Hư vô

09:07, 21/07/2016

Có lần tôi nghe nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường "Một người ham chơi" nói một câu xanh rờn: "Thơ hay là phải đẹp và buồn". Đẹp thì tất nhiên rồi. Nhưng buồn - ngẫm lại thấy đúng, đúng vào từng hoàn cảnh, vào từng tâm trạng. Một nỗi buồn thanh lọc. Buồn để chạm được vào cõi lòng ở phía sâu thẳm nhất, vừa là chiêm nghiệm, vừa là tỉnh thức như thi sĩ Phùng Quán đã từng viết: "Vịn câu thơ mà đứng dậy".

Cái gì cũng có một thời
Bao nhiêu máu chảy
trong lời vua ban
Cái gì rồi cũng tiêu tan
Bao nhiêu xương trắng
nằm oan dưới mồ
Cái gì rồi cũng hư vô
Bao nhiêu tượng gỗ
lên chùa ngồi chơi
Cái gì rồi cũng rụng rơi
Quả trên Vườn Cấm,
hoa nơi Địa Đàng
Cái còn mãi với thời gian
Tình yêu từ thuở
hồng hoang dại khờ
 
Gắng ngồi viết cạn bài thơ
Bài thơ rồi có hư vô như mình?
 
QUANG HUY
 
Lời bình: NGUYỄN NGỌC PHÚ
 
Có lần tôi nghe nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường “Một người ham chơi” nói một câu xanh rờn: “Thơ hay là phải đẹp và buồn”. Đẹp thì tất nhiên rồi. Nhưng buồn - ngẫm lại thấy đúng, đúng vào từng hoàn cảnh, vào từng tâm trạng. Một nỗi buồn thanh lọc. Buồn để chạm được vào cõi lòng ở phía sâu thẳm nhất, vừa là chiêm nghiệm, vừa là tỉnh thức như thi sĩ Phùng Quán đã từng viết: “Vịn câu thơ mà đứng dậy”.
 
Nhà thơ Quang Huy viết “Hư vô” khi ông đã qua bao từng trải, qua bao đắng đót, qua bao thành bại, đã ném mình vào thăng trầm để trở lại với mình, về lại với “hư vô”. Tưởng là cứ sắc sắc, không không nhưng ông lại được - được ở sự định vị, được ở sự đồng cảm, được ở sự giải tỏa qua những cung bậc thảng thốt có lúc ngỡ như chập chờn hư ảo nhưng hàm chứa bao đúc kết. Cứ ngỡ như những triết lý dân gian nhưng thấu đáo nhân tình. Bốn lần ông nhắc đến “cái gì”. Từ “Cái gì cũng có một thời” đến “Cái gì rồi cũng tiêu tan” để “Cái gì rồi cũng hư vô”, kết cục là: “Cái gì rồi cũng rụng rơi”. Đây gần như là một sự vận động biến đổi cuộc đời của thời cuộc trong cái vòng nhân sinh được mất, sống còn, nghiệt ngã. Và song hành như một phép biến đổi là cặp phạm trù “bao nhiêu”. Từ “Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban” đến “Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ” để “ Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi”. Tất cả được dựng dậy thổi vào đó sinh khí của hồn thơ lục bát thấm đậm sâu sắc biết chừng nào. Thi sĩ là người nhạy cảm với thời cuộc nhiều khi vận vào mình gánh nặng khó siêu thoát của đời thường khổ ải để mong muốn đến cõi hư vô. Viết được như Quang Huy thật khó. Vì đã chạm được đến những điều ngỡ như “tối thượng” nhưng không “tối kị” bởi sự chân thành ở cái tâm trong sáng là điều căn cốt, một tổng kết kinh nghiệm sống rút ra từ cuộc đời thi sĩ của mình: “Cái còn mãi với thời gian / Tình yêu từ thuở hồng hoang dại khờ”.
 
Năm cặp lục bát với 10 câu thơ đầu như là những phản biện hết sức biện chứng của tâm hồn. Ông đã lý giải với một chiều sâu của tâm tưởng, của lịch sử có cả màu sắc tôn giáo: “Quả trên Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng” để gửi tới một thông điệp nhân văn: Hãy sống tử tế biết yêu thương đồng loại để không nói lời ân hận trước khi từ giã cõi đời. Thật bất ngờ khi ông thảng thốt: “Gắng ngồi viết cạn bài thơ”, chỉ một chữ “cạn” thôi mà tôi cứ ngỡ “mực” của bút là “máu” của nhà thơ. Một câu hỏi đủ bản lĩnh tự biết “Bài thơ rồi có hư vô như mình?”. Chắc chắn bài thơ này sẽ không “hư vô” khi đến với bạn đọc và nhà thơ sẽ không “hư vô” với cuộc đời.