Đạ Tẻh: Thay đổi tập quán chăn nuôi của cộng đồng người Tày - Nùng

04:12, 29/12/2020

Đó là nội dung nằm trong cuộc vận động của Hội Phụ nữ huyện Đạ Tẻh phối hợp với Hội Nông dân huyện nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi, bảo vệ môi trường nông thôn trong cộng đồng người Tày - Nùng nơi đây. 

Đó là nội dung nằm trong cuộc vận động của Hội Phụ nữ huyện Đạ Tẻh phối hợp với Hội Nông dân huyện nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi, bảo vệ môi trường nông thôn trong cộng đồng người Tày - Nùng nơi đây. 
 
Chuồng bò nhà ông Nông Văn Thân
Chuồng bò nhà ông Nông Văn Thân
 
Khi chúng tôi đến nhà, chị Lục Thị Sâm, 51 tuổi, người Tày, sinh sống tại Thôn 5, An Nhơn đang bỏ rơm cho trâu và dọn dẹp quanh chuồng.
 
Gia đình chị Sâm nuôi 3 con trâu, trong đó có 1 con trâu mẹ và 2 con nghé; trâu mẹ to lớn, mập mạp, sừng cong vút thật đẹp. Chị cùng gia đình từ Cao Bằng vào Đạ Tẻh lập nghiệp từ năm 2000; nhà có 3 người con, hầu hết đã lập gia đình trong xã nhưng một cô vẫn còn ở cùng gia đình, chồng chị đang đi thăm ruộng lúa. Gia đình chị canh tác 8 sào ruộng, mùa thu hoạch lúa chị giữ rơm lại để nuôi trâu. 
 
Chuồng trâu, như tập quán người Tày, được gia đình chị làm gần nhà cho dễ chăm sóc. Cũng như bao người Tày ở Thôn 5 này, chuồng trâu trước đây nền đất, lâu ngày trâu giẫm đạp nên nền nhão, phân trâu theo nước chảy ra chung quanh, bốc mùi, gia đình cũng không thu được lượng phân chuồng bao nhiêu để bón ruộng. 
 
Cách đây vài tháng, gia đình chị đã được Hội Phụ nữ An Nhơn, thông qua một chương trình vận động bảo vệ môi trường của Hội Phụ nữ kết hợp với Hội Nông dân huyện, hỗ trợ 1,5 triệu đồng để sửa sang lại chuồng nhằm giảm thiểu mùi hôi từ chuồng trâu, cải thiện vệ sinh nông thôn. Gia đình chị đã thêm tiền vào đó, tổng cộng khoảng 8 triệu, kể cả tiền hỗ trợ, để làm nền bê tông cho chuồng trâu, máng cỏ xây gạch, xây bồn chứa có đáy xi măng, mái lợp tôn tránh mưa để cào phân trâu ra chứa ở đây.
 
Trong bồn chứa phân này chị còn được xã hỗ trợ men vi sinh rắc vào để ủ, rắc thêm vôi để giảm thiểu mùi hôi. Sau khi bồn đầy, gia đình chị chuyển phân ra phơi khô tại khoảng sân nhỏ quanh chuồng, cào thành đống, mua bạt dày phủ lên che mưa chờ lúc chuyển ra đồng bón ruộng.
 
“Đã giảm bớt mùi hôi rồi, đỡ nhiều. Với lại có phân để bón ruộng chứ trước phân chuồng cứ chảy ra mương trước nhà” - chị Sâm chỉ tay nói. 
 
Tại một gia đình người Tày khác cũng trong Thôn 5, nhà ông Nông Văn Thân, 41 tuổi, lại không nuôi trâu mà nuôi bò. Ông Thân nuôi đến 4 con bò, chuồng bò cách khá xa nhà, đợt rồi ông cũng được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ 2 triệu đồng để làm lại chuồng bò. 
 
Từ số tiền hỗ trợ này, ông Thân bỏ ra thêm 7 triệu và bỏ thêm công nhà để làm lại nền chuồng, chuồng làm khá rộng, cũng xây bồn cỏ bằng gạch cho bò, xây hố ủ phân chuồng rộng rãi, nền láng bê tông, lợp thêm mái tôn quanh chuồng. Chuồng ông Thân làm rất ngăn nắp, một phần cho chuồng bò, một phần rộng còn lại dùng làm nhà kho chứa đồ, nuôi gà, có bắc nước tự chảy theo đường ống từ trên núi về để rửa chuồng nên khá sạch sẽ. 
 
“Nhà tôi làm 5 sào lúa, trồng 2 ha điều, trước đây thì cũng dùng phân bò huoai để bón ruộng nhưng được ít vì phân chảy ra ngoài, nay ủ lại được nhiều hơn, có thể dùng để bón thêm cho cây trên vườn” - ông Thân cho biết.
 
Theo ông Lăng Văn Páo, Thôn trưởng Thôn 5, toàn thôn hiện có 162 gia đình, toàn bộ là người Tày, Nùng từ phía Bắc vào lập nghiệp, chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng lúa và trồng điều trên đồi. Theo tập quán, hầu như gia đình nào cũng nuôi trâu, gần đây có nhiều nhà nuôi bò. Trâu bò làm sức kéo trên đồng ruộng, dùng phân bón ruộng, gần đây đồng có máy cày nên sức kéo trâu bò giảm dần nhưng người dân vẫn nuôi để bán, tận dụng nguồn thức ăn từ rơm rạ, cỏ trên đồng. 
 
Và cũng theo tập quán, rất nhiều gia đình khi vào đây đã nuôi trâu bò gần nhà, thậm chí nhốt trâu bò, nuôi heo dưới gầm nhà sàn. Theo ông Páo, sau một thời gian dài chính quyền và các đoàn thể vận động, nhiều nhà mới chuyển dần chuồng trâu bò ra xa một chút. Hiện vẫn còn những gia đình nuôi heo dưới gầm nhà sàn nhưng không nhiều, chủ yếu gầm sàn bây giờ người dân dùng nuôi gia cầm và chính quyền cũng đang nỗ lực vận động bà con tách dần ra. 
 
Tuy nhiên, dù có đưa chuồng trại trâu bò ra xa nhà một chút thì tình trạng vệ sinh lâu nay vẫn chưa được cải thiện, phân trâu bò theo nước mưa từ ngoài chảy tràn vào chuồng, tràn ra xung quanh, chảy vào sân, vào nhà ở, bốc mùi hôi thối, nhất là ban đêm. 
 
Gần đây hưởng ứng chương trình vận động của xã, ông đã tích cực đến từng nhà vận động bà con cải thiện chuồng trại chăn nuôi. Thôn ông đến nay đã có 15 hộ được hỗ trợ để cải thiện lại chuồng và vẫn còn khoảng 20 gia đình như vậy đang cần được hỗ trợ.
 
Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Nhơn, cộng đồng Tày - Nùng tại xã chiếm đến 70% dân số với trên 600 gia đình, trên 2.100 khẩu. Hội Phụ nữ xã An Nhơn trong nhiều năm nay đã cùng chính quyền và các đoàn thể khác trong xã vận động cộng đồng Tày - Nùng tách chăn nuôi trâu bò, nuôi heo ra khỏi gầm nhà sàn. Trong năm nay, Thôn 5 được chọn hỗ trợ đầu tiên cho cuộc vận động cải thiện môi trường nông thôn theo chủ trương của Hội Phụ nữ huyện cùng Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức. Tùy theo số trâu bò nuôi để có mức hỗ trợ, nuôi từ 3-6 con được hỗ trợ 1,5 triệu đồng; từ 7 con trở lên được hỗ trợ 2 triệu đồng, phần còn lại người dân đóng góp vào như là vốn đối ứng, thêm công nhà để làm.
 
Điều đáng mừng theo bà Hương, đến thời điểm này bên cạnh số hộ được hỗ trợ, đã có thêm nhiều hộ dân khác là người Tày Nùng trong xã tự bỏ tiền ra cải tạo lại chuồng trâu bò theo cách hướng dẫn của xã. Như nhà ông Nông Văn Bào, 43 tuổi ở Thôn 5 chẳng hạn, ông tự bỏ chừng 10 triệu đồng để láng lại nền chuồng trâu 4 con của mình, xây máng cỏ, xây hố ủ phân, trong hố ông rắc vôi bột và tự mua men vi sinh về xử lý, phân ủ xong được ông phơi khô bón ruộng, bón điều.
 
Theo bà Ka Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đạ Tẻh, Hội sắp đến sẽ tìm kiếm thêm nguồn vốn hỗ trợ cho cuộc vận động này để triển khai rộng đến cộng đồng đồng bào Tày - Nùng (với khoảng 2.000 hộ) trong toàn huyện. “Thay đổi tập quán là việc không dễ nhưng chúng tôi đã có những bước thành công ban đầu, hy vọng môi trường nông thôn của huyện, trong đó có vùng nông thôn của bà con Tày Nùng sẽ được cải thiện nhiều cho mục tiêu Đạ Tẻh hướng đến huyện nông thôn mới kiểu mẫu về cảnh quan môi trường nông thôn trong thời gian đến” - bà Hương nói.
 
VIẾT TRỌNG