Đưng Trang còn đó những khó khăn

05:12, 09/12/2020

Nằm giữa sườn đồi, thôn Đưng Trang (xã Đưng K'Nớ, Lạc Dương) mặc dù đã được định canh, định cư ổn định từ nhiều năm nay; song, điều kiện kinh tế, đời sống của 35 hộ dân tại đây còn đó nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Nằm giữa sườn đồi, thôn Đưng Trang (xã Đưng K’Nớ, Lạc Dương) mặc dù đã được định canh, định cư ổn định từ nhiều năm nay; song, điều kiện kinh tế, đời sống của 35 hộ dân tại đây còn đó nhiều khó khăn, thiếu thốn.
 
Giao thông ở Đưng Trang đi lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào những đợt sạt lở
Giao thông ở Đưng Trang đi lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào những đợt sạt lở
 
Con đường đi vào thôn Đưng Trang chỉ dài 14 km tưởng chừng như rất dễ đi và dễ đến, nhưng không phải vậy, chúng tôi thấy nơi ấy xa “vời vợi”. Bởi, đúng như trong tưởng tượng, đường vào thôn quanh co, dốc thăm thẳm, đất sỏi “nhấp nhô” khiến đường đi trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, sau những trận mưa lớn liên tiếp hồi giữa tháng 11 làm cho con đường vào thôn vốn đã khó đi nay lại càng thêm khó. 
 
Anh Bon Niêng Ha Muôn - người dẫn đường cho chúng tôi bảo rằng, con đường này đã được mở rộng một số đoạn và dễ đi hơn rất nhiều so với trước. Vài năm trước, muốn vào đây phải đi bộ men theo con đường mòn quanh co sườn núi dài hằng chục km, mất cả mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi. Từ ngày con đường đi được xe máy, đời sống của các hộ đồng bào DTTS ở Đưng Trang đã được cải thiện rất nhiều. Và, anh Ha Muôn cũng không quên nhắc chúng tôi: “Trong này không có sóng điện thoại nên tranh thủ gọi điện cho ai thì gọi nhé! Điện thoại phải sạc đầy pin vì trong này điện cũng chập chờn lắm. Ở đây những ngày có điện chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi”. 
 
Có lẽ vậy mà chúng tôi phải mất cả 1 tiếng đồng hồ “đánh vật” cùng với con đường mới có thể đặt chân đến thôn Đưng Trang. Xuất hiện phía trước, ấy là ngôi làng nhỏ với những nếp nhà gỗ cùng kiểu dáng đặc trưng của người DTTS nằm sát kề bên nhau và bao quanh là những ngọn đồi cao chót vót. 
 
Đưng Trang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 95%, chủ yếu là người Cill sinh sống đã từ nhiều năm nay. Hiện, thôn có 35 hộ và hơn 140 nhân khẩu; trong đó, có 9 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo với mức thu nhập bình quân là 9-10 triệu đồng/người/năm.
 
Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, địa phương có nhiều sự quan tâm và tuyên truyền phát triển kinh tế, song đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều vất vả. Người dân chủ yếu dựa vào việc trồng và bán cà phê hoặc nhận khoán bảo vệ rừng. 
 
Trưởng thôn Bon Niêng Ha Liêng chia sẻ: Trước kia, đây là vùng đất trống, đồi trọc, người dân vào đây sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc Cill. Khi bắt đầu cuộc chiến chống Fulro, bà con hầu như di tản về thị trấn Lạc Dương. Cho tới năm 1996, mới bắt đầu quay trở lại ổn định và cùng nhau phát triển kinh tế từ đó. Tuy nhiên, trong này do điện, đường, trường, trạm chưa ổn định nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn. 
 
Gia đình bà Bon Niêng K’Nghe (66 tuổi) thu nhập trong gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào 2 sào cà phê Robusta giống cũ. “Phần lớn người dân ở đây đều trồng cà phê, diện tích mỗi nhà chỉ được ít sào và một phần nữa là do loại cà phê Robusta tại đây ít người chuộng, nên mỗi lần đến ngày thu hoạch xong xuôi, bà con lại rủ nhau mang qua một số xã lân cận của huyện Đam Rông để bán với giá rẻ” - bà K’Nghe nói. 
 
Nhận thấy thôn Đưng Trang còn đó nhiều khó khăn, Đảng ủy xã Đưng K’Nớ xác định phát triển kinh tế là điều kiện quan trọng để cải thiện đời sống. Trong những năm gần đây, xã đã đầu tư 20 mô hình chăn nuôi cho các đối tượng hộ nghèo và cận nghèo với tổng số 916 con, gồm: 36 heo đen/6 hộ, 280 con gà/4 hộ, vịt 600 con/6 hộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, mô hình đầu tư không có hiệu quả do người dân không chú tâm, chịu khó. 
 
Ông Thân Văn Hữu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ cho biết: Nguyên nhân chính khiến Đưng Trang vẫn là thôn khó khăn nhất trong 4 thôn của xã chính là do trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, thiếu kiến thức, thiếu vốn sản xuất và hầu hết còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. “Để đời sống của bà con thuận tiện, nhiều lần lãnh đạo địa phương đã vào tận nơi tuyên truyền, vận động người dân chuyển ra ngoài để phát triển kinh tế, thuận lợi cho việc đi lại, tránh sạt lở dẫn đến việc dễ bị cô lập nhưng bà con chưa chịu. Chính vì vậy mà hầu hết các chính sách hỗ trợ và đầu tư từ các nguồn vốn của huyện, xã luôn dành ưu tiên cho thôn Đưng Trang. Theo đó, xã đã cùng các cấp tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng DTTS vào gieo trồng, chăn nuôi… Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa tới thôn đặc biệt khó khăn như Đưng Trang và ưu tiên dùng các nguồn vốn được các cấp đầu tư cho xã để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở trong thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho bà con” - ông Hữu cho hay.
 
THÂN HIỀN