"Đất gọi" tạc chân dung văn học người tìm ra Đà Lạt

09:12, 14/12/2017

Đã có rất nhiều cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học A.Yersin, nhưng với tiểu thuyết Đất gọi của nhà văn Trần Thăng vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành, hình ảnh bác sĩ Yersin đã đi vào văn học trong giai đoạn sôi nổi nhất của một đời người: tuổi trẻ, lòng nhân hậu, nhiệt huyết, cống hiến. Lâm Đồng cuối tuần xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này.

Đã có rất nhiều cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học A.Yersin, nhưng với tiểu thuyết Đất gọi của nhà văn Trần Thăng vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành, hình ảnh bác sĩ Yersin đã đi vào văn học trong giai đoạn sôi nổi nhất của một đời người: tuổi trẻ, lòng nhân hậu, nhiệt huyết, cống hiến. Lâm Đồng cuối tuần xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này.
 
Tiểu thuyết Đất gọi của nhà văn Trần Thăng. Ảnh: Q.U
Tiểu thuyết Đất gọi của nhà văn Trần Thăng. Ảnh: Q.U
 
Tác phẩm đi sâu khắc họa chân dung và những đóng góp của ông từ 1890 (rời Viện Pasteur - Pari) đến 1895 (khi đã tìm ra Đà Lạt và đề xuất với toàn quyền Pháp xây dựng thành phố nghỉ dưỡng trên cao nguyên) thực sự có ý nghĩa khi được phát hành đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 - 2018), 75 năm ngày mất của bác sĩ Yersin (1943 - 2018). 
 
Tiểu thuyết với 5 chương: Ngã rẽ, hành trình tìm kiếm, Đất lành chim đậu, Ý tưởng đã thành, Ký ước. Mở đầu tiểu thuyết là hình ảnh một nhà khoa học trẻ 27 tuổi đầy nhiệt huyết, sẵn sàng từ bỏ tất cả vinh hoa phú quý ở Kinh đô ánh sáng Paris trong một Viện Pasteur với đầy đủ phương tiện phục vụ cho việc nghiên cứu để đến một nơi đầy gian khó mong muốn được cống hiến hy sinh cho nhân loại. Chính người thanh niên có tấm lòng nhân hậu, nhân ái đã tự tìm cho mình một “ngã rẽ” đầy gai góc khi dấn thân đến xứ sở Đông Dương. Với Yersin “Tất nhiên không phải để khai phá văn minh hoặc tìm kiếm tài nguyên làm giàu cho nước mẹ. Ta sẽ đến để biết dân vùng này cần gì, những vùng đất này đã có tên tuổi hay chỉ mới là vùng đất hoang sơ chưa ai hay biết…” - tác giả đã khéo léo hóa thân vào cuộc hành trình của Yersin, dõi theo những chuyến đi, những lời nói, hành động, việc làm cho những trang viết vô cùng sống động. Khi thì trên “Con tàu lênh đênh đưa Yersin từ Địa Trung Hải” đến Ấn Độ Dương, qua Thái Bình Dương”, khi đi dọc bờ biển của dải đất hình chữ S và “Yersin chăm chú theo dõi, ngắm nhìn và quan trắc thấy được viễn cảnh bờ biển Bắc - Nam, anh thấy dãy núi sừng sững như bức tường thành che chở mảng sườn phía Đông có khác gì thành lũy vững chãi giữ cho dải đất cong cong trường tồn bền vững” và quyết định “Ta nhất định phải đi, phải đến những nơi ấy. Ta đến để hiểu những cái ta chưa hề biết, ta đến những chỗ không có trên bản đồ và cũng chưa một ai đặt chân tới đó”. Trong hành trình thám hiểm, bác sĩ A.Yersin đã đi bộ ngang dọc khắp miền Trung - Tây Nguyên hàng ngàn cây số trèo đèo, lội suối, băng qua rừng rậm, vừa đi vừa ghi chép, vẽ, quan trắc. Ông học tiếng Việt để giao tiếp với người bản xứ. Những đêm ngủ rừng, những gian nan, hiểm nguy, thú dữ rình rập, mưa rừng, vượt lũ. Cùng hòa vào các sinh hoạt văn hóa của cư dân miền Thượng, cùng đi săn, cùng ăn, cùng ở, chữa bệnh cho đồng bào. 
 
Trên chặng đường gian nan, điểm tựa lớn nhất của ông là người mẹ và hàng ngàn lá thư viết cho mẹ gửi về quê nhà Thụy Sĩ. Trong thư có lần A.Yersin viết lòng đầy hứng khởi: “Mẹ có nghe không nơi đây cây rừng đang thì thầm nói với con nhiều điều bí ẩn. Những vùng đất vắng bóng người hình như cũng đang ấm lên khi thấy bước chân của con bước tới”. Trong đó hành trình khám phá ra cao nguyên Lâm Viên là hành trình gian nan nhất phải men theo vực thẳm, trèo núi cao, băng rừng rậm, “Thế rồi ngày 21 tháng 6 - 1893 Yersin đã đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên”. Giây phút ấy nhà khoa học trẻ như reo lên: “Thoát ra khỏi rừng thông bạt ngàn, Yersin ngỡ ngàng thấy trước mặt mình một vùng cao nguyên mênh mông, hoang vắng, anh đứng thần người ra cứ tưởng đây là một vương quốc mới, một vương quốc tuyệt hảo, bí ẩn, hoành tráng, hoang sơ... Cao nguyên trải dài một màu xanh bất tận. Đây có phải hải dương mênh mông đang sôi lên bởi những con sóng khổng lồ xanh biếc đang cuồn cuộn dâng lên, đây là đại dương hay vùng cao nguyên hùng vĩ”. Từ cuộc thám hiểm, bác sĩ Yersin đã mô tả bản sơ đồ phác họa đường đi, nơi đến có đánh dấu chi tiết - đó là cơ sở căn cứ để các nhà cầm quyền Pháp khai phá, quy hoạch mở những con đường từ biển lên vùng Thượng... Từ dấu chân khai mở của A.Yersin, một thành phố xinh đẹp ra đời hình thành và phát triển trên cao nguyên Lâm Viên nay đã 125 tuổi. 
 
Sau cuộc thám hiểm, ông từ bỏ mọi chức vị chính quyền mà bộ máy cai trị thuộc địa sắp đặt, chọn Nha Trang làm nơi sinh sống, lập đồn điền Suối Dầu, “gắn bó với đất, với người xóm Cồn như chính với quê hương của mình. Yêu kính người già, thương quý con trẻ, dành tình yêu thương cho từng con vật, cỏ cây hoa lá, coi chúng như những người bạn. Những người dân xóm Cồn là bà con lao động nghèo cũng dành cho Yersin một tình cảm đặc biệt, họ coi ông là người nhà, họ hàng thân thích, là hàng xóm, sớm tối, vui buồn có nhau, lúc hoạn nạn, bệnh tật ông là người cưu mang, che chở giúp dân xóm Cồn vượt qua sóng gió”. Trái tim lớn ngừng đập đã gần 3/4 thế kỷ, thân xác hòa vào lòng đất Việt Nam, đầu quay ra biển hướng về quê hương Thụy Sĩ, nhưng những câu chuyện về ông Năm vẫn được các thế hệ người dân xóm Cồn kể cho con cháu nghe về một vị Bồ tát sống, một tấm lòng nhân hậu, một trái tim cống hiến cả cuộc đời cho khoa học, cho quê hương Việt Nam. Phần kết “Ký ước” của tiểu thuyết gây xúc động người đọc.
 
Nhà văn Trần Thăng đã từng xuất bản 7 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn và ký, 1 tập truyện vừa cho thiếu nhi, 2 tập thơ. Với tiểu thuyết Đất gọi, nhà văn hoàn toàn thoát ra khỏi những trải nghiệm, vốn sống, chuyện đời của chính mình và bằng lối diễn tả sinh động, tác giả đã đưa bác sĩ Yersin trở thành một hình tượng trẻ tuổi giàu nhiệt huyết với những tình tiết, những đấu tranh, lựa chọn, cuộc hành trình, dấn thân, cống hiến không tính đếm được.
 
Bác sĩ Alexandre Emile Jean Yersin - người cống hiến cả cuộc đời cho khoa học, cho nhân loại và cho Việt Nam sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại Aubonne, tổng Vaud, Thụy Sĩ, mất ngày 1 tháng 3 năm 1943 tại Nha Trang. Là nhà vi khuẩn học, nhà thám hiểm vĩ đại, bác sĩ Yersin đã tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch, là người khám phá ra cao nguyên Lâm Viên đặt nền móng xây dựng thành phố Đà Lạt xinh đẹp, bước chân thám hiểm của ông cũng vạch ra một con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên; ông cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương (tiền thân của Đại học Y Hà Nội). 
 
QUỲNH UYỂN