Ở xã có thu nhập cao nhất huyện bây giờ ra sao?

05:08, 06/08/2020

Từng là xã có mức thu nhập bình quân đầu người đứng đầu huyện Di Linh, tuy nhiên, trong những năm gần đây, thu nhập bình quân của người dân xã Tân Châu ít nhiều có sự biến động khiến ai cũng phải đặt ra câu hỏi...

Từng là xã có mức thu nhập bình quân đầu người đứng đầu huyện Di Linh, tuy nhiên, trong những năm gần đây, thu nhập bình quân của người dân xã Tân Châu ít nhiều có sự biến động khiến ai cũng phải đặt ra câu hỏi, liệu rằng Tân Châu có còn giữ được mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện như trước nay? 
 
Tân Châu ngày ấy 
 
Xã Tân Châu nằm dọc theo Quốc lộ 28 với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Và cũng từ lâu, nhiều người biết đến nơi đây là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện, vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới vào năm 1999. 
 
Hiện xã Tân Châu có tổng diện tích tự nhiên là 4.390 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 4.105 ha, chiếm 93,5% diện tích tự nhiên. Toàn xã có 2.558 hộ/11.730 khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 70% với 17 dân tộc khác nhau đang cùng sinh sống và lập nghiệp tại 10 thôn của xã, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,99%.
 
Được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đầu tiên của huyện vào năm 2014 và chọn làm điểm của tỉnh Lâm Đồng, xã Tân Châu từng ngày “thay da đổi thịt” với nền nông nghiệp chuyên canh cây cà phê. Đấy cũng là niềm mơ ước của nhiều xã có đông đồng bào DTTS khác sinh sống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Nhìn lại khoảng thời gian về trước, ông K’Bôn - Bí thư Đảng ủy xã Tân Châu cho hay, thời điểm 2005, diện tích chủ yếu là cà phê và cũng có thể gọi đấy là thời “hoàng kim” của loại cây đó. Bởi, lúc ấy giá cà phê cao nên người dân phát triển kinh tế rất thuận lợi, đời sống của bà con có nhiều khởi sắc. Chính vì lẽ đó, Tân Châu được biết tới là xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện ở thời điểm đó, với tổng thu nhập là 20 triệu đồng/người/năm. Trong những năm tiếp theo, phần lớn các hộ dân trong xã khi xây nhà đều đầu tư từ 300 - 400 triệu đồng trở lên, nhiều hộ nông dân tại Tân Châu hiện đã mua sắm được cả ô tô để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình.
 
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, so với mặt bằng chung của toàn huyện, thu nhập bình quân đầu người của địa phương chưa thật sự nổi bật. Tính đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người là 70 triệu đồng/người/năm, chưa trừ chi phí sản xuất. 
 
Theo ông Lê Văn Dụng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu: Nguyên nhân dẫn đến việc thu nhập của người dân không được như trước là do giá cà phê ngày càng giảm, diện tích cà phê chiếm phần lớn nhưng người dân không mạnh dạn chuyển đổi để tăng thu nhập, nên tình hình phát triển kinh tế sụt giảm nhiều so với các năm trước đó.
 
Đẩy mạnh tái canh, chuyển đổi
 
Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã Tân Châu đã thực hiện kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng và thay thế đối với vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp. 
 
Đầu năm 2020, địa phương tiếp tục vận động Nhân dân thực hiện kế hoạch tái canh cà phê theo kế hoạch giao là 185 ha, trong đó có 70 ha tái canh trắng và 115 ha ghép cải tạo.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Dụng cho biết thêm, năm nay do thời tiết nắng hạn kéo dài, lượng nước ít, dẫn đến việc thực hiện tái canh chậm. 
 
Là thôn được chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, Thôn 5 hiện tại có tổng số dân là 270 hộ/1.280 khẩu, trong đó hộ nghèo chỉ còn 4 hộ đang nằm trong đối tượng trợ cấp. Ông Tạ Văn Vân - Trưởng thôn 5 cho biết, tính đến đầu năm 2020, năng suất cà phê đạt 3,2 đến 3,5 tấn/ha, tăng 0,5 tấn/ha so với nghị quyết đề ra. Đến thời điểm hiện tại, hơn 50% tổng số hộ gia đình đã chuyển đổi cây trồng và cho thu nhập trung bình hằng năm đạt 77,8 triệu đồng/người/năm, chưa trừ chi phí.
 
Để tăng cường phát triển kinh tế đồng bộ, song song với việc tuyên truyền đến người dân trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao như bơ, sầu riêng, mắc ca, cam…, xã đã chỉ đạo các thôn triển khai cho dân đăng kí trồng giống bơ 034 với tổng số cây là 228 cây.
 
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã, để phát triển kinh tế đồng bộ, bên cạnh việc duy trì diện tích cà phê lâu năm, xã tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 15% giá trị nông nghiệp trở lên. Đồng thời, từng bước tạo điều kiện cho người dân tích tụ đất đai để đầu tư sản xuất theo hình thức trang trại, gia trại trong sản xuất nông nghiệp, phấn đấu năm 2025 toàn xã có 4 trang trại, gia trại trở lên; tăng số lượng đàn bò sữa lên 50 con, đàn bò thịt 300 con, tăng đàn lợn hướng nạc, phát triển tổng đàn gia cầm, thủy cầm lên 40.000 lượt con; đưa tỷ trọng chăn nuôi đạt 15% giá trị sản xuất nông nghiệp.
 
THÂN HIỀN