Nỗi niềm với sản phẩm OCOP

06:06, 09/06/2022
Năm 2020, rượu cần bản Buôn Go (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên) được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng. Đây là niềm tự hào của đồng bào người Châu Mạ về sản phẩm mang đậm nét tinh túy núi rừng. Được công nhận sản phẩm OCOP đã khó nhưng để người làm nghề sống được bằng nghề lại càng khó khăn hơn. 
 
Gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nhưng tổ viên của Tổ hợp tác Sản xuất rượu cần vẫn duy trì sản xuất, cố gắng lưu giữ nghề truyền thống
Gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nhưng tổ viên của Tổ hợp tác Sản xuất rượu cần vẫn duy trì sản xuất, cố gắng lưu giữ nghề truyền thống
 
Mùa này Cát Tiên khá nóng bức. Không gian căn phòng chừng 20 m 2 dựng bên hông nhà chính của chị Phạm Thị Thúy (Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất rượu cần - dệt thổ cẩm) là nơi trưng bày sản phẩm. Cả chủ lẫn khách đều ròng rã mồ hôi dù chiếc quạt máy chạy hết công suất. Tôi thấy lạ vì chị Thúy là người Kinh nhưng đứng ra làm Tổ trưởng Tổ Sản xuất rượu cần của các thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gồm 5 tổ viên: Điểu Thị Rót, Điểu Thị Dé, Điểu Thị Môn, Điểu Thị Cúc Hương. 
 
Câu chuyện “bén duyên” với rượu cần của đồng bào Châu Mạ xuất phát từ chuyện tình đẹp của chị Thúy và chồng chị - một người Châu Mạ. Rồi khi lập gia đình, chị được mẹ chồng là cụ bà Điểu K’ Nhang truyền dạy về các công đoạn, kỹ thuật sản xuất rượu cần. Thêm vào đó, chị Thúy là Bí thư Chi đoàn bản Buôn Go nên tâm huyết làm sao để thanh niên vùng đồng bào DTTS có công ăn việc làm ổn định, lưu giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. 
 
Tổ hợp tác Sản xuất rượu cần - dệt thổ cẩm được khởi sự từ năm 2018, khi đó là mô hình khởi nghiệp của thanh niên địa phương nhằm mục đích giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng. Qua hơn 2 năm hoạt động, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài huyện biết đến và được công nhận sản phẩm OCOP. Dù vậy, sản phẩm rượu cần truyền thống của Tổ hợp tác sản xuất được cũng chỉ “đắt hàng” dịp cuối năm. Còn những tháng khác hầu như chỉ lẻ tẻ vài đơn hàng. Vì vậy, ngoài chị Thúy thường xuyên có mặt tại xưởng sản xuất và nơi trưng bày thì các tổ viên còn lại phải kiếm tìm những công việc khác để lo toan cho cuộc sống. 
 
Chị Thúy nhẩm tính: Mỗi dịp cuối năm, Tổ Sản xuất rượu cần bán ra thị trường được chừng 400 đến 500 ché; còn ngày thường thì lâu lâu mới có khách hàng đặt 5, 7 ché, có khi cả tháng trời không bán được ché nào. Trừ chi phí nguyên liệu sản xuất, trung bình mỗi năm thu được từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Nếu như chia lợi nhuận theo tháng và 5 thành viên của Tổ Sản xuất rượu cần thì mỗi tháng mỗi người chỉ được vỏn vẹn vài trăm nghìn đồng.
 
Dù thu nhập chưa đáng kể nhưng những thành viên của Tổ Sản xuất rượu cần vẫn tâm huyết, cố gắng lưu giữ nghề truyền thống của núi rừng Cát Tiên. Một số tổ viên đã để lại số tiền mà mình nhận được để mua nguyên liệu sản xuất nhằm duy trì bền vững hoạt động của tổ hợp tác. Còn bản thân họ thì làm thuê, làm mướn để trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình. Hiện nay, mong muốn lớn nhất của các tổ viên trong Tổ hợp tác Sản xuất rượu cần chính là được hỗ trợ thêm nguồn vốn để mở rộng sản xuất, phát triển thêm tổ viên là các đoàn viên trẻ của bản Buôn Go. Đồng thời, được các ban, ngành, chính quyền địa phương tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm rượu cần truyền thống ở các địa điểm có đông khách du lịch.
 
Làm sao để người làm nghề nấu rượu cần truyền thống ở bản Buôn Go có thu nhập ổn định; duy trì và phát triển tổ hợp tác chính là nỗi niềm, trăn trở của chính quyền địa phương thị trấn Cát Tiên. Đó cũng là trăn trở của những người làm công tác Đoàn tại thị trấn khi tổ hợp tác này được ví như “đứa con đẻ” của Đoàn Thanh niên thị trấn Cát Tiên. Chị Phạm Thị Hồng - Bí thư Đoàn thị trấn Cát Tiên cho biết,thời gian qua, tổ chức Đoàn đã thực hiện giới thiệu sản phẩm rượu cần bản Buôn Go trên fanpage của Đoàn Thị trấn, hy vọng trong thời gian tới sản phẩm sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến. Qua đó, giúp đoàn viên, thanh niên địa phương có thể lập nghiệp bằng chính nghề truyền thống mà cha ông để lại.
 
ĐỨC TÚ