Vô tư bao chiếm đất rừng nội ô Đà Lạt

06:11, 19/11/2020

Việc tự ý bao chiếm, tác động, thay đổi hiện trạng đất rừng trái pháp luật trên xảy ra tại vị trí chỉ cách trụ sở Ban Quản lý rừng Lâm Viên hơn 100 m, nhưng chủ rừng không có biện pháp ngăn chặn.

Việc tự ý bao chiếm, tác động, thay đổi hiện trạng đất rừng trái pháp luật trên xảy ra tại vị trí chỉ cách trụ sở Ban Quản lý rừng Lâm Viên hơn 100 m, nhưng chủ rừng không có biện pháp ngăn chặn. 
 
Đất rừng bị bao chiếm xây dựng kè đá trái pháp luật tại TK 266B
Đất rừng bị bao chiếm xây dựng kè đá trái pháp luật tại TK 266B
 
Ngày 16/11, Phó trưởng Ban Quản lý rừng Lâm Viên (BQLR Lâm Viên) Nguyễn Văn Quế cho biết, đơn vị đã tiến hành lập biên bản kiểm tra vụ việc lấn chiếm đất lâm nghiệp, xây dựng bờ kè đá trái pháp luật tại Tiểu khu 266B, khu vực Đồi Lộng Gió nằm ngay cửa ngõ vào thành phố hoa Đà Lạt.
 
Cụ thể, qua tuần tra, quản lý bảo vệ rừng, lực lượng chức năng phát hiện tại Lô C, Khoảnh 2, Tiểu khu 266B (khu vực rừng nội ô, thuộc diện quy hoạch đất rừng phòng hộ, nằm trên địa bàn Phường 3, TP Đà Lạt), xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, xây dựng bờ kè đá trái phép. Qua xác minh và thông tin người dân cung cấp, Đoàn kiểm tra, gồm: BQLR Lâm Viên, Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt, Ban Lâm nghiệp Phường 3 (TP Đà Lạt), xác định vị trí vi phạm nói trên là của bà Trần Thanh Tuyết (SN 1975, trú tại TP Đà Lạt). 
 
Đoàn kiểm tra đã liên lạc, đề nghị bà Tuyết đến hiện trường để làm rõ vụ việc, nhưng bà Tuyết không đến nên đã lập biên bản ghi nhận diện tích rừng (xung quanh ngôi nhà của bà Tuyết) bị bao chiếm, tác động trên diện tích 840 m 2. Trong đó, đã tác động, xây dựng bờ kè đá dài 35 m, cao 50 cm. Ngoài ra, tại khu vực này cũng vừa trồng 161 cây tùng cao từ 1-1,5 m; 14 cây anh đào cao trung bình từ 5-7 m và 5 cây đào cao từ 4-5 m. 
 
Các đối tượng bao chiếm đổ đất lấn rừng lấp luôn gốc thông cổ thụ
Các đối tượng bao chiếm đổ đất lấn rừng lấp luôn gốc thông cổ thụ
Ông Phạm Ngọc Dư, Tiểu khu trưởng Tiểu khu 266B (BQLR Lâm Viên), khẳng định: “Vào thứ Sáu tuần trước (ngày 13/11/2020), đơn vị đã lập biên bản và vận động bà Tuyết tự giải tỏa khu vực lấn chiếm, nếu không cơ quan chức năng sẽ giải tỏa trắng theo quy định. Tuy nhiên, đến nay hiện trường vụ việc vẫn được giữ nguyên”.
 
Có mặt tại hiện trường vào chiều 16/11, chúng tôi ghi nhận tại đây có nhiều cây tùng, anh đào và đào cổ thụ, hoa cẩm tú cầu mới được trồng trên diện tích đất rừng vừa bao chiếm trái phép. Ngoài ra, nhiều diện tích đất rừng tại đây nay cũng bị đổ thêm đất mới để lấy mặt bằng, nâng nền, che chắn bằng lưới nhựa đen, việc đổ đất đã làm lấp 1 gốc thông 3 lá cổ thụ đường kính gốc hơn 60 cm cao hơn 20 m. Riêng kè đá vừa mới xây được trồng một lớp cây tùng bên ngoài để che chắn, bên trên được trưng bày nhiều chậu hoa nhỏ nhằm qua mặt đơn vị chủ rừng. Một cán bộ BQLR Lâm Viên cũng cho rằng, đây là cách làm để “che mắt” cơ quan chức năng.
 
Trước đó (ngày 10/8/2020), cũng tại khu vực này, BQLR Lâm Viên phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đà Lạt và Ban Lâm nghiệp Phường 3 đã lập biên bản kiểm tra “vắng chủ” về tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại Lô C, Khoảnh 2, Tiểu khu 166B, ghi nhận 235 m2 đất rừng bị lấn chiếm, đổ bê tông làm sân nhà và đặt một số chậu cây cảnh, gồm: cây si và đỗ quyên... Giáp với vị trí sân có một ngôi nhà tôn khoảng 70 m2 (nằm ngoài phần đất quy hoạch lâm nghiệp, nhà đất này được UBND TP Đà Lạt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tài sản gắn liền với đất cho hộ ông bà Đỗ Văn Thanh - Trần Thanh Tuyết vào ngày 9/1/2020). Điều đáng nói, dù được phát hiện sớm, nhưng chủ rừng và các cơ quan chức năng đã không kiên quyết xử lý, xử lý không dứt điểm nên chỉ sau một thời gian ngắn, các đối tượng trên lại ngang nhiên bao chiếm, tự ý tác động mở rộng diện tích đất lấn chiếm để trục lợi trái pháp luật.
 
Khu vực đất rừng giáp căn nhà trên của bà Tuyết đã được đổ đất nâng nền trái phép
Khu vực đất rừng giáp căn nhà trên của bà Tuyết đã được đổ đất nâng nền trái phép
 
Liên quan vụ việc, trước đó Báo Lâm Đồng đã có loạt bài phản ánh việc “Hô biến đất công thành đất tư nhân?” tại khu vực Đồi Lộng Gió nằm ở cửa ngõ TP Đà Lạt. Loạt bài nêu những khuất tất và sự lòng vòng xảy ra tại thửa đất số 79, tờ bản đồ D94-III (29), địa chỉ 27B đường Ba Tháng Tư, thuộc Tiểu khu 266B, khu vực Đồi Lộng Gió (Phường 3, TP Đà Lạt). 
 
Theo đó, sau hơn 5 năm kể từ ngày mua trúng đấu giá nhà, đất của Nhà nước tại số 27B đường Ba Tháng Tư. Dù được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cấp GCNQSDĐ số BU 366339 ngày 23/3/2015; và ngày 13/2/2015, Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt tiến hành lập biên bản bàn giao mốc giới lô đất và tài sản gắn liền với đất tại thực địa cho Công ty TNHH Nam Bình Thuận, với diện tích 688 m2, loại đất OTD (đất ở đô thị) tại địa chỉ trên. Nhưng cho đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa thể xin được phép xây dựng công trình vì tài sản nhà, đất mua trúng đấu giá trên nay lại nằm trong diện quy hoạch đất rừng (?!).
 
Trong khi đó, ngày 9/1/2020, UBND TP Đà Lạt lại cấp GCNQSD đất ở cho bà Trần Thanh Tuyết và ông Đỗ Văn Thanh (SN 1972) ngay trên phần đất công sản (theo họa đồ hiện trạng khu đất Nhà nước đã bán đấu giá tại địa chỉ 27B, đường Ba Tháng Tư, thuộc thửa đất số 79, tờ bản đồ số 29, Phường 3, TP Đà Lạt thể hiện lối đi chung 4m), khiến doanh nghiệp Nam Bình Thuận bất bình. 
 
Vụ việc sau khi báo chí phản ánh, ngày 13/11/2020, UBND TP Đà Lạt đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ số CU 490048 ngày 9/1/2020 đã cấp cho ông Đỗ Văn Thanh bà Trần Thanh Tuyết tại thửa đất 998 (gốc 1P142), tờ bản đồ số 29 (D94-III), Phường 3, địa chỉ số 27B đường Ba Tháng Thư (Phường 3, TP Đà Lạt). Lý do được cho là việc cấp GCNQSDĐ số CU 490048 ngày 9/1/2020 ngày 9/1/2020 đã cấp cho ông Đỗ Văn Thanh và bà Trần Thanh Tuyết tại vị trí trên là không đảm bảo theo quy định, không đủ điều kiện được cấp. 
 
Mặc dù UBND TP Đà Lạt đã ban hành quyết định thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho bà Trần Thanh Tuyết, nhưng đến nay ngôi nhà không phép của bà Tuyết vẫn án ngữ trên lối đi chung nằm trong họa đồ hiện trạng mà cơ quan chức năng đã cấp cho doanh nghiệp Nam Bình Thuận chưa biết đến khi nào mới được giải tỏa. Chưa kể, nếu không xử lý nghiêm việc cơi nới, bao chiếm đất rừng phòng hộ trái pháp luật tại khu vực này, chỉ trong thời gian ngắn rừng thông Đồi Lộng Gió - mảng xanh còn sót lại của Đà Lạt sẽ “đội nón” ra đi.
 
THỤY TRANG