vòng 0,6 giây sẽ có 2.840.000 kết quả. Thực tế, tại TP Đà Lạt, homestay đang phát triển mạnh mẽ về số lượng. Để quản lý chất lượng dịch vụ của các homestay, cần sự tác động hợp lý của cơ quan quản lý nhà nước. 
 
Homestay được hiểu là loại hình lưu trú tại nhà của người dân bản địa khi đi du lịch, ở đây bạn sẽ được hòa mình vào không gian sinh hoạt cùng người dân, được nấu nướng, được làm việc, được trò chuyện và dùng bữa như một thành viên của gia đình. Từ đó giúp bạn có những cái nhìn khách quan, gần gũi, chân thực và sống động nhất về vùng đất mà mình đặt chân tới. Theo tính chất đó, homestay tạo sức hút với du khách. 
 
Thời gian qua, bên cạnh những homestay đi vào hoạt động tạo dựng được uy tín với du khách, tạo nên những sắc màu độc đáo cho du lịch Đà Lạt, góp phần đưa du khách đến gần hơn với văn hóa và đời sống con người Đà Lạt thì vẫn còn những homestay hoạt động rất thiếu bài bản, thậm chí tùy tiện.
 
Tại một số homestay đường Khe Sanh, Phường 10, homestay là những nơi ở làm theo kiểu container hay ngôi nhà bằng gỗ nhỏ kiểu lều trại. Khi chúng tôi hỏi về các yếu tố tìm hiểu văn hóa khi lưu lại ở đây thì nhận được câu trả lời rằng với mức giá cho thuê khoảng 200 nghìn đồng/ngày, cơ sở kinh doanh không có kinh phí để tổ chức hoạt động văn hóa. Còn trong những ngôi lều gỗ, vật dụng cần thiết cho một phòng sinh hoạt theo đúng như quy định hầu như thiếu thốn. 
 
Tại một số nơi khác, homestay chỉ là căn nhà cấp 4 hay những ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo trên đồi. Cũng có một số địa điểm, hometsay là những ngôi nhà hai ba tầng khang trang tựa như một nhà nghỉ. 
 
Khi chúng tôi liên hệ, nhiều homestay thông tin mức giá 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/ngày. Nhưng khi người thuê yêu cầu được tìm hiểu về Đà Lạt thông qua gia chủ, được hướng dẫn về mảnh đất, con người Đà Lạt thì nhận được lời từ chối vì theo họ giải thích thì chỉ cho thuê phòng, còn lại khách tự lo. Có ý kiến còn cho rằng tuy họ làm dịch vụ nhưng không thể tối nào cũng trò chuyện, tiếp chuyện với khách được.
 
Theo đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin TP Đà Lạt, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của việc phát triển loại hình homestay chính là hầu hết các hộ kinh doanh dịch vụ homestay hoạt động quy mô nhỏ, nhiều cơ sở được thuê lại hoặc tận dụng một cách sơ sài, mức độ đầu tư cơ sở vật chất, tiện nghi, trang thiết bị còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, an ninh trật tự. Nhiều hộ gia đình tự ý cho khách thuê lưu trú; sử dụng lao động thiếu kỹ năng phục vụ, kỹ năng ứng xử.
 
Mặt khác, về cách thức dùng từ homestay, theo đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin Đà Lạt thì homestay dịch nghĩa tiếng Anh là “Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê”. Trước đây, việc thẩm định xếp loại cơ sở homestay được áp dụng theo bộ tiêu chí quốc gia 7800:2017 quy định cụ thể về các tiêu chí: vị trí, kiến trúc; trang thiết bị; diện tích phòng ngủ, phòng vệ sinh, phòng tắm; dịch vụ và mức độ phục vụ; bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, từ khi Luật Du lịch 2017 được ban hành và có hiệu lực thì việc thẩm định homestay được áp dụng theo Điều 27 Nghị định 168/2017/NĐ-CP và Điều 5 Nghị định 142/2018/NĐ-CP. Theo đó, các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê được đơn giản hóa tối đa, phần nào tạo ra sự lúng túng cho cơ quan quản lý trong việc hậu kiểm điều kiện. Vì với những quy định đơn giản trên thì hầu hết các cơ sở thẩm định đạt, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng các cơ sở phát triển homestay.
 
Theo số liệu của UBND TP Đà Lạt thì đến thời điểm tháng 6 năm 2019 toàn thành phố có 569 cơ sở kinh doanh homestay, nhưng đến tháng 9 đã tăng thêm khoảng trên 200 cơ sở, tức là vào khoảng 800 cơ sở kinh doanh homestay. Đối với khoảng trên 200 cơ sở mới này, UBND TP Đà Lạt đang phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tiến hành thẩm định, kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Còn trong năm 2018, Phòng Văn hóa và Thông tin đã chủ trì tiến hành kiểm tra đột xuất và tham mưu UBND TP Đà Lạt xử lý 4 trường hợp homestay vi phạm. 
 
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các ban, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra nhắc nhở 126 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, yêu cầu các tổ chức, cá nhân bổ sung hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn hoạt động đối với ngành nghề kinh doanh. Tiến hành lập biên bản và tham mưu UBND TP Đà Lạt xử lý vi phạm hành chính đối với 49 cơ sở lưu trú du lịch không thông báo bằng văn bản trước khi đi vào hoạt động và chưa kê khai, niêm yết giá, tổng số tiền phạt hành chính là 114,25 triệu đồng; 4 cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch không có giấy chứng nhận an ninh trật tự, số tiền thu phạt là 40 triệu đồng; 8 cơ sở du lịch không báo khách lưu trú, tổng số tiền phạt là 12 triệu đồng. Vận động người dân tháo dỡ trên 30 biển hiệu tự đề là homestay trên địa bàn. 
 
Bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết: Công tác kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định pháp luật đối với loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) trên địa bàn TP Đà Lạt còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là việc các cơ sở tự ý gắn biển hiệu homestay là chưa đúng với bản chất và quy định của pháp luật trong việc quản lý loại hình này. Thứ hai, chính là sự chồng chéo giữa các cơ quan chức năng trong quản lý homestay. Để khắc phục tình trạng trên thì địa phương sẽ sớm hoàn thiện Dự thảo Quy định tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh homestay trên địa bàn.
 
TỨ ĐỨC