“Làng văn hóa mở” giữa đại ngàn Trường Sơn - Nam Tây Nguyên

LÊ TRỌNG 06:50, 16/01/2023

Có một ngôi làng ở Lâm Đồng đã được đông đảo du khách thập phương biết đến và được trang web: mytour.vn của Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam VNTravel bình chọn là 1 trong 8 “Ngôi làng siêu đáng yêu của địa cầu”.  Ngôi làng ấy chính là Làng Cù Lần - một ngôi làng đã và đang hiện hữu thật ấn tượng và thật đẹp giữa thiên nhiên, núi rừng, làm nên một không gian mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa giữa đại ngàn Trường Sơn - Nam Tây Nguyên. 

Làng Cù Lần - “Làng văn hóa mở” giữa đại ngàn Trường Sơn - Nam Tây Nguyên & không gian lễ hội
Làng Cù Lần - “Làng văn hóa mở” giữa đại ngàn Trường Sơn - Nam Tây Nguyên & không gian lễ hội

TRẢI NGHIỆM THIÊN NHIÊN, VĂN HÓA

Cách trung tâm TP Đà Lạt chừng 20 km theo hướng Tây Tây Bắc, nằm trải rộng trên diện tích khoảng 35 ha dọc theo thung lũng của cung đường ĐT722 thuộc thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, với chuỗi không gian xanh trong lành và tĩnh lặng Làng Cù Lần được ví như là một “Làng văn hóa mở” ở Lâm Đồng, đã được vị chủ nhân giàu tâm huyết - nhạc sĩ Văn Tuấn Anh, một người con của phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng. 

Sở dĩ gọi đây là “Làng văn hóa mở” là bởi lẽ, khi đến với nơi này du khách thập phương không chỉ đóng khung trong không gian của làng, mà còn được đi vào thiên nhiên tìm hiểu về văn hóa bản địa thông qua những chuyến trải nghiệm thực tế khá thú vị khi băng qua những con suối, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh trên cung đường đầy quyến rũ để đến với những ngôi làng cũ của đồng bào dân tộc bản địa trong tiếng chim hót đong đầy... Bằng tình yêu thật đặc biệt đối với rừng, với văn hóa bản địa và con người nơi đây, nhạc sĩ Văn Tuấn Anh đã quyết định “bỏ phố về rừng” tích góp kinh phí đầu tư xây dựng và hình thành nên ngôi làng này. Đây không chỉ là một điểm đến quen thuộc và ấn tượng trong các tour du lịch dã ngoại, du lịch trải nghiệm dưới tán rừng của đông đảo du khách thập phương vào các dịp cuối tuần, lễ, tết..., mà còn là một không gian bàng bạc, lấp lánh dấu ấn văn hóa bản địa của vùng đất Nam Tây Nguyên. Theo anh Văn Tuấn Anh thì “mục tiêu kép” mà anh luôn tâm nguyện đó chính là bảo tồn văn hóa bản địa gắn với bảo vệ môi trường rừng, không gian văn hóa nép vào thiên nhiên, nép vào rừng. 

Tại “Làng văn hóa mở” nép mình dưới tán rừng này, du khách khi đến đây được hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm những không gian văn hóa riêng có và độc đáo. Từ không gian lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng, không gian ẩm thực, không gian vui chơi - giải trí, không gian nghệ thuật của đồng bào dân tộc bản địa như: mây tre đan, dệt thổ cẩm... cho đến không gian trưng bày các loại dụng cụ sinh hoạt và sản xuất, không gian lưu trú của làng... Tất cả đều làm nên một không gian thấm đẫm dấu ấn văn hóa và bàng bạc các yếu tố cấu thành văn hóa cùng hội tụ, mang lại cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc khi tiếp cận với những sản phẩm văn hóa tại đây. Ông Hoàng Mạnh Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, người có trên 30 năm gắn bó với văn hóa Nam Tây Nguyên, cho hay: “Với những gì đang hiện hữu, ngôi làng này là một trong những mô hình văn hóa cần được quan tâm bảo tồn ngay tại cộng đồng, để cho vốn quý về văn hóa dân gian phát huy sức sống lâu bền của nó”. 
 
 

Không gian văn hóa cồng chiêng
Không gian văn hóa cồng chiêng

LẤY DU LỊCH VĂN HÓA ĐỂ NUÔI VĂN HÓA

Không chỉ tạo sinh kế cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình, mà nhạc sĩ Văn Tuấn Anh còn quan tâm, chăm lo đến đội ngũ nghệ nhân dân gian, những hạt nhân văn hóa - văn nghệ là đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống tại các xã gần làng để họ gìn giữ, trao truyền và tái tạo các giá trị văn hóa bản địa với phương châm “lấy du lịch văn hóa để nuôi văn hóa” như một sự đầu tư tất yếu cho phát triển bền vững. Theo nhạc sĩ Văn Tuấn Anh, trước dịch COVID-19, Làng Cù Lần có khoảng 135 nhân viên, trong đó hơn 80% là đồng bào dân tộc tại chỗ. Mức thu nhập của mỗi nhân viên dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng, cá biệt, có một số trường hợp thu nhập lên đến từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra, Làng Cù Lần vẫn giữ lại khoảng 50 nhân viên ở lại làm việc và trả lương đầy đủ (10 triệu đồng/tháng). Nếu như không có khoản thu nhập đó, chắc chắn đời sống của một số nhân viên nòng cốt là người dân tộc thiểu số và gia đình của họ sẽ rất khó khăn. Làng cũng phải “gồng mình” để giúp họ có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Không gian nghệ thuật của đồng bào dân tộc bản địa: Mây tre đan, dệt thổ cẩm, tượng gỗ Nam Tây Nguyên...
Không gian nghệ thuật của đồng bào dân tộc bản địa: Mây tre đan, dệt thổ cẩm, tượng gỗ Nam Tây Nguyên...

Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương chia sẻ: “Lâm Đồng nói chung và huyện Lạc Dương nói riêng là nơi khai thác rất tốt không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Huyện Lạc Dương hiện có 12 câu lạc bộ cồng chiêng, trong đó Làng Cù Lần là một không gian văn hóa cồng chiêng tiêu biểu, vừa gắn bảo tồn văn hóa với bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Ở góc độ chính quyền địa phương, chúng tôi đã luôn cố gắng tạo điều kiện cho Làng ngày càng phát triển. Không gian văn hóa mở này đã giúp cho du khách khi đến với Lạc Dương có những trải nghiệm thú vị để tìm hiểu và cảm nhận những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc K’Ho, góp phần thúc đẩy bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, cải thiện sinh kế cho người dân và mở ra hướng phát triển mới tại địa phương”.

Làng Cù Lần - một không gian mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa giữa đại ngàn Trường Sơn - Nam Tây Nguyên. Có lẽ vì thế mà nơi đây đã được trang web: mytour.vn của Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam VNTravel bình chọn là 1 trong 8 “Ngôi làng siêu đáng yêu của địa cầu”, xếp sau làng OIA ở Hy Lạp, làng cổ tích Giethoorn ở Hà Lan, làng cổ Shirakawa ở Nhật Bản, làng Burano ở Ý, Làng cổ Savannah ở Mỹ... 

Phát triển du lịch gắn với phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc; phát triển du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa theo hướng bền vững, góp phần quảng bá hình ảnh của Lâm Đồng đến với bè bạn gần xa, “Làng văn hóa mở” giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên đã và đang có những đóng góp nhất định cho tăng trưởng xanh, cho ngành công nghiệp không khói và công nghiệp văn hóa tại địa phương.