Giải pháp ứng phó mùa khô, hạn

06:03, 10/03/2021

Mùa khô năm 2021, nếu tình hình nắng nóng kéo dài, dự báo trên địa bàn tỉnh có khoảng 12 nghìn ha cây trồng sẽ bị thiếu nước và khoảng 4.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Mùa khô năm 2021, nếu tình hình nắng nóng kéo dài, dự báo trên địa bàn tỉnh có khoảng 12 nghìn ha cây trồng sẽ bị thiếu nước và khoảng 4.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
 
Tuyên truyền người dân thay đổi phương thức sản xuất và chủ động các phương tiện chống hạn là một trong những giải pháp ứng phó khô hạn
Tuyên truyền người dân thay đổi phương thức sản xuất và chủ động các phương tiện chống hạn là một trong những giải pháp ứng phó khô hạn
 
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia: Hiện tượng La Nina (hiện tượng lạnh đi không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương kéo dài từ 3 mùa trở lên, La Nina còn được gọi là pha lạnh) kéo dài từ cuối năm 2020 sẽ còn duy trì với xác suất khoảng 95%. Bởi vậy, từ tháng 1 đến tháng 5/2021, dòng chảy trên các sông suối phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 30%. Theo dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng: Mùa khô năm 2021 sẽ có lượng mưa ở mức bằng và cao hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng xuất hiện mưa trái mùa kèm theo các hiện tượng nguy hiểm như dông, lốc vào các tháng 3, 4 và 5. Thời kỳ từ cuối tháng 12 năm 2020 đến giữa tháng 6 năm 2021, trên sông La Ngà, lưu lượng dòng chảy sẽ giảm và đạt mức 95% đến 98% so với trung bình nhiều năm, lưu lượng trên sông Cam Ly sẽ tăng lên và đạt mức 120 đến 140% so với trung bình nhiều năm.
 
Những kết quả khảo sát tình hình thời tiết mới nhất từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho thấy, trong tháng 2 vừa qua, nhờ có một số đợt mưa nhỏ và vừa trong tuần đầu và cuối của tháng đã phần nào làm giảm bớt nguy cơ thiếu nước trong mùa khô năm nay. Tuy nhiên, khả năng hạn hán và thiếu nước trên diện rộng vẫn có khả năng xảy ra cao. Bởi vậy, các cơ quan liên quan đã tiến hành khảo sát tình hình cụ thể tại các địa phương để chủ động sẵn sàng các giải pháp chống hạn. Kết quả khảo sát của Chi cục Thủy lợi cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2021, tổng dung tích các hồ chứa đạt 78% (giảm 9% so với tháng trước). Ông Nguyễn Hà Lộc - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Nếu tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra sẽ tác động rất lớn đến sản xuất và đời sống tại các địa phương”. Đơn cử như tại TP Đà Lạt hiện nay, khi một số công trình bị bồi lấp làm giảm dung tích như hồ Cầu Cháy, hồ Lộc Quý, hồ Tà Nung… và bồi lấp hoàn toàn như hồ Đa Quý đã làm giảm khả năng tích nước nên dự báo vào cao điểm mùa khô, tổng diện tích thiếu nước sản xuất khoảng 160 ha, số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt khoảng 200 hộ. Tại huyện Lâm Hà, dự báo vào mùa khô năm 2021, khoảng 3.000 ha (chủ yếu là đất sản xuất cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả) sẽ thiếu nước sản xuất. Trong đó, khả năng ảnh hưởng lớn tại một số xã như Phú Sơn (1.000 ha), Đan Phượng (400 ha), Gia Lâm (300 ha), Tân Thanh (250 ha)... Khoảng 1.500 hộ dân thiếu nước phục vụ sinh hoạt. Cụ thể, xã Phú Sơn (450 hộ), Phi Tô (300 hộ), Đạ Đờn (200 hộ), Đinh Văn (150 hộ). Tại huyện Di Linh, dự báo nếu tình hình nắng hạn kéo dài, khoảng 3.000 ha đất gieo trồng bị thiếu nước, tập trung tại các xã như: Tam Bố, Gia Bắc, Sơn Điền, Hòa Nam, Hòa Trung, Đinh Trang Hòa, Tân Nghĩa, Liên Đầm. Hiện nay, nước sinh hoạt cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, tuy nhiên nếu vào cao điểm mùa khô, mực nước các sông suối xuống thấp thì nhiều công trình cấp nước sinh hoạt không đáp ứng đủ nhu cầu, tập trung tại một số xã như: Sơn Điền, Bảo Thuận, Tân Nghĩa, Tam Bố, Hòa Trung và Đinh Trang Thượng… Cũng theo ông Nguyễn Hà Lộc, tất cả các diện tích có nguy cơ thiếu nước vào mùa khô đã được thông tin đến các địa phương, cụ thể là phòng nông nghiệp các huyện để chủ động phương án ứng phó.
 
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã đề xuất UBND tỉnh về kế hoạch ứng phó. Giải pháp cấp bách trước mắt, các địa phương cần liên tục theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, nắm bắt tình hình sản xuất để kịp thời báo cáo đề xuất lên UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nhằm đưa ra các chỉ đạo kịp thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chống hạn. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường phối hợp với các đơn vị quản lý khai thác công trình để xác định khả năng cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi, từ đó có những phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước. Tăng cường công tác tuyên truyền đến cơ quan, đơn vị và người dân về tình hình hạn hán, thiếu nước nhằm nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Huy động người dân tham gia nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tại các hệ thống kênh, cống lấy nước. Tập trung phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Đối với những khu vực cách xa công trình thủy lợi, khu vực không có công trình thủy lợi, khu vực canh tác dựa vào nước trời, nước hồi quy từ các công trình thủy lợi, khuyến cáo người dân canh tác một cách chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang những cây trồng ít dùng nước, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất. Huy động và hỗ trợ Nhân dân sử dụng các máy bơm của hộ gia đình, máy bơm dã chiến để bơm nước từ các khe suối, ao, hồ để phục vụ chống hạn; đào giếng, ao, hồ nhỏ phục vụ cho việc cấp nước tưới. Khi xảy ra hạn hán, cần thực hiện các biện pháp ưu tiên cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho gia súc và cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao...
 
Song song với những giải pháp cấp bách, các giải pháp lâu dài vẫn tiếp tục được tiến hành. Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí để phục vụ công tác chống hạn năm 2021.
 
NGỌC NGÀ