Mô hình văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số

NHẬT MINH 06:30, 17/01/2024

Cuối tháng 12/2023, tại Nhà văn hóa xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Đức Trọng tổ chức Lễ ra mắt Mô hình văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tà Hine. Việc xây dựng mô hình này nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của cả cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Churu gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Các thành viên CLB sinh hoạt Văn hóa cồng chiêng xã Tà Hine biểu diễn tại lễ ra mắt
Các thành viên CLB sinh hoạt Văn hóa cồng chiêng xã Tà Hine biểu diễn tại lễ ra mắt

Mô hình trên từ Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện Dự án này, theo bà Nguyễn Thị Xuân Uyên - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Trọng, thời gian qua, Phòng đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai nhiều nội dung thiết thực. Cụ thể như: Tổ chức lớp tập huấn cho gần 200 già làng, trưởng thôn, người có uy tín, nghệ nhân cao tuổi và thành viên các CLB Cồng chiêng của các xã Tà Hine, Tà Năng, Đà Loan, Đa Quyn. Thông qua lớp tập huấn này, các học viên đã được trang bị những giá trị cốt lõi của di sản văn hóa và sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; mục tiêu và những nội dung của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng, dân ca dân vũ, dân nhạc và việc truyền dạy cho thế hệ trẻ; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Churu trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo; kỹ năng giao tiếp với du khách, cách làm du lịch cộng đồng... Cùng đó, trong năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Trọng cũng phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống; tổ chức các lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống...

Tại lễ ra mắt Mô hình văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tà Hine, lãnh đạo UBND xã đã thông qua quyết định thành lập CLB sinh hoạt văn hóa Cồng chiêng xã Tà Hine, với 52 thành viên. Chị Nguyễn Thị Hiền - Công chức Văn hóa - Xã hội xã Tà Hine, cũng là chủ nhiệm CLB, cho biết: “Chúng tôi ý thức được rằng, việc thành lập và ra mắt mô hình sinh hoạt văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch xã Tà Hine chính là nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị tích cực của không gian văn hóa cồng chiêng; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin và tạo sự phấn khởi trong Nhân dân. Đồng thời, xây dựng thế hệ nghệ nhân trẻ, nòng cốt làm lực lượng kế cận trong việc bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng; khôi phục các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống kết hợp hài hòa với môi trường văn hóa hiện đại để các nghệ nhân và thanh, thiếu niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đức Trọng nói chung và các dân tộc trên địa bàn xã Tà Hine nói riêng có điều kiện thuận lợi hoạt động, thực hành, hòa nhập với xu thế phát triển chung của toàn xã hội nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc riêng của mỗi dân tộc”.

Ma Tuyết, thành viên CLB xúc động nói: “Em năm nay 31 tuổi, nhưng là lần đầu tiên em được theo học lớp học cồng chiêng. Từ lúc nghe thông báo mở lớp, em đã thấy rất vui, háo hức, đến khi được tham gia thì em thấy rất thích thú, vì được tiếp xúc với văn hóa từ xưa của đồng bào mình, nên em và mọi người luôn đi học rất đầy đủ, hầu như không bỏ bữa học nào. Sau khi học xong, bên văn hóa xã cũng tạo điều kiện cho chúng em giao lưu với các đoàn du lịch, vừa lưu giữ được truyền thống của cha ông, vừa có thêm thu nhập, nên mọi người ai cũng rất hào hứng tham gia”.

Nghệ nhân Ma Lim - người tham gia truyền dạy các lớp cồng chiêng cho thế hệ trẻ trên địa bàn xã , chia sẻ: “Trước đây, xã cũng có tổ chức tập luyện cho các nghệ nhân lớn tuổi để tham gia biểu diễn hoặc tham gia các hội thi; sau khi có kế hoạch tổ chức truyền dạy cho các cháu trên địa bàn, các cháu rất vui và chăm chỉ. Trong thời gian tới, tôi cũng mong muốn có thêm nhiều những lớp truyền dạy cồng chiêng như thế này, để văn hóa truyền thống của cha ông sẽ được truyền lại và kế thừa từ đời này sang đời khác”.

Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Mô hình văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tà Hine là một mô hình mà chúng tôi kỳ vọng tạo một sự khác biệt để kết nối cung đường du lịch từ thành phố hoa cao nguyên Lâm Đồng với biển Ninh Thuận, Bình Thuận. Sau khi thử nghiệm, rút ra những điều chưa được và những điều đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, không chỉ ở Tà Hine”.



Liên kết hữu ích