Bếp ăn 0 đồng lan tỏa yêu thương

04:08, 31/08/2021

Từ lúc đỏ lửa đến nay, bếp ăn 0 đồng (25 đường Nguyễn Văn Linh, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đã mang đến những suất cơm thấm đượm tình người, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn và lao động nghèo giữa đại dịch COVID-19.

Từ lúc đỏ lửa đến nay, bếp ăn 0 đồng (25 đường Nguyễn Văn Linh, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đã mang đến những suất cơm thấm đượm tình người, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn và lao động nghèo giữa đại dịch COVID-19.
 
Các tình nguyện viên đang phân chia phần cơm
Các tình nguyện viên đang phân chia phần cơm
 
Quán cơm 0 đồng là ý tưởng và tâm huyết của chị Trần Hương Trà, ở Tổ 28, thị trấn Liên Nghĩa và chị Thái Thu Thảo - chủ cà phê Thái Trân (25 - Nguyễn Văn Linh, thị trấn Liên Nghĩa). Sau khi được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Liên Nghĩa, quán cơm 0 đồng đã chính thức khai trương vào ngày 16/8. Đây cũng là quán cơm 0 đồng đầu tiên tại huyện Đức Trọng. 
 
Chị Trần Hương Trà chia sẻ: Dịch bùng phát, người bán vé số không đi bán được, nhiều người lao động gặp khó khăn vì mất việc, tôi cũng muốn làm một điều gì đó thật thiết thực để giúp mọi người, nghĩ tới quán cơm 0 đồng, thấy người ta làm được, sao mình không làm được, vậy là bàn với chị Thảo, chủ quán Thái Trân này. Chị Thảo đồng ý, vậy là 2 chị em bắt tay vào làm. Chị Thái Thu Thảo cũng cho hay: Lúc đó, tại Đà Lạt, vợ chồng tôi cũng đang duy trì quán ăn 5K tại số 3 - Lê Thị Hồng Gấm từ ngày 25/6/2021. Khi nghe ý định này của chị Hương Trà, vợ chồng tôi liền về đây, trưng dụng quán cà phê thường ngày của gia đình thành quán cơm 0 đồng. Vì 2 đầu bếp trên Đà Lạt phải xuống dưới này đứng bếp 0 đồng, nên quán ăn 5K cũng tạm thời dừng hoạt động.
 
Từ lúc khai trương đến nay, trung bình mỗi ngày quán nấu khoảng 400 suất cơm, dành cho người bán vé số, người chạy xe ôm, những người ăn xin, khuyết tật, lao động nghèo, hay những người đang ở trọ... Chị Thìn vừa cầm 2 hộp cơm còn nóng hổi, vừa xúc động nói: “Tôi đến lấy cơm ở quán được 5 ngày rồi. Bình thường, tôi đi làm thuê, thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ trang trải. Từ hôm bùng dịch tới giờ, cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp, con thì gửi về Phan Rang cho ông bà nội. Từ hôm biết tới quán này, trưa nào tôi cũng ghé xin cơm, mừng lắm”. Không giấu nổi xúc động, cô Chinh cũng cho biết: “Tui lên đây ở trọ cùng con. Bình thường nó đi bán vé số, từ hôm dịch tời giờ, nó ở nhà, thỉnh thoảng ai thuê đi nhổ rau thuê thì đi nhưng vì rau rẻ nên việc làm cũng không thường xuyên. Hôm rồi nghe bà hàng xóm nói có quán cơm 0 đồng này, tui liền hỏi đường tới đây. Tui nhận cơm như vậy cũng được 7 ngày rồi, hôm đầu đến nhận, được phát phiếu cho ngày hôm sau nên mừng quá trời luôn. 2 mẹ con cũng đỡ được 1 bữa trưa”.
 
Để kịp có những suất cơm nóng hổi vào khoảng hơn 10 giờ trưa dành cho những hoàn cảnh khó khăn, những người neo đơn hay những người cắt rau từ thiện tại các vườn để đóng đi các tỉnh, thành đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch, thì sau khi phát cơm xong xuôi, khoảng 3 giờ chiều cho đến 7 giờ tối, các tình nguyện viên, đầu bếp của quán 0 đồng đã phải lên thực đơn, sơ chế sẵn. Sáng hôm sau, khoảng 5 giờ, 2 đầu bếp của quán (vốn là đầu bếp của nhà hàng chị Thảo tại Đà Lạt - PV) đã bắt tay vào việc. Chị Lê Thị Năm - đầu bếp của quán cho hay, hơn nửa tháng nay, từ lúc xuống nấu tại quán ăn 0 đồng chị chưa về lại Đà Lạt để thăm gia đình. “Chị Thảo, chị Trà thuê nhà trọ cho tôi ở gần quán để đi lại cho thuận tiện. Từ lúc xuống đây đứng bếp nấu ăn, thấy tất cả mọi người đến đây phụ việc ai nấy đều dễ thương, nhiệt tình, công việc cứ thế cuốn tôi đi; rồi thấy những hoàn cảnh khó khăn mỗi lần đến lấy cơm đều xúc động, nên tôi luôn đem hết tấm lòng của mình ra để phục vụ bà con. Thật lòng là cũng thấy nhớ con, nhớ cháu nhưng suốt ngày luôn chân luôn tay tại quán, có mọi người xung quanh nên cũng không có thời gian để mà buồn” - chị Năm chia sẻ.
 
Góp sức vào quán ăn 0 đồng này, còn là đội ngũ tình nguyện viên của Nhóm thiện nguyện Liên Nghĩa, Đức Trọng và các cô, chú muốn “chung tay chia sẻ được chút nào hay chút đó” - như lời của cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên về hưu, cũng là một tình nguyện viên của quán cho biết. “Tôi biết tới quán ăn này trên Facebook của Nhóm thiện nguyện Đức Trọng, tôi liền chạy ngay ra quán để tìm hiểu và đăng ký vào danh sách tình nguyện viên. Trước đây, khi có thời gian rảnh thì làm việc khác, nhưng từ khi có quán cơm 0 đồng, hễ rảnh hoặc sắp xếp được thời gian là tôi chạy ra quán, phụ mọi người việc này việc kia, thấy vui và ý nghĩa” - cô Hồng nói.
 
Chị Thảo và chị Trà cũng chia sẻ thêm, các tình nguyện viên đến quán, ai cũng nhiệt tình, mỗi người một việc, chẳng nề hà bất cứ việc gì. Không chỉ phụ giúp các công việc tại đây, sau khi nấu cơm xong, các tình nguyện viên còn tranh thủ đi đưa cơm cho những người neo đơn, khuyết tật... Và từ lúc quán ăn 0 đồng được khởi xướng, hầu như ngày nào quán cũng nhận được các loại rau, củ, nhu yếu phẩm từ các mạnh thường quân; có người còn đến tận quán để trao tiền ủng hộ, người thì chuyển khoản. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình, duy trì hoạt động của quán 0 đồng đến khi hết dịch để chia sẻ phần nào cùng những hoàn cảnh đang thật sự khó khăn”- hai chị cho biết thêm.
 
NHẬT MINH