Đạ Huoai: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng một cách có trách nhiệm

09:12, 15/12/2015

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Lâm Đồng, huyện Đạ Huoai có 20% dân số là đồng bào dân tộc Mạ, K'Ho sống trên địa bàn 8/10 xã - thị trấn, 22/61 thôn - tổ dân phố trong toàn huyện. Họ là chủ nhân của Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. 

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Lâm Đồng, huyện Đạ Huoai có 20% dân số là đồng bào dân tộc Mạ, K’Ho sống trên địa bàn 8/10 xã - thị trấn, 22/61 thôn - tổ dân phố trong toàn huyện. Họ là chủ nhân của Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. 
 
Văn hóa cồng chiêng làm nên sức sống bền bỉ cho các dân tộc thiểu số Tây Nguyên
Văn hóa cồng chiêng làm nên sức sống bền bỉ cho các dân tộc thiểu số Tây Nguyên
Trên cơ sở Đề án bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009 - 2010 và tầm nhìn 2015 do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt; tháng 10/2009, UBND huyện Đạ Huoai đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng (DSVHCC) các dân tộc bản địa tại địa phương, 8/8 xã - thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy DSVHCC cho riêng mình. Trên cơ sở đó, việc nhận diện tổng thể di sản nhanh chóng được tiến hành. Huyện đã thực hiện nhiều đợt đi vào từng buôn làng kiểm kê để có cái nhìn bao quát về di sản văn hóa cồng chiêng, những gì đang còn và những gì đã mai một. Thấy không thể chậm trễ, cơ quan chức năng là Phòng văn hóa huyện đã thực hiện thu âm, thu hình các bài chiêng, các làn điệu dân ca, dân vũ của 2 dân tộc Mạ, K’Ho; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về văn hóa cồng chiêng của địa phương; trang bị chiêng, trang phục thổ cẩm truyền thống cho các nhà văn hóa, các nhóm cồng chiêng; phối hợp tổ chức 6 lớp truyền dạy cồng chiêng tại các xã Đạ P’Loa, Đoàn Kết, Madaguôi, Đạ Oai, Phước Lộc, thị trấn Đạm Ri cho 150 thanh thiếu niên là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nỗ lực đó đã làm sống dậy di sản văn hóa cồng chiêng bấy lâu. Hàng năm, huyện tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ, ngày hội văn hóa thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Định kỳ 2 năm một lần, Đạ Huoai tổ chức Lễ hội văn hóa cồng chiêng với quy mô toàn huyện. Các hoạt động đã tạo thêm những dịp để cồng chiêng được mang ra luyện tập, để người già, con trẻ nô nức, để cồng chiêng có cơ hội được tấu lên. Huyện đã lồng ghép việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, coi việc gìn giữ di sản là một trong những tiêu chí quan trọng để công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị. 
 
Nhằm phát huy văn hóa cồng chiêng, để cồng chiêng không chỉ “sống” mà sống mạnh mẽ, tự tạo thêm kinh phí “lấy giá trị văn hóa nuôi dưỡng và bảo tồn văn hóa”, được sự giúp sức của ngành văn hóa tỉnh, huyện đã tổ chức tập huấn kỹ năng khai thác văn hóa cồng chiêng vào phục vụ khách du lịch cho các nhóm cồng chiêng tại địa phương. Cùng với đó, Đạ Huoai đã tạo điều kiện thuận lợi, liên kết phối hợp với các khu điểm du lịch trên địa bàn huyện như KDL Rừng Madagui, trạm dừng chân Lan & Hươu, KDL Hương sen Tuệ Uyển… khai thác nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa vào phục vụ du khách thưởng lãm tìm hiểu, khám phá văn hóa; tạo thành điểm nhấn và sản phẩm du lịch đặc sắc cho các điểm du lịch. Theo đó, nhiều hoạt động nổi bật của các đội nhóm như: thể hiện các nghi lễ dân gian, diễn tấu cồng chiêng, ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ, K’Ho, các trò chơi dân gian… đã để lại dấu ấn khó quên cho du khách về một vùng đất.
 
Nhận thức rõ sự mai một của một di sản quý, các xã, thị trấn cũng vào cuộc quyết liệt. Trong 6 năm qua, các xã - thị trấn trong huyện đã tổ chức 12 lớp truyền dạy cồng chiêng với 156 thanh thiếu nhi tham gia; tổ chức cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số có cồng chiêng (nhạc cụ) ký cam kết không bán cồng chiêng, không chôn cất cồng chiêng theo người chết (tục chia của); giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân có trách nhiệm như trưởng ban văn hóa xã, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban mặt trận theo dõi các bộ cồng chiêng trên địa bàn của mình. Vận động các nghệ nhân tự giác truyền dạy diễn xướng dân gian cồng chiêng cho thế hệ kế cận. Một số thôn, tổ dân phố kết hợp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc (18/11) với Ngày hội Văn hóa thể thao dân tộc bản địa như một hình thức giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết giữa các khu dân cư.
 
Từ những việc làm đầy trách nhiệm, nhận thức của đồng bào về di sản văn hóa của dân tộc mình, về giá trị văn hóa những gì cha ông truyền lại ngày càng được nâng cao; đồng bào tích cực hưởng ứng bảo tồn và phát huy. Đến nay, toàn huyện có 6 nhóm cồng chiêng thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ khách du lịch; 16/22 thôn, tổ dân phố đồng bào dân tộc thiểu số có đội cồng chiêng. Các bài chiêng cổ truyền, làn điệu dân ca, dân vũ, phong tục tập quán tốt đẹp, văn hóa ẩm thực truyền thống từng bước được lưu giữ và phát huy ngay trong cộng đồng dân cư. Trong các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng đều có các tiết mục mang bản sắc văn hóa của đồng bào, cồng chiêng tiếp tục được tấu lên những bài chiêng mừng cuộc sống mới ấm no. 
 
Thời gian tới, công tác bảo tồn và phát huy DSVHCC của đồng bào dân tộc Mạ, K’Ho gốc địa phương ở Đạ Huoai sẽ không chỉ dừng lại ở bề rộng, mà sẽ đi vào chiều sâu; không chỉ thực hiện được bảo tồn cồng chiêng (nhạc cụ), các bài bản chiêng, điệu múa dân vũ; mà huyện sẽ đi sâu nghiên cứu, sưu tầm các nghi lễ, phục dựng một số lễ hội, nghi lễ truyền thống, tạo không gian văn hóa cồng chiêng theo nguyên bản, đồng thời đẩy mạnh việc khai thác các giá trị văn hóa bản địa và văn hóa cồng chiêng vào phục vụ du lịch. Tuy không thể đòi hỏi sự nguyên vẹn khi hình thái kinh tế thay đổi, nhưng rất cần việc phục dựng các nghi lễ truyền thống để văn hóa cồng chiêng trở thành sản phẩm du lịch mang đầy đủ giá trị của một di sản giới thiệu đến du khách. Tiếp tục vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo tồn, lưu giữ và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng ngay trong gia đình, buôn làng của mình.
 
THÁI AN