Khó khăn trong tiêu thụ cá tầm ở Ðam Rông

05:10, 04/10/2021

Ðược xác định là một trong những vật nuôi mũi nhọn, nhiều năm qua huyện Ðam Rông đã đẩy mạnh việc nuôi cá tầm...

Ðược xác định là một trong những vật nuôi mũi nhọn, nhiều năm qua huyện Ðam Rông đã đẩy mạnh việc nuôi cá tầm. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ cá tầm bị ảnh hưởng, gây nhiều khó khăn cho người nuôi cá tầm ở Ðam Rông.
 
Nông dân nuôi cá tầm ở Ðam Rông hiện đang xoay xở nhiều giải pháp để chủ động duy trì đàn
Nông dân nuôi cá tầm ở Ðam Rông hiện đang xoay xở nhiều giải pháp để chủ động duy trì đàn
 
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết: Nghề nuôi cá tầm những năm qua đã chứng minh hiệu quả kinh tế mang lại. Bởi vậy, cùng với cây chuối Laba, sản xuất rau, hoa trong nhà kính, con cá tầm đã được Huyện ủy Đam Rông chọn làm bước đột phá để phát triển kinh tế cho người dân. 
 
Huyện Đam Rông cũng đã lập quy hoạch vùng nuôi cá, đồng thời khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, nuôi cá an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Ghi nhận tại địa phương này cho thấy, từ năm 2018 tới nay, bình quân mỗi năm diện tích nuôi cá tầm của địa phương tăng lên khoảng 10.000 m2. Hiện trên toàn huyện đã có 40 hộ gia đình cùng một số hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nuôi cá tầm, với tổng diện tích mặt nước đạt hơn 40.000 m2. Trong đó, các trại nuôi cá tầm tập trung chủ yếu tại khu vực các xã Rô Men, Đạ Tông và Liêng Srônh. Bình quân mỗi ha mặt nước một năm cho thu hoạch khoảng 10 tấn cá và mang lại cho người nuôi từ 1,2 tới 1,5 tỷ đồng.
 
Hiện nay xã Rô Men vẫn là địa bàn trọng điểm về nuôi cá tầm của huyện. Ông Đào Bá Trực - Phó Chủ tịch UBND xã Rô Men cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 27 hộ chăn nuôi cá tầm với hơn 3 ha diện tích mặt nước, tập trung chủ yếu tại địa bàn Thôn 2 và Thôn 4 bởi lợi thế nguồn nước suối lạnh tự nhiên đảm bảo các quy định về chăn nuôi cá tầm. Đây là vật nuôi mũi nhọn được chú trọng phát triển thời gian qua tại địa phương. 
 
Được biết, địa phương này đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất để hình thành vùng chăn nuôi cá nước lạnh quy mô với hơn 10 ha diện tích mặt nước, chạy dọc theo các suối nước lạnh và khu vực Thác 7 tầng ở Thôn 2, xã Rô Men. Tuy nhiên, hiện tại việc xây dựng quy hoạch này đang tạm dừng lại do các vấn đề nảy sinh bởi dịch bệnh.
 
Việc chăn nuôi cá tầm ở Đam Rông chủ yếu được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm được các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh tiêu thụ đều. Thường vào thời điểm tháng 10, nông dân nuôi cá tầm ở khu vực này sẽ tiến hành xuất cá và lấy giống cá. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực TP Hồ Chí Minh đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19. Vì vậy việc tiêu thụ cá của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
 
Ông Đặng Văn Quang - người nuôi cá tầm ở Thôn 2, xã Rô Men có 1.500 m2 diện tích mặt nước, chia sẻ: “Cá tiêu thụ thuận lợi nhất khi đạt trọng lượng từ 1,8 - 2 kg. Lượng cá với trọng lượng đó hiện nay tại khu vực nuôi cá ở Thôn 2, xã Rô Men có ít nhất trên 50 tấn. Còn loại nhỡ tiếp theo tầm 0,7 - 0,8 kg thì có khoảng trên 100 tấn. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, trọng lượng cá quá lớn sẽ khó tiêu thụ hơn. Đặc biệt, nếu vào mùa khô, lượng nước bị thiếu hụt trong khi số cá chưa tiêu thụ được quá nhiều, nông dân nuôi cá sẽ gặp rất nhiều khó khăn”. 
 
Hiện UBND huyện Đam Rông đang thực hiện kiểm soát chặt chẽ các xe tải vận chuyển hàng hóa đi và đến trên địa bàn. Việc hình thành các điểm tập kết xếp dỡ, giao nhận hàng hóa và điểm lưu trú cho tài xế để đảm bảo tuyệt đối việc phòng, chống dịch bệnh cũng đã được địa phương thực hiện. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cá tầm khó khăn hơn do đây là loại cá đặc thù phải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng có chứa oxy. 
 
Bởi vậy, để hỗ trợ nông dân tiêu thụ cá, chính quyền các địa phương đã đưa ra những giải pháp linh động, phù hợp. Đơn cử như tại xã Rô Men, địa phương này đã gặp gỡ toàn bộ hộ nuôi cá tầm trên địa bàn, ghi nhận những khó khăn hiện nay của bà con, đặc biệt đối với việc vận chuyển. Từ đó chính quyền địa phương này yêu cầu các hộ chăn nuôi, trước khi liên hệ với các đơn vị vận tải hàng hóa ngoài tỉnh về địa phương để vận chuyển thức ăn cho cá, cung cấp cá giống hoặc xuất cá đi cần báo cáo cụ thể về UBND xã về thời gian và địa điểm thực hiện. Ngoài các yêu cầu chung về phòng dịch, chính quyền địa phương còn cử trạm y tế xã, công an xã bố trí lực lượng kiểm tra và thực hiện các quy định về khai báo y tế để đảm bảo tuyệt đối về việc phòng dịch.
 
Do việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nên nông dân nuôi cá tầm ở Đam Rông đang phải chủ động xoay xở đối với lượng cá hiện có. Người dân chọn giải pháp duy trì đàn, không lấy và nuôi thêm cá giống, giảm dần lượng thức ăn đối với các loại cá có trọng lượng trên 2 kg để giảm áp lực về việc thiếu hụt nguồn nước, lượng thức ăn và cả vấn đề tiêu thụ khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.
 
N. NGÀ - C. THÀNH