Nắng vàng chiếu xuyên qua những vườn rau xanh tốt, bóng dáng những người nông dân cần cù nghiêng bóng...
Nắng vàng chiếu xuyên qua những vườn rau xanh tốt, bóng dáng những người nông dân cần cù nghiêng bóng. Dẫn chúng tôi một vòng quanh khu vực thôn Nghĩa Hiệp 2 (xã Ka Đô, huyện Đơn Dương), Trưởng thôn Phan Tùng Châu tự hào khoe rằng ở thôn nay không còn hộ nghèo, đường sá khang trang, cảnh quan đẹp mắt, “đúng là kiểu mẫu” khiến ai nấy đều hãnh diện.
|
Nhiều diện tích trồng hoa trong nhà kính được người nông dân thôn Nghĩa Hiệp 2 chuyển đổi |
Từ sự đồng thuận
Đội ngũ làm công tác vận động xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Nghĩa Nghiệp 2 bao gồm các đoàn thể như Chi hội Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ và Ban Nhân dân thôn. Để có được kết quả như hiện tại, tất cả các thành viên đều phát huy tinh thần trách nhiệm và đoàn kết, vận động Nhân dân thực hiện tốt các phong trào tại khu dân cư.
Ông Khúc Thừa Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ka Đô cho biết, so với mặt bằng chung thì thôn Nghĩa Hiệp 2 có sự phát triển vượt trội hơn về cả dân trí, kinh tế, cũng là thôn trung tâm nên đã được chọn làm điểm để từ đó nhân rộng ra các thôn tiếp theo. Chính vì thế, nhận thức của bà con trong việc xây dựng NTM, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu cũng như mọi phong trào khác ở địa phương đều rất đáng ghi nhận.
Trong những năm qua, cùng với chính quyền, Ban Nhân dân thôn đã triển khai thực hiện có hiệu quả và đưa các phong trào ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cùng với việc triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu cứ thế từng bước thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người dân, từng gia đình, từng địa bàn dân cư.
“Kết quả của sự chung tay của các cấp chính quyền với Nhân dân là giờ ở đây không còn ai nghèo nữa, trong câu chuyện giữa mọi người bây giờ là con cái học ở đâu, năm rồi trồng gì, có trúng không...”, ông Phan Tùng Châu vui vẻ kể.
Ông Châu cũng là một trong số ít những người gắn bó với nơi này từ thuở ấu thơ. Trong 60 năm ấy, những thăng trầm, đổi thay ông chứng kiến cả. Ông Châu tự hào khoe rằng Nghĩa Hiệp 2 hiện giờ là địa phương đi đầu của xã, phát triển hơn một số khu vực lân cận. Điều này khiến người dân phấn khởi, tự hào về mảnh đất mình đang sinh sống, được “là gương” để những địa phương khác nhìn vào học tập. Đó cũng chính là mục tiêu và nỗ lực của toàn thể 427 hộ dân đang sinh sống tại đây.
Đổi thay trên những mảnh vườn
Khi cuộc sống vơi dần những nỗi lo cơm áo gạo tiền thì chất lượng cuộc sống dần được nâng lên, việc chăm lo cho thế hệ mai sau cũng đầy đủ, chu đáo hơn. Theo nhẩm tính của ông Châu, mỗi năm số lượng học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày một nhiều. Từ những mảnh vườn đã nuôi dưỡng nên nhiều kỹ sư, bác sĩ, thậm chí là tiến sĩ để cống hiến cho đất nước. Thế nhưng, cũng không ít người trẻ lựa chọn về gắn bó với mảnh vườn, lựa chọn “nối nghiệp” cha mẹ nhưng mang màu sắc mới hơn.
Như để minh chứng rõ nét cho lời nói của mình, ông Châu dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn và ghé vào khu vườn nhà kính của ông Cao Văn Tuấn ở Xóm 2. Khu vực sản xuất rộng 5 sào ở đây chỉ là 1/3 tổng diện tích nhà kính của ông Tuấn chuyên trồng hoa cúc xuất khẩu ra thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, ông còn liên kết với 10 hộ nông dân ở khu vực lân cận. “Mình cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, theo dõi quy trình chăm sóc và thu mua, cam kết đầu ra cao hơn thị trường bên ngoài. Nhưng quá trình liên kết phải thật chặt chẽ thì mới đảm bảo chất lượng hoa xuất khẩu theo yêu cầu khắt khe từ đối tác”, ông Tuấn chia sẻ.
Trước đây ông Tuấn cũng chỉ trồng các loại lagim như cà chua, ớt, cải thảo... Tuy nhiên, thực trạng nông nghiệp và số phận long đong của người nông dân khiến ông phải có cái nhìn khác và thay đổi bản thân. Rồi ông tập tành làm hoa cúc, liên kết với những người trồng lâu năm. Cho đến khi 2 cậu con trai đi học trở về, trong đó có một người có chuyên ngành nông nghiệp, ông như “hổ mọc thêm cánh”, liên tục mở rộng diện tích để làm nên cơ ngơi như hiện nay với thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.
“Hiện mỗi tháng bên mình xuất khẩu 600.000 cành hoa cúc. Nhiều nhà vườn ở Đà Lạt tìm đến bởi chất lượng vượt trội ở đây. Mình làm lâu năm nên mình biết chất lượng hoa của mình và cũng yên tâm khi ký hợp đồng liên kết với nông dân”, ông Tuấn cho biết thêm.
Theo Trưởng thôn Phan Tùng Châu, có thể khẳng định rằng, kinh tế ở nơi đây bắt đầu phát triển từ những năm 2000, khi người dân trồng rau thương phẩm trên quy mô lớn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm. Nhiều diện tích được chuyển qua xây dựng nhà lưới, nhà kính trồng các loại rau, hoa có giá trị kinh tế cao, thu nhập tiền tỉ mỗi vụ. Đến nay, cả thôn có đến 80% các hộ sản xuất nông nghiệp với 214 ha, chủ yếu trồng các loại rau thương phẩm.
Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đến nay chỉ còn 1 hộ nghèo do đau bệnh, còn lại cả thôn hầu như không còn hộ nghèo.Việc được UBND tỉnh công nhận đạt khu dân cư kiểu mẫu cấp tỉnh năm 2020 là niềm vinh dự lớn lao của thôn và là động lực để thôn Nghĩa Hiệp 2 hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới.
HỒNG THẮM