Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng hiệu quả

06:03, 30/03/2021

Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Đồng Nai Thượng luôn chú trọng thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Đồng Nai Thượng luôn chú trọng thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là chăm lo, phát triển kinh tế cho người dân gắn với bảo vệ rừng hiệu quả. 
 
Người dân tham gia nhận khoán cùng cán bộ Trạm Kiểm lâm Bù Sa đi tuần tra, bảo vệ rừng
Người dân tham gia nhận khoán cùng cán bộ Trạm Kiểm lâm Bù Sa đi tuần tra, bảo vệ rừng
 
Đồng Nai Thượng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cát Tiên, với 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn chục năm trước, cuộc sống khó khăn nên người dân đã vào rừng săn bắn, hái lượm, thậm chí chặt phá rừng, lấn chiếm đất để sản xuất. 
 
Thế nhưng, bây giờ đã khác xưa. Bà con nơi đây đã ý thức được tầm quan trọng của rừng trong hệ sinh thái nên không phá hoại. Hơn nữa, việc thực hiện giao nhận khoán, bảo vệ rừng giúp họ có thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống, do đó ai cũng chung sức, đồng lòng giữ rừng. 
 
Ông K' Đuốc, Tổ trưởng Tổ Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Đạ Cọ xã Đồng Nai Thượng là một trong những người có uy tín được cán bộ, người dân trong xã tin tưởng. Theo ông, việc giữ rừng là thiêng liêng, không phải đứng từ xa thấy rừng xanh mà chủ quan, không đến kiểm tra. Ở Đồng Nai Thượng, người nào được giao rừng là người đó phải giữ bằng mọi giá và phải luôn đề cao tính cảnh giác. Chính vì vậy, đều đặn, đến lịch tuần tra rừng là từ sáng tinh mơ, ông lại ghé Trạm Kiểm lâm Bù Sa để cùng các cán bộ lên đường. 
 
Không riêng gì gia đình ông K'Đuốc, hàng trăm hộ dân khác trong xã khi thực hiện ký hợp đồng giao nhận khoán bảo vệ rừng với Ban Lâm nghiệp xã cũng làm tốt công tác quản lý diện tích rừng đã nhận. Ngoài công việc nương rẫy, người dân Đồng Nai Thượng cũng tự sắp xếp thời gian để hằng ngày thay phiên nhau cùng cán bộ kiểm lâm đi tuần tra rừng. 
 
Với ông K’ Đuốc, giữ rừng bây giờ là nguồn sống và đó cũng là thể diện, danh dự của gia đình. “Nếu mình không làm tốt việc của mình, để cây rừng bị đốn hạ, người dân có hành vi lấn chiếm, phá cây sẽ bị cả cộng đồng “lên án” rồi bị Ban Lâm nghiệp xã cắt ngay hợp đồng” - ông nói.
 
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Sa Lê Viết Hồ cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 332 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích hơn 4.390 ha. Trung bình, mỗi hộ nhận khoán, bảo vệ hơn 13 ha rừng. Tất cả các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng là người dân tộc thiểu số tại chỗ, có hộ khẩu thường trú tại địa phương. 
 
Qua công tác giao khoán bảo vệ rừng đã từng bước nâng cao ý thức bảo vệ rừng, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, nhiều hộ thoát nghèo, cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng nông thôn mới, người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng ngày một tốt hơn.
 
Ông Lê Quang Chường, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn xã, người dân đang đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Điều này dẫn đến nguy cơ người dân phá rừng làm nương rẫy, lấy đất sản xuất gia tăng. Do đó, công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng cho người dân trong xã luôn được Ban Lâm nghiệp phối hợp lực lượng kiểm lâm Trạm Bù Sa và các đơn vị liên quan thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức khác nhau. 
 
Trong năm 2020, Ban Lâm Nghiệp xã đã tổ chức được 45 đợt tuyên truyền với hơn 6.700 lượt người tham dự, và đại diện hơn 400 hộ trên toàn địa bàn xã ký bản cam kết bảo vệ rừng. Đồng thời, luôn chỉ đạo các thành viên Ban Lâm nghiệp phải thường xuyên bám sát địa bàn để nắm tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân sau đó lồng ghép công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ rừng ở cơ sở, tuyên truyền phổ biến pháp luật luôn gắn với phong tục tập quán thôn, bản, với đời sống của Nhân dân.
 
Trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển và phòng cháy, chữa cháy rừng, biện pháp tuyên truyền luôn được lãnh đạo xã Đồng Nai Thượng quan tâm hàng đầu. Ban Lâm nghiệp đã có sự phối kết hợp với lực lượng Trạm Kiểm lâm Bù Sa, các ban, ngành, đoàn thể xã, xây dựng kế hoạch và các nội dung tuyên truyền đến từng thôn và mọi người dân trên địa bàn xã quán triệt thực hiện. 
 
Ngoài ra, vào trước và trong mùa khô, Ban Lâm nghiệp tổ chức tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng trên Đài phát thanh của xã. Lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi họp thôn về thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng của các hộ gia đình theo chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng.
 
HOÀNG SA