Đừng đánh mất phẩm giá vì sự vô tâm

06:11, 02/11/2020

Suốt quãng thời gian tiểu học, cứ mỗi lần đi học về, nhiều lần quên cả chào hỏi, mặt mày đỏ lựng, con gái tôi lại quăng ba lô, sách vở chạy biến vào nhà vệ sinh. Sau khi hoàn thành "tứ sướng ", cháu mới trả lời: con không thể chịu được mùi hôi của nhà vệ sinh ở trường, ghê lắm ba ạ!

Suốt quãng thời gian tiểu học, cứ mỗi lần đi học về, nhiều lần quên cả chào hỏi, mặt mày đỏ lựng, con gái tôi lại quăng ba lô, sách vở chạy biến vào nhà vệ sinh. Sau khi hoàn thành “tứ sướng ”, cháu mới trả lời: con không thể chịu được mùi hôi của nhà vệ sinh ở trường, ghê lắm ba ạ!
 
Mẫu nhà vệ sinh sạch, đẹp dành cho trường học. Ảnh minh họa: Internet
Mẫu nhà vệ sinh sạch, đẹp dành cho trường học. Ảnh minh họa: Internet
 
Đòi hỏi ý thức cao của những đứa trẻ tiểu học, chắc chắn là điều không thể. Và dù hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, ngoài những khoản đóng góp chính của cha mẹ học sinh, đều có thêm một khoản phụ, đó là đóng góp phí chi trả dịch vụ vệ sinh. Mỗi trường sẽ đều thuê một nhân viên dọn dẹp, nhưng với số lượng học sinh đông cùng với “sự đãng trí” và ham vui của lũ trẻ, chắc chắn một điều sẽ không có một nhà vệ sinh trường học nào có thể giữ được sự sạch sẽ, thơm tho trong suốt quãng thời gian dài. 
 
Đấy là với những đứa trẻ thành phố, điều kiện vệ sinh được đảm bảo theo quy chuẩn. Còn với những đứa trẻ vùng sâu, khi mà ăn mặc đang còn là chuyện quan tâm của toàn xã hội thì chuyện vệ sinh chắc chưa bao giờ là mối lo lớn nhất.
 
Học sinh nông thôn đến trường còn được đi vệ sinh đúng nơi quy định, dù không cần nhiều khảo sát cũng đủ thấy, phần lớn nhà vệ sinh trong các trường học vùng sâu đều cáu bẩn, ố vàng, sặc mùi khai nồng, thiếu giấy, thiếu nước và xà bông rửa tay. 
 
Cho dù nhiều năm nay, việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo đúng tiêu chí của chương trình nông thôn mới được đẩy mạnh từ nhiều nguồn vốn; tuy nhiên, với những đứa trẻ nông thôn vùng sâu, vùng xa việc đi vệ sinh trong một cái nhà vệ sinh chưa bao giờ được xem là một nhu cầu.
 
Phần lớn, để hoàn thành nhiệm vụ bài tiết của cơ thể, chọn “đầu ra” cho thực phẩm sau một quy trình chuyển hóa chúng đều lựa chọn phương án gần gũi với thiên nhiên. Mà đâu chỉ lũ trẻ, kể cả người lớn, gần như không có khái niệm e ngại, họ đều chọn phương án “mây che trên đầu và nắng trên vai”, được nghe gió hát để thực hiện phận sự cuối cùng của công cuộc dung nạp và chuyển đổi chất ấy.
 
Chất thải của con người cứ thế ngấm vào đất, vào các nguồn nước, vào cả các nguồn nước uống, nước sinh hoạt và theo thống kê của UNICEF, 80% bệnh tật ở các khu vực nông thôn đều xuất phát từ nguyên nhân này.
 
Nhà vệ sinh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống. Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo tại các hộ gia đình, nơi làm việc, bệnh viện, trường học... có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự tập trung và năng suất lao động. Việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh tác động không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng và gia đình. Đây là nguyên nhân chính gây ra các dịch bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm các loại giun sán, đường ruột và đau mắt hột.
 
Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới thì gần 70% dân số nông thôn vùng sâu, vùng xa của Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận với vệ sinh tiêu chuẩn và phần lớn trong đó vẫn chọn cách đi vệ sinh “mở”.
 
Ở Lâm Đồng, theo số liệu thống kê chưa hoàn chỉnh cuối năm 2019, thì tỷ lệ hộ nghèo được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng mới chỉ đạt được trên 70%. Thấp nhất là huyện Đam Rông và đặc biệt chưa có huyện nào đạt được tỷ lệ 100%. 
 
Cũng ở Lâm Đồng, không tính những cơ quan nhà nước, luôn có bộ phận tạp vụ hay nhân viên được trả công theo giờ để lo chuyện dọn dẹp, lau chùi, đảm bảo môi trường trong sạch; nhiều cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là ở cấp xã thì nhà vệ sinh luôn là một vấn nạn, theo đúng kiểu “cha chung không ai khóc”.
 
Khôi hài hơn, kể cả những xã được treo biển văn hóa hay “quyết tâm giữ vững danh hiệu” đạt chuẩn  nông thôn mới thì tiêu chí vệ sinh cơ quan “xanh, sạch, đẹp” chưa bao giờ có khái niệm đạt chuẩn. Không dám đánh đồng tất cả, nhưng tôi dám chắc, không nhiều trong tất cả ban bệ của những xã ấy, từ những người có vị trí quan trọng đến các công chức bình thường hay những người hưởng phụ cấp bán chuyên trách, liệu họ có nghĩ đến mình khi bước vào và nghĩ đến người khác khi bước ra.
 
Không ít lần, trong những chuyến công tác, bụng dạ không được tốt vì những đặc sản lạ của địa phương, nhưng tôi và nhiều đồng nghiệp cũng đã phải bấm bụng, nín nhịn, “ôm hờn” vì không thể chịu đựng nổi không gian để “trút bỏ tâm sự” ấy.
 
“Hãy ôm bồn cầu mỗi ngày” từng là một chiến dịch của Tổ chức Toilet thế giới. Bởi trong đời, bạn cần dành từ 3 tới 5 năm chỉ để đi vệ sinh. Điều này tương ứng với việc bạn vào nhà vệ sinh 2.500 lần một năm, tức khoảng 6 - 8 lần một ngày.
 
Không khó hiểu, khi những người tôn trọng giá trị của bản thân, trước khi xây nhà, hay chọn một nơi ở mới họ đều quyết định kỹ lưỡng và đầu tư cho khu vực vệ sinh. Ngay từ thời cổ đại, người Ai Cập đã gọi nhà vệ sinh là “căn phòng của bình minh”; trong khi người Do Thái gọi nó là căn phòng danh dự” và ngay với bất cứ một quốc gia, một đô thị phát triển nào ở thời điểm hiện tại, việc xây dựng các khu vệ sinh công cộng sạch sẽ dành cho người đi đường luôn là một phần tất yếu để đánh giá mức độ văn minh.
 
Tôi nhớ không nhầm, thì việc đi vệ sinh, nếu như muốn tận hưởng cảm giác 5 sao, bạn còn phải bỏ tiền. Nói điều này để khẳng định, bởi tôi và các đồng nghiệp của mình đã từng phải chi ra 5 ringgit (tương đương với 25.000 vnđ) chỉ để được thưởng thức không gian ấy trong toilet của tòa tháp đôi nổi tiếng Petronas (Malaysia) trong lần duy nhất được đến đây.
 
Chừng nào lũ trẻ đến trường vẫn còn phải bấm bụng về nhà. Chừng nào đám trẻ vùng sâu vẫn còn “gửi phận” ở thiên nhiên. Chừng nào người lớn vẫn còn khoan khoái cổ súy cho việc “nhất quận công ...”. Chừng nào công chức cấp xã vẫn còn sơ mi đóng thùng bước vào những nhà vệ sinh không văn hóa. Chừng nào phẩm giá con người vẫn không được tôn trọng, xem ra chúng ta phải tự vấn lại về khái niệm “phát triển bền vững”.
 
LINH ĐAN