Hoạt động xuất khẩu gặp khó trong bối cảnh đại dịch COVID-19

04:09, 07/09/2021

Do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trong 8 tháng đầu năm 2021 tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã giảm 8,64% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt gần 50% kế hoạch đề ra.

Do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trong 8 tháng đầu năm 2021 tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã giảm 8,64% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt gần 50% kế hoạch đề ra.
 
Các mặt hàng rau quả, chè, hạt điều,… xuất khẩu đều giảm so với 8 tháng đầu năm 2020
Các mặt hàng rau quả, chè, hạt điều,… xuất khẩu đều giảm so với 8 tháng đầu năm 2020
 
Như vậy cùng với việc cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID -19 trong đợt dịch lần thứ 4, Lâm Đồng cũng không phải là địa phương ngoại lệ. Địa phương đã ghi nhận doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tới doanh nghiệp trong nước đều giảm mạnh về số lượng và giá trị trong lĩnh vực xuất khẩu.
 
Theo Sở Công thương Lâm Đồng, giá trị xuất khẩu lũy kế 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 399,55 triệu USD, giảm 8,64% so với cùng kỳ năm trước, đạt 49,02% kế hoạch năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp trong nước ước đạt 266,64 triệu USD, giảm 1,89% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 66,74% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 132,91 triệu USD, giảm 19,29% so cùng kỳ năm trước, chiếm 33,26% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
 
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tại Lâm Đồng 8 tháng đầu năm có chỉ số giảm phải kể đến: Cà phê nhân ước đạt 34,09 ngàn tấn, đạt giá trị 65,53 triệu USD, giảm 57,88% về lượng và giảm 45,96% về giá trị so với cùng kỳ. Trong khi đó, mặt hàng chè chế biến ước đạt 3,3 ngàn tấn, giá trị 8,42 triệu USD, giảm 39,93% về lượng và 35,62% về giá trị so với cùng kỳ. Tương tự mặt hàng rau quả xuất khẩu 17,57 ngàn tấn và 31,03 triệu USD, giảm 11,8% về số lượng và 16,45% về giá trị so với cùng kỳ. Giảm mạnh nhất là hạt điều nhân, ước đạt 8 tháng xuất khẩu là 349,8 tấn, đạt 3,74 triệu USD, giảm 60,25% về lượng và 35,96% về giá với so với cùng kỳ.
 
Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là riêng mặt hàng alumin và hydroxit lại có khởi sắc trong tình hình dịch bệnh, 8 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 424,14 ngàn tấn, giá trị 124,36 triệu USD, tăng 6,04% về lượng và 9,31% về giá trị so với cùng kỳ. Hàng dệt may ước đạt giá trị 63,02 triệu USD, tăng 35,42% so với cùng kỳ. Đối với mặt hàng hoa tươi các loại, ước đạt 123,7 triệu cành và chậu hoa các loại với giá trị 36,83 triệu USD. Số liệu cho thấy tuy có giảm 42,96% về số lượng nhưng lại tăng 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
 
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp trong tỉnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu đang bị thu hẹp, lượng hàng hóa nhìn chung đều giảm sút so với cùng kỳ năm 2020 và các năm trước đó.
 
Khó khăn dễ nhìn thấy nhất là chi phí cước vận tải từ đường bộ cho tới đường biển đều tăng nhiều lần, thời gian kéo dài hơn nên mức độ đội chi phí lên cho doanh nghiệp là rất lớn. Trong khi đó, gián đoạn về các khâu trong hoạt động sản xuất để đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu của Chính phủ và địa phương với phương châm “ba tại chỗ” là thách thức không nhỏ cho một số doanh nghiệp. 
 
Trong cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại trong năm 2021 vào đầu tháng 9 vừa qua, đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ khó khăn, thách thức các doanh nghiệp đang gặp phải trong bối cảnh dịch diễn biến khó lường. Lãnh đạo UBND tỉnh sẵn sàng trao đổi, lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp để có thêm nhiều thông tin, nắm bắt thực chất vấn đề, trên cơ sở đó làm việc với các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan tìm hướng tháo gỡ, giúp doanh nghiệp sớm kết nối lại chuỗi sản xuất. 
 
Nhằm giải quyết, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong đó, giải pháp trước mắt là phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, đặc biệt là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Phải bảo đảm cung ứng đủ nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân, đồng thời duy trì hoạt động xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp nhấn mạnh việc duy trì các hoạt động sản xuất, xuất khẩu không chỉ đảm bảo nền kinh tế dần phục hồi, phát triển, mà quan trọng hơn, đó chính là đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, qua đó giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương. 
 
C.THÀNH