Đồng hành cùng nông dân

06:12, 11/12/2020

Với sự trợ giúp từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân ở huyện Lâm Hà đã có thêm điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Với sự trợ giúp từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân ở huyện Lâm Hà đã có thêm điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
 
Số vốn vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp gia đình bà Phạm Thị Hòa khôi phục lại vườn dâu sau lũ
Số vốn vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp gia đình bà Phạm Thị Hòa khôi phục lại vườn dâu sau lũ
 
Hiện, trên địa bàn huyện Lâm Hà có 16 dự án đang được triển khai từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, với tổng số tiền trên 3,8 tỷ đồng cho 203 hộ vay. Trong đó, nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác có 2 dự án ở xã Tân Văn, Phúc Thọ với số tiền 1,2 tỷ đồng/50 hộ vay; nguồn Tỉnh Hội ủy thác có 3 dự án với số tiền 800 triệu đồng/40 hộ ở các xã Đông Thanh, Nam Hà, Mê Linh; nguồn cấp huyện có 11 dự án với trên 1,8 tỷ đồng cho 113 hộ vay.
 
Theo đó, mỗi hộ được vay từ 20 - 30 triệu đồng. Các dự án cho vay chủ yếu tập trung vào việc trồng dâu nuôi tằm; chăm sóc và cải tạo cây cà phê; rau, hoa công nghệ cao; trồng và chăm sóc cây ăn quả... Theo bà Nguyễn Thị Hồng Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà, đây là những dự án phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế của nông dân tại địa phương. Số vốn vay được hội viên dùng để mua giống cây, phân bón, thuốc, thuê công trồng và chăm sóc,... 
 
Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện, đến nay, số vốn vay đã được các hộ nông dân sử dụng đúng mục đích, góp phần vào việc phát triển kinh tế tại các địa phương. Đồng thời góp phần giải quyết được nguồn lao động tại chỗ, chủ yếu là lao động trong xã. Cùng với sự phát triển về kinh tế, hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã phấn khởi hơn khi tham gia tổ chức Hội, đồng thời chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của Hội tại địa phương.
 
Tại xã Đông Thanh, từ tháng 10/2019, 15 hộ đã được vay vốn từ Qũy Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền 300 triệu đồng trong 2 năm để trồng dâu nuôi tằm. Số vốn được tập trung cho các hộ nông dân thuộc hai thôn Tiền Lâm và Thanh Hà - là hai khu vực chịu nhiều thiệt hại do bão lũ thời gian trước đó. Ông Trần Văn Thọ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh cho biết, số tiền 20 triệu đồng mỗi hộ được vay tuy không lớn, nhưng đã góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Trong năm 2020, mặc dù giá kén tằm không ổn định do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên, người dân xã Đông Thanh vẫn có thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống cho gia đình.
 
Là một trong 15 hộ được vay vốn năm 2019, bà Phạm Thị Hòa (thôn Tiền Lâm, xã Đông Thanh) cho biết, ảnh hưởng của bão lũ đã khiến 3 sào đất trồng dâu của bà bị ngập úng, nhiều vật dụng bị hư hại. Số tiền 20 triệu đồng được vay đã  giúp gia đình bà kịp thời khôi phục vườn dâu, mua lại nong né mới. Đến thời điểm hiện tại, việc trồng dâu nuôi tằm của bà cơ bản đã được khôi phục với 2 hộp tằm mỗi tháng, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
 
Tương tự, tại xã Gia Lâm cũng có 10 hộ đang được vay vốn từ nguồn Qũy Hỗ trợ nông dân, với số tiền 20 triệu đồng mỗi hộ cho dự án chăm sóc, tái canh cây cà phê. Anh Đinh Văn Sang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm cho biết: Qua quá trình giải ngân, các hộ được vay vốn đã mạnh dạn chuyển từ cà phê giống cũ, năng suất thấp sang những giống mới cho năng suất và chất lượng cao hơn. Đồng thời, Hội khuyến khích các hộ nông dân đầu tư hệ thống tưới tự động, mang lại hiệu quả đáng kể. Bên cạnh đó, mỗi người vay vốn đều nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc sử dụng nguồn vốn để phát triển sản xuất.
 
Để nguồn vốn từ Qũy Hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả, Hội Nông dân huyện Lâm Hà đã kết hợp với các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, định hướng cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp. Từ đó, giúp nông dân phát huy được nguồn vốn vay, có điều kiện phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân huyện đã triển khai, phân bổ chỉ tiêu vận động nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đến 16/16 Hội Nông dân xã, thị trấn trong toàn huyện. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Anh, để hạn chế rủi ro, Hội Nông dân huyện Lâm Hà thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của hộ vay đúng mục đích vay, có hiệu quả; ngăn chặn các hành vi sử dụng sai mục đích; xử lý, ngăn chặn tệ nạn tín dụng đen tại cơ sở. Bên cạnh đó, việc lựa chọn đối tượng vay phải phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng của các hội viên. 
 
“Thời gian tới, Hội Nông dân tiếp tục xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với Qũy Hỗ trợ nông dân, với các hình thức sản xuất phù hợp ở địa phương. Đồng thời thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình dự án nông - lâm nghiệp, công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn để sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao hiệu quả, từ đó góp phần vào công tác giảm nghèo - một trong những nhiệm vụ quan trọng của huyện Lâm Hà” - bà Hồng Anh cho biết thêm.
 
VIỆT QUỲNH