Đưng K'Nớ về đích nông thôn mới giữa đại dịch

06:02, 09/02/2022
Xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương có gần 95% dân cư là người dân tộc thiểu số bản địa. Nhờ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức xây dựng nông thôn mới, đói, nghèo đã dần được đẩy lùi, đời sống của người dân vươn lên thấy rõ. Năm qua, tuy đối mặt với không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Đưng K’Nớ vẫn tiếp tục đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, đặc biệt, hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. 
 
Trường học ở Đưng K’Nớ ngày một khang trang
Trường học ở Đưng K’Nớ ngày một khang trang
 
Xã Đưng K’Nớ nằm sâu giữa màu xanh bạt ngàn của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Những căn nhà gỗ ọp ẹp ngày nào giờ đã được đầu tư xây dựng mới khang trang; các con đường sình lầy, trơn trượt trước đó cũng đã bê tông hóa láng tưng; hệ thống điện thắp sáng, trường học, trạm y tế và các công trình dân sinh, công cộng đều được đầu tư xây mới. Ông Bon Niêng Ha Đê, ở thôn K’Nớ 2, xã Đưng K’Nớ hớn hở cho biết: Cũng nhờ đường đi thuận lợi nên hàng hóa đều thông thương đảm bảo trong các mùa mưa nắng, không bị ép giá như trước. Riêng năm nay, cà phê được giá, đầu ra ổn định nên nhà nào cũng phấn khởi, sắm sửa nhiều vật dụng thiết yếu để phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày. “Cà phê bây giờ không cần phải để khô, không cần phải làm ra nhân, cứ vừa hái quả tươi xong là có người vào tận nơi để mua rồi. Đó là nhờ đường sá đi lại thuận tiện, không còn cảnh bị tư thương ép giá như trước. Cũng nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư mọi mặt, nhất là chương trình nông thôn mới đã mang lại hiệu quả cao. Bà con nơi đây đã biết cách làm ăn hơn, chăm sóc cây trồng tốt hơn và đời sống kinh tế khá hơn nhiều so với trước”.
 
Ngoài 980 ha sản xuất cà phê chủ lực, xã Đưng K’Nớ đã bắt đầu xuất hiện một số mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao, trồng cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hơn 80% số hộ còn tăng thu nhập nhờ được chi trả bởi công tác nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng với tổng diện tích lên đến 11.770 ha. Trong khi nhiều nơi nguồn thu bị giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì Đưng K’Nớ vẫn tăng mức thu nhập bình quân đầu người từ 41 lên 43 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đáng kể, hiện chỉ còn 3,2%.
 
Theo già làng Rơ Ông Ha Bang (ở thôn K’Nớ 1): Kết quả này là cả một quá trình nỗ lực hết mình của cán bộ và Nhân dân, trong đó sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư về mọi mặt là đòn bẩy quan trọng giúp người dân thay đổi tư duy trong sản xuất và đời sống, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no. Già làng Rơ Ông Ha Bang, nói: “Trước đây nhiều hộ nghèo lắm, nay đã giảm rất nhiều rồi, đời sống kinh tế của bà con càng ngày phát triển đi lên. Hạ tầng đường giao thông, trạm y tế, điện thắp sáng đã được Nhà nước đầu tư đầy đủ, bộ mặt thôn, xã đã khang trang lên. Bà con Nhân dân nơi đây rất vui mừng, đồng tình, ủng hộ và tham gia rất tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới”.
 
Từ một xã nghèo, xa nhất của huyện Lạc Dương, phần lớn dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho, sau 8 năm xây dựng chương trình nông thôn mới, đến cuối năm 2021, Đưng K’Nớ vươn lên hoàn thành tất cả 19/19 tiêu chí. Ông Thân Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ cho biết, để đảm bảo kinh tế - xã hội của xã phát triển bền vững, ổn định sinh kế cho người dân tiến đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, địa phương đang tập trung nhiều giải pháp giúp dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác. Cùng với đó, việc phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng cũng đã được tính đến. “Chúng tôi đang cho người dân đăng ký để hỗ trợ người dân trồng cây ăn trái và tiếp tục tái canh cây cà phê giống mới nhằm đảm bảo có thu nhập ổn định. Đồng thời, kết hợp với Trường Đại học Đà Lạt để triển khai dữ liệu nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, địa phương còn phối hợp với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà để phát triển du lịch cộng đồng, tạo cho người dân bán được các sản phẩm truyền thống của bà con như dệt thổ cẩm, rượu cần, tăng sinh kế cho người dân trong thời gian tới”.
 
Với những kết quả đã đạt được, cùng với những định hướng như lời ông Thân Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ vừa nói, tin rằng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho nơi đây sẽ không ngừng phát triển vươn lên.
 
DIỄM THƯƠNG