Xuân nồng đợi cửa

09:02, 08/02/2018

"Cám tháng Giêng, tiền tháng Chạp", điều này chắc ai cũng trải qua trong những ngày cận tết. Thời gian - không gian trong những ngày này cũng không còn bình thường như những ngày giờ, khung cảnh khác trong năm. Đôi khi thấy sức người không còn đủ tổn cho dịp này, ai cũng tất bật, chuyện gì cũng gấp gáp. Không còn đủ thì giờ để nghĩ một chuyện gì cho ra đầu ra đũa.

“Cám tháng Giêng, tiền tháng Chạp”, điều này chắc ai cũng trải qua trong những ngày cận tết. Thời gian - không gian trong những ngày này cũng không còn bình thường như những ngày giờ, khung cảnh khác trong năm. Đôi khi thấy sức người không còn đủ tổn cho dịp này, ai cũng tất bật, chuyện gì cũng gấp gáp. Không còn đủ thì giờ để nghĩ một chuyện gì cho ra đầu ra đũa.
 
Giáp tết là mùa làm ăn của nhiều nghề. Ai cũng muốn có chút đồ đạc tươm tất, có vài đồng rủng rẻng cho ba ngày Tết; người nghèo thì phấn đấu có tấm áo mới cho con, người giàu thì muốn giàu thêm,... Đọc tờ báo ngày, thấy gần tết, trộm cướp lại rộ thêm nhiều... Chợt lẩn thẩn, những người trộm cướp đón tết ra sao nhỉ?
 
Đã là người Việt, ai cũng muốn mình thơm tho trong sạch vào ngày đầu năm âm lịch - nguyên đán. Muốn vậy, trước đó phải lao động cật lực. Cuối tháng Chạp phải lo sửa soạn lại tóc tai, dung nhan. Có khó khổ cũng gắng mua tí xà bông xịn để tắm gội cuối năm. Có người vẫn giữ tục nấu nồi lá thơm để gột tẩy những điều chưa đạt đã qua. Rõ ràng, nghi lễ này không hẳn chỉ sạch sẽ về thể xác.
 
Nhớ thời sinh viên chơi ngông và cũng thiếu tiền tàu xe, thế là tết không về nhà để tìm cảm giác... xuân tha hương. Lang thang ngoài phố thấy nhà ai cũng rộn ràng sum họp, lòng rưng rưng lạ. Qua phút giao thừa bỗng thèm nghe tiếng mẹ, tiếng em, thèm cái mùi nhang trầm tỏa từ bàn thờ xuống cội mai già, lan ra đám vạn thọ... quê hương. Thì ra, đã là dân quê thì cái hồn tết của mình nó nằm ngay giữa quê nhà, có đi đâu thì đi, mấy ngày xuân cũng phải lặn lội về nơi cố quận, mới thấy thỏa lòng. Hèn chi, mỗi mùa tết là xe cộ, tàu đò đều nghẹt ứ người, chen chúc giành giật nhau từng tấm vé, bất cứ giá nào cũng phải về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn. Nếu không thì lòng người thiếu tết lắm lắm...
 
Cứ ước ao trước phút giao thừa, phải gột rửa thật sạch những việc làm không đáng, những khoảng u ám trong tâm hồn. Có thể tĩnh tâm để làm điều đó nhưng thật khó khăn để vượt qua chính mình. Và thiêng liêng hơn cả trong ngày đầu năm, những hồn người phải xích lại gần, tự nhiên nhích lại, cần nhau hơn...
 
Phải rồi, tết Việt là Ngày hội của tình người, ngày hội lặng lẽ sâu xa, kết quả của những bề bộn một năm, và nhất là sự tận dụng gắt gao những ngày áp tết...
 
ĐÀO ĐỨC TUẤN