Chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ

01:06, 13/06/2022
Lâm Đồng đang dần bước vào thời kỳ giao mùa nên hiện tượng mưa đá kèm mưa lớn thường xảy ra bất chợt với tần suất tăng dần. Vì vậy, thời gian gần đây, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng càng thêm chú ý cẩn trọng, túc trực quan trắc 24/24 thông báo lượng mưa lớn về Đài tỉnh và khu vực để kịp thời phát các bản tin cảnh báo mưa lũ đến chính quyền và Nhân dân chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm nay.
 
Nước lũ dâng cao trên sông Cam Ly, xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng) vào đợt lũ năm 2021
Nước lũ dâng cao trên sông Cam Ly, xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng) vào đợt lũ năm 2021
 
  MÙA MƯA ĐẾN SỚM HƠN QUY LUẬT NHIỀU NĂM
 
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2021, điều kiện thời tiết toàn tỉnh nhìn chung diễn ra không phù hợp với quy luật nhiều năm với mùa mưa bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn so với các năm trước.
 
Cụ thể, tổng lượng mưa phổ biến khắp trên phạm vi toàn tỉnh dao động từ 1.751 mm (tại Liên Khương - Đức Trọng) đến 3.513 mm (tại Mỹ Đức - Đạ Tẻh). Tổng lượng mưa năm 2021 phổ biến đạt mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) (riêng tại Bảo Lâm, Bảo Lộc và Cát Tiên đạt thấp hơn). Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta ở mức ít hơn TBNN. Trong năm 2021 đã xuất hiện 9 cơn bão và 6 ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta (cơn bão số 2, 5 và số 6).
 
Dựa trên các số liệu thực tế từ năm 2021 và các số liệu quan trắc hiện tại, mùa mưa năm 2022 cũng đến sớm hơn so với quy luật nhiều năm khoảng 15 ngày. Bên cạnh đó, trong tháng 2, tháng 5 trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra một số đợt mưa lớn diện rộng kèm theo giông lốc, mưa đá gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống xản xuất của Nhân dân trong vùng.
 
Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 10 đến 12 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4 đến 6 cơn. Đặc biệt, đề phòng bão và ATNĐ có cường độ mạnh xảy ra trong những tháng cuối năm.
 
•  ĐỀ PHÒNG CÁC HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT NGUY HIỂM
 
Dự báo kết thúc mùa mưa năm nay có khả năng phù hợp so với quy luật nhiều năm. Số đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng xuất hiện ít hơn so với nhiều năm và ít hơn so với năm 2021 (năm 2021 xảy ra 16 đợt). Tổng lượng mưa năm có khả năng đạt xấp xỉ và thấp hơn so với TBNN (tập trung vào tháng 9, 10 năm 2022).
 
Theo Thạc sĩ Trần Xuân Hiền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng, vào độ tháng 6, 7 là thời kỳ đầu mùa mưa có khả năng xảy ra từ 2 đến 4 đợt lũ (đỉnh lũ đạt từ trên báo động II đến trên báo động III). Từ tháng 8 đến hết tháng 10, trên các sông, suối nhỏ có khả năng xuất hiện từ 7 đến 10 đợt lũ, đỉnh lũ có khả năng đạt từ trên báo động II tới trên báo động III từ 0,70 đến 1,00 mét. Trên các sông lớn (Đa Nhim, Đồng Nai) có khả năng xuất hiện từ 2 đến 3 đợt lũ, lũ vừa. Tháng 11, 12 sẽ là thời kỳ mưa lũ cuối vụ và thời kỳ chuyển tiếp từ mùa mưa lũ sang đầu mùa khô hạn. Trên các sông, suối thuộc địa bàn tỉnh mực nước dao động mạnh trong tháng 11, theo xu thế giảm dần vào tháng 12.
 
Thạc sĩ Trần Xuân Hiền nhấn mạnh, từ nay đến tháng 8/2022 cần đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá. Nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ngay từ những tháng đầu của mùa mưa, lũ. Đỉnh lũ năm có khả năng xuất hiện vào tháng 10/2022, mùa lũ có khả năng kết thúc vào trung tuần tháng 11. 
 
Cũng như trên các sông suối của cả nước, cấp báo động lũ trên các sông suối và việc xác định các cấp mực nước báo động lũ trên các sông ở tỉnh Lâm Đồng được xem là biện pháp phi công trình rất hữu hiệu trong dự báo, cảnh báo và trong công tác phòng, chống thiên tai. Căn cứ vào đặc điểm thủy văn của sông, đặc biệt là chế độ lũ, quy mô, mức độ quan trọng của khu vực có nguy cơ ngập lụt và khả năng ảnh hưởng thiệt hại do lũ lụt gây ra ứng với các mức nước lũ để phân thành các cấp báo động lũ khác nhau.
 
Cụ thể, báo động cấp I, khi lũ xuất hiện trên sông, nước sông dâng cao hơn bình thường và còn khả năng tiếp tục lên nhưng chưa tác động nhiều đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của Nhân dân. Do vậy, công tác phòng, chống lũ chủ yếu là theo dõi để nắm bắt diễn biến lũ và chuẩn bị ứng phó, đề phòng nước lũ tiếp tục lên cao.
 
Báo động cấp II, nước lũ đã dâng cao từ 1,50 - 3,00 m so với khi chưa có lũ, tình trạng ngập lụt đã bắt đầu lan rộng ra các vùng trũng thấp và có nhiều khả năng uy hiếp gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt bình thường, nhất là sản xuất nông nghiệp, khai thác và chăn nuôi thủy sản,... Do vậy, lúc này chính quyền các địa phương cần đôn đốc nhắc nhở Nhân dân khẩn trương di dời các công trình khai thác ở các bến bãi; các phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; các lều lán, công trình tạm phục vụ cho việc canh tác, trồng trọt, xây dựng ở các bãi sông đến nơi an toàn.
 
Đặc biệt, báo động cấp III, là lúc mà nước lũ đã thực sự dâng cao, uy hiếp đến cả một vùng rộng lớn ven sông, suối. Tình trạng ngập lụt khá nghiêm trọng, có nguy cơ đe đọa đến các công trình phòng lũ, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các công trình cơ sở hạ tầng như cầu, cống, đường giao thông, trường, trạm,… Ở cấp lũ này, các địa phương cần tập trung cho công tác phòng, chống lũ lụt, khẩn trương di dời người và tài sản của các gia đình nằm trong vùng ngập lụt sâu từ 0,50 m trở lên đến nơi an toàn. Tuyệt đối cấm ra sông dưới mọi hình thức (trừ cơ quan chuyên môn ra đo đạc lưu lượng dòng chảy). Tạm thời đình chỉ giao thông trên các tuyến đường bị ngập lụt sâu; cho học sinh nghỉ học nếu trường nằm trong vùng ngập hoặc phải đi qua vùng ngập để đến trường. Các địa phương cần bố trí lán trại tạm cho Nhân dân tránh lũ, bố trí các điểm y tế và cấp phát lương thực di động để hỗ trợ Nhân dân trong những ngày tránh lũ.
 
“Khi đã có thông báo nước lũ đạt từ mức báo động 3 trở lên thì các địa phương cần lưu ý đến các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình, nhất là đối với các hồ chứa, bởi khi bị nước lũ uy hiếp thì sự an toàn của công trình còn liên quan đến nhiều các công trình dân sinh kinh tế khác và cả tính mạng của người dân ở phía hạ lưu” - Thạc sĩ Trần Xuân Hiền cho hay.
 
HƯƠNG LY