Hoạt động văn hóa từ góc nhìn miền Trung - Tây Nguyên

08:12, 15/12/2016

Năm 2016, hoạt động văn hóa - văn nghệ của 18 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên (tính từ Thanh Hóa trở vào đến Ninh Thuận) đã có nhiều chuyển biến tích cực, thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, địa phương và phục vụ nhiệm vụ chính trị...

Trung tuần tháng 11/2016, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã tổ chức hội nghị giao ban văn hóa - văn nghệ 18 tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức chủ trì hội nghị, tham dự có lãnh đạo các ban tuyên giáo, hội văn học - nghệ thuật, ngành văn hóa trong khu vực. Các vấn đề xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã được hội nghị quan tâm.
 
Truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ góp phần bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: P.Nhân
Rực rỡ sắc màu các điệu múa dân tộc. Ảnh: P.N

Năm 2016, hoạt động văn hóa - văn nghệ của 18 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên (tính từ Thanh Hóa trở vào đến Ninh Thuận) đã có nhiều chuyển biến tích cực, thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, địa phương và phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trước sự cố nghiêm trọng về môi trường và tác hại của thiên tai lũ lụt, khu vực miền Trung bị ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sản xuất và gây tâm trạng lo lắng trong nhân dân, hoạt động văn hóa - văn nghệ cả nước nói chung và miền Trung - Tây Nguyên đã tập trung hướng về các tỉnh bị thiệt hại, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái góp phần cùng nhân dân miền Trung ổn định tư tưởng, vượt qua khó khăn. Các tỉnh đều ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, định hướng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền. 
 
Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
 
Các cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa; quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội phù hợp với từng địa bàn, dân tộc. Việc bình và xét công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và thôn - tổ dân phố văn hóa, văn minh luôn được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo tiêu chuẩn. Số lượng, chất lượng thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, văn minh ngày càng nâng lên. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị, trở thành phong trào mạnh mẽ ở nhiều địa phương, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều xã, phường, thị trấn đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào hương ước, quy ước và coi đó là một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu văn hóa. 
 
Nhiều địa phương chủ động, sáng tạo trong triển khai nội dung xây dựng gia đình văn hóa hưởng ứng “Ngày gia đình Việt Nam 28/6”. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong các cơ quan, đoàn thể, trường học đi vào chất lượng. Các hoạt động hội thi, hội diễn tập trung tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường sống, môi trường cảnh quan. Việc duy trì các loại hình nghệ thuật quần chúng như: câu lạc bộ tuồng, dân ca, tổ chức hội thi, hội diễn, trò chơi dân gian được duy trì và phát huy. Một số nghi thức truyền thống như: diễn xướng, đua thuyền đầu năm mới được khôi phục.
 
Phong trào thể thao quần chúng được duy trì thường xuyên. Các môn thể thao dân tộc thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Các đội chiếu phim, thông tin lưu động, đoàn nghệ thuật hoạt động có hiệu quả ở địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số. Tỉnh Khánh Hòa có 6 đội chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa được 1.043 buổi chiếu với 168.767 lượt người xem. Hoạt động thư viện có nhiều cố gắng đáp ứng nhu cầu bạn đọc, như việc luân chuyển sách, báo nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Thư viện Quảng Ngãi cấp mới 1.627 thẻ đọc, phục vụ 165.200 lượt độc giả, luân chuyển sách báo tại chỗ 177.438 cuốn, luân chuyển sách về cơ sở 21.194 bản…
 
Nhiều địa phương, trong đó có Lâm Đồng, tập trung khai thác tiềm năng để phát triển du lịch, tạo nguồn lực phát triển kinh tế địa phương; chú trọng xây dựng làng nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, nhất là tổ chức lễ hội dân gian; kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế du lịch bền vững. 
 
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa 
 
Hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được lãnh đạo và các cấp chính quyền quan tâm, công tác tổ chức lễ hội và quản lý lễ hội có nhiều tiến bộ. Hoạt động lễ hội diễn ra sôi động thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhất là lễ hội truyền thống có quy mô lớn như Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Lễ hội Cồng chiêng, Lễ hội của đồng bào dân tộc Cơtu… Các lễ hội có quy mô làng, xã được tổ chức tốt hơn, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cộng đồng dân cư: Lễ hội Đình làng Túy Loan, Đình làng Hải Châu, Đình làng Hòa Mỹ... Các lễ hội tôn giáo (lễ hội Quán Thế Âm, Đại lễ Phật Đản) được tạo điều kiện tổ chức trọng thể. Công tác quản lý di tích, lễ hội kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc. Các địa phương chú trọng công tác hoàn thiện hồ sơ cấp bằng di tích, đón bằng công nhận di tích; thẩm định, lập danh sách di tích, cụm di tích đề nghị xếp hạng; sưu tầm, bảo quản, chỉnh lý, phân loại giới thiệu những hiện vật, tài liệu có giá trị; hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Lễ hội Cầu Ngư (Đà Nẵng), Lễ hội Đền Cơn, Đền Chín gian (Thanh Hóa); Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (Hà Tĩnh) được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Công tác lập kế hoạch, kiểm kê di tích được các tỉnh, thành quan tâm, tiến hành thường xuyên. Bảo tàng các tỉnh phối hợp với ban, ngành địa phương, tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống: Bảo tàng Đà Nẵng sưu tầm 27 hiện vật, 1.456 ảnh tư liệu phục vụ triển lãm, tiếp nhận 45 ảnh tư liệu về Bác Hồ với bầu cử và các kỳ Đại hội Đảng; Bảo tàng Mỹ thuật sưu tầm 155 tác phẩm; Bảo tàng Khánh Hòa thực hiện chuyên đề “Khảo cổ học tiền sơ sử tỉnh Khánh Hòa”, tổ chức 5 cuộc triển lãm phục vụ các ngày lễ trong năm, hoàn thành hồ sơ khoa học nhập kho 3.000 hiện vật các loại... Công tác tuyên truyền cổ động trực quan được thực hiện tốt. Một số địa phương tổ chức lớp truyền dạy văn hóa dân tộc như múa xoang, đánh cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, đan lát, dệt thổ cẩm cho lớp trẻ. 
 
Truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ góp phần bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: P.Nhân
Truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ góp phần bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa
cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: P.N

Một số hạn chế cần sớm khắc phục
 
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, thời gian qua, hoạt động văn hóa - văn nghệ trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn một số mặt hạn chế. Biểu hiện như: Công tác chỉ đạo, tổ chức, quản lý hoạt động văn hóa - văn nghệ chưa sát thực tiễn, còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Việc đầu tư cho sự nghiệp văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng trong những năm gần đây có tăng nhưng còn thấp so với yêu cầu. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế trong việc lựa chọn các sản phẩm văn hóa. Hoạt động của nhà văn hóa cộng đồng chưa phát huy hết hiệu quả, chưa sử dụng đúng mục đích; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ, tuy đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Xu hướng “thương mại hóa”, chạy theo thị hiếu thấp kém trong một bộ phận những người làm công tác báo chí, xuất bản, văn hóa - nghệ thuật chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và thanh niên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thờ ơ với chính trị, mất cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Xuất hiện thơ ca, hò vè phản ánh xã hội một cách thiếu xây dựng. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, lễ hội chưa phát huy mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng của địa phương. Sản phẩm dịch vụ du lịch tuy có nâng cao chất lượng, loại hình nhưng chưa đủ sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Việc tổ chức, quản lý hoạt động văn hóa, du lịch tại các danh lam, thắng cảnh, các điểm du lịch ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề cần sớm khắc phục nữa là việc triển khai thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở một số địa phương vẫn còn chạy theo thành tích, nặng về hình thức. Việc triển khai thực hiện các tiêu chí văn hóa trong bộ tiêu chí xây dựng chương trình nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Các xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí văn hóa về cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa còn thấp.
 
ÐAN THANH