Nắng như… Phan Rang

04:06, 26/06/2013

Không biết từ bao giờ khi nhắc về vùng đất Phan Rang này nhiều người vẫn nói "Nắng như rang, gió như phang".

Không biết từ bao giờ khi nhắc về vùng đất Phan Rang này nhiều người vẫn nói “Nắng như rang, gió như phang”.

Bình minh trên biển Ninh Chữ. Ảnh: N.M
Bình minh trên biển Ninh Chữ. Ảnh: N.M

  
1- Có chút gì huyền hoặc và bí ẩn

Thật lâu tôi mới trở lại biển Ninh Chữ. Từ khi có thêm các con đường nối Lâm Đồng với Bình Thuận, với Nha Trang, người Lâm Đồng - Đà Lạt đã có thêm nhiều chọn lựa khi xuống biển mùa hè. Ngay ở đây, các khu du lịch xây dựng phía trong cũng chia bớt khách, Ninh Chữ đang vắng khách dần, bãi tắm du lịch ngày nào chỉ còn người địa phương. Buổi sáng họ đi tắm rất sớm, mặt trời chưa lên đã về, để còn kịp đi làm và cũng có thể để tránh nắng, bãi biển lúc đó chỉ còn lại vài người lớn tuổi, một vài du khách phương xa như tôi còn nấn ná. Phải thật nắng lên thì khách Nga ở khách sạn Ninh Chữ - Sài Gòn mới ra biển. “Họ phơi nắng trở mình như phơi cá” - một người địa phương ngạc nhiên.

“Từ trước giờ mới thấy khách ngoại quốc đến đây nhiều thế”- bác tài xe ôm trước khách sạn Sài Gòn Ninh Chữ cho tôi biết. Nằm trên trục biển lân cận, sau Phan Thiết và Nha Trang đến lượt du lịch Ninh Chữ cũng được hưởng lợi từ nguồn du khách Nga đang đổ vào Việt Nam. Buổi chiều du khách nước ngoài từng nhóm đi dạo ven bờ biển, thăm ngôi chùa gần đó, ngồi thưởng thức cà phê ở các quán cóc ven đường hoặc đi bộ vào khu trung tâm Phan Rang để mua sắm.  
 
Tôi đã gặp những du khách Nga này trả giá rất ngộ nghĩnh khi đến chợ Ninh Hải. Chợ nằm ở khu trung tâm huyện, gần bãi Ninh Chữ. Buổi sáng nơi đây người trong vùng bán đủ những sản vật từ biển: cá, tôm, cua, mực, ốc biển, lớn có, nhỏ có. Tất cả đều tươi rói, ngư dân đánh bắt từ đêm về đem thẳng ra chợ. Trong cái cảnh nhộn nhịp mua bán của người địa phương, những ông khách Nga cao to lừng lững, những cô gái Nga da trắng tóc vàng nhiều cô đẹp như tay vợt Sharapova cũng len vào trả giá, thường thì họ thích mua hải sản. Không biết tiếng Việt, cũng chẳng biết tiếng Anh, họ móc tiền Việt từ trong túi xòe ra và chỉ tay vào món hàng. Người bán nơi đây đã quen với cảnh này nên chỉ tay vào các tờ tiền để báo giá, và họ bắt đầu trả giá bằng cách lấy bớt một số tờ tiền ra. Họ cũng kỳ kèo từng đồng đi tới đi lui rồi mới mua, kiểm tra tiền trả lại rất cẩn thận. “Không dễ ăn với mấy ông Nga này đâu” - một người bán hàng cười lớn.

2 - Nhưng Ninh Chữ không chỉ có biển mà xung quanh nơi đây còn rất nhiều cảnh đẹp để khám phá. Như Vườn quốc gia Núi Chúa với khu bảo tồn rùa biển gần đó chẳng hạn. Chỉ cần bắt chuyến xe buýt tuyến Phan Rang ra Vĩnh Hy, xe sẽ đưa chúng ta dọc theo con đường ven biển với những làng chài thanh bình, qua cánh đồng muối, qua các bãi biển hoang sơ đẹp như tranh vẽ. Mọc trên vùng đất cằn cực kỳ khô hạn nên rừng ở Vườn quốc gia Núi Chúa là rừng thưa vào hạng độc đáo nhất Đông Nam Á với các loài cây thấp lùn, được thiên nhiên tỉa tót cẩn thận như  “bon sai” trong vườn. Cây rừng mọc chen với đá. Đá nơi đây vô thiên lủng, những tảng đá to trồi hẳn trên mặt đất, xa gần, vươn cao lên trời, tạo thành những hình thù kỳ lạ. Điểm tô cho khu rừng thưa mênh mông, cho những lối đi đầy đá này là các lùm cây đầy gai nhọn và những bụi xương rồng vươn cao, mà nếu vào hình đảm bảo đẹp không kém cảnh chụp hoang mạc Arizona của Mỹ.

Dịp đến đây tôi được một người bạn làm công tác bảo tồn thiên nhiên đưa đi thăm “hồ treo” trên lưng chừng núi với nước trong vắt; thăm một con thác “thiên thượng thủy” với những tia nước bạc óng ánh từ vách đá tuôn xuống. Anh còn đưa tôi đến một bãi đẻ trứng của rùa biển nằm trong một vịnh núi hẹp với những rặng san hô lấp lánh trong nước. Bãi cát mịn, sột soạt theo từng bước chân, nước biển trong vắt, xanh ngắt màu trời. Quanh tôi không một bóng người, chỉ có tiếng gió rít vào vách núi, mùi rong biển nồng nồng ngoài khơi ùa vào.

Trên tuyến đường này đi thêm một đoạn nữa là đến Vĩnh Hy. Đây là một làng chài nép trong một con vịnh có chiếc cầu bắt ngang ở giữa. Từ chiếc cầu có thể thấy biển đằng xa cùng những xóm làng thanh bình nép mình dưới rặng dừa. Đến đây có thể mua vé lên một chiếc ghe nhỏ có mái che dạo chơi trong vịnh, ngắm biển, ngắm núi, nếu muốn có thể thuê kính lặn ngắm san hô ở bãi. Buổi tối có thể vào nhà dân ngủ nhờ lại, thưởng thức các món hải sản tươi nướng bên bếp lửa hồng, nhấp thử chén rượu nho người dân trong vùng trồng và lên men tự nhiên, ngắm hoàng hôn về trong vịnh. Trong cái tĩnh lặng của núi rừng vây quanh, của biển đêm trước mặt, bỗng thấy những lo toan của cuộc sống hiện đại thường nhật như đã bỏ lại đâu đó phía bên kia núi.

3- Đà Lạt - Phan Rang thật ra không xa lắm, chỉ bằng đoạn đường nội tỉnh từ Đà Lạt xuống Bảo Lộc nhưng chỉ cần qua khỏi đèo Ngoạn Mục thì mọi thứ hoàn toàn khác. Một bên là đất Lâm Đồng xanh mướt cây cỏ bốn mùa, một bên là đất Ninh Thuận khô cằn, nóng như đổ lửa, cả năm chờ mưa như chờ mẹ đi chợ về.

Rất nhiều lần đi ngang qua Ninh Sơn trong mùa khô nóng như nung người, đất cằn sỏi đá chỉ có những trại nuôi dê tồn tại, tôi vẫn ước ao rằng rồi mai này sẽ có lúc nơi đây sẽ thành một “thành phố mặt trời”, một trung tâm năng lượng với các tấm pin chuyển cái nắng quý giá này thành điện năng.

Và dù tương phản như thế, nhưng Đà Lạt và Phan Rang chính là sự bổ sung nhau tuyệt vời. Người Đà Lạt quanh năm với sương mù vẫn cần xuống biển để đổi gió, không chỉ là dịp hè, và người Phan Rang vẫn thường lên núi du lịch cho đỡ nóng. Mọi chi phí sinh hoạt nơi đây đều rẻ, rẻ hơn rất nhiều so với đô thị du lịch Đà Lạt. Sản vật của vùng đất này như nho, như cá tôm vẫn ngày ngày trên các chuyến xe ngược lên vùng trên; người dân hai nơi vẫn ngày ngày qua lại và hằng năm một lượng lớn người lao động thời vụ Ninh Thuận lại đổ về Lâm Đồng góp sức cho mùa thu hoạch cà phê. Trên chuyến xe khách Hiền Ân Đà Lạt - Phan Rang sáng hôm đó tôi đi, không biết có trùng hợp không, nhưng có đến 4 cặp vợ chồng rất trẻ đưa con về ngoại chơi. Đó là những chàng trai nhà trồng cà phê ở Trại Mát, ở Trạm Hành - Đà Lạt mùa hè rủ nhau xuống Ninh Chữ và Đông Hải, Phan Rang để câu cá và “con cá to nhất” họ đưa về chính là các cô gái dễ thương của miền biển “ăn sóng nói gió”.

Và tôi lại nghĩ, nếu như con đường sắt răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm vẫn còn, thì tuyệt vời biết bao. Buổi chiều cuối tuần chỉ cần nhảy lên tàu với ba lô là buổi sáng ta đã an nhàn đón bình minh ở biển.

Bút ký: Viết Trọng