Doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch

06:11, 01/11/2021

Dịch COVID-19 diễn biến khó lường nhưng các doanh nghiệp đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị tốt nhất cho việc phục hồi sản xuất với kịch bản thích ứng an toàn và linh hoạt.

Dịch COVID-19 diễn biến khó lường nhưng các doanh nghiệp đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị tốt nhất cho việc phục hồi sản xuất với kịch bản thích ứng an toàn và linh hoạt.
 
Công nhân Nhà máy Sợi lông cừu (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng sản xuất do có chùm ca bệnh COVID-19
Công nhân Nhà máy Sợi lông cừu (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng sản xuất do có chùm ca bệnh COVID-19
 
Thời gian qua, do dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn cả nước, trong đó có tỉnh Lâm Đồng, kéo theo việc sản xuất, kinh doanh của hàng trăm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế đã tạo ra sự phấn chấn cho các doanh nghiệp với hy vọng sớm khôi phục lại chuỗi sản xuất, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2021.
 
Để nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau những ngày dịch diễn biến căng thẳng nhất, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai khẩn trương các quy định chung tại Nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128. 
 
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám Công ty Petrolimex Lâm Đồng cho biết: Khi các tỉnh, thành phố phía Nam có chủ trương mở cửa từng bước nền kinh tế thì Petrolimex tiếp tục xác định an toàn là yếu tố quan trọng nhất để phục hồi sản xuất. Chỉ khi mỗi cá nhân an toàn thì cả doanh nghiệp mới an toàn. Ngoài việc phân bổ quần áo phòng dịch đến 209 công nhân, người lao động đang làm việc tại 45 cửa hàng xăng dầu trực thuộc, đơn vị yêu cầu công nhân chấp hành nghiêm túc việc khai báo y tế qua sổ sách và mã QR Code, giăng dây tạo luồng an toàn, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m… Đồng thời, điều chỉnh hợp lý giờ bán hàng, phục vụ nhiên liệu, vận động cán bộ, nhân viên thu xếp, bố trí nơi ở tạm gần nơi làm việc, tránh thường xuyên đi, về giữa các địa phương để đảm bảo an toàn phòng dịch. 
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Mạnh - Phó Giám đốc Công ty thời trang Hiệp Thắng, TP Bảo Lộc cho biết, do dịch COVID-19 nên công ty ông không thể tránh khỏi ảnh hưởng, nhưng tác động của dịch không quá lớn tới ngành may mặc. Để tháo gỡ khó khăn, Công ty đã chuyển hướng nguồn hàng sang thị trường nội địa và may khẩu trang để đảm bảo thu nhập cho anh em công nhân. Đặc biệt, công ty đã lên các phương án cụ thể để sẵn sàng cho việc sản xuất tại chỗ khi dịch diễn biến phức tạp hơn với phương châm “mục tiêu kép”, chống dịch và sản xuất phải đi song song.
 
Trong lĩnh vực kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp là ngành hàng chịu tác động nặng nề trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, phần lớn các doanh nghiệp đều phải chủ động, sáng tạo và sớm có các giải pháp thích ứng COVID-19. 
 
Tới thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp nhận định đã bớt khó khăn hơn sau khi việc đi lại giữa các địa phương, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu được tháo gỡ. Đặc biệt là đối với thị trường xuất khẩu tiêu thụ hoa, các mặt hàng nông nghiệp bắt đầu nhận đơn hàng trở lại trong những tháng cuối năm nên kích cầu các doanh nghiệp vận hành sản xuất, phục hồi, giúp đem lại thu nhập dần ổn định cho công nhân, người lao động. 
 
Bên cạnh đẩy mạnh kinh doanh, hoạt động trở lại, các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn cũng xây dựng mô hình “2 xanh, 1 sạch” (nhà xưởng xanh, chỗ ở xanh, nhân viên sạch). Đối với việc thực hiện “ba tại chỗ” duy trì, thực hiện theo các doanh nghiệp rất tốn kém. Tuy nhiên, trước rủi ro nếu có các ca nhiễm thì các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ hoàn toàn nên hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định, khuyến cáo từ chính quyền địa phương. 
 
Theo Sở Công thương Lâm Đồng, 9 tháng đầu năm, có 893 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 11.557 tỷ đồng, giảm 2,9% về số doanh nghiệp và tăng 45,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Do khó khăn về thị trường và các nguồn nguyên liệu nên 371 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 108 doanh nghiệp giải thể. Tuy vậy, từ những giải pháp thích hợp và nguồn vốn hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, đến nay Lâm Đồng có 265 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 41% so với cùng kỳ. Trong đó, một số doanh nghiệp lựa chọn tổ chức sản xuất, kinh doanh “3 tại chỗ” và “y tế tại chỗ” không chỉ là yếu tố giúp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ người lao động. 
 
Hiện nay, Lâm Đồng đang quyết liệt tăng cường tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Dựa trên những quy định tổ chức sản xuất, kinh doanh “3 tại chỗ”, doanh nghiệp Lâm Đồng đã đảm bảo duy trì cơ bản hoạt động của công ty, nhà máy. Đồng thời, kết hợp với sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch đã góp phần thúc đẩy nhiều doanh nghiệp vững vàng hơn trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường. 
 
Ngoài các giải pháp hỗ trợ chung cho doanh nghiệp, các cấp, các ngành đã liên tục tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là việc ưu tiên tiêm phòng vắc xin, quản lý tốt hoạt động vận tải hàng hóa. Cùng với tinh thần vượt khó, bằng năng lực và sự đoàn kết của các doanh nghiệp là điều kiện cần thiết hiện nay để duy trì hoạt động sản xuất, thực hiện tốt 3 mục tiêu quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặt ra nhiều kì vọng sớm vượt qua khó khăn và ổn định sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.
 
C.PHONG