"Nở rộ" các câu lạc bộ thi ca

09:05, 17/05/2018

Lâm Hà không chỉ là mảnh đất có thiên nhiên tươi đẹp mà còn chứa đựng vẻ đẹp nhân văn từ chính cộng đồng cư dân của 30 dân tộc anh em trên khắp cả nước về đây sinh sống. Mỗi nét đẹp văn hóa dân tộc, vẻ đẹp vùng miền ấy đã hội tụ và "nở rộ" thành những CLB độc đáo và đa sắc.

Lâm Hà không chỉ là mảnh đất có thiên nhiên tươi đẹp mà còn chứa đựng vẻ đẹp nhân văn từ chính cộng đồng cư dân của 30 dân tộc anh em trên khắp cả nước về đây sinh sống. Mỗi nét đẹp văn hóa dân tộc, vẻ đẹp vùng miền ấy đã hội tụ và “nở rộ” thành những CLB độc đáo và đa sắc. 
 
CLB dân ca quan họ tổ dân phố Chi Lăng 3 - Nam Ban biểu diễn ở Không gian văn hóa truyền thống trong Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu Du lịch Prenn - Đà Lạt. Ảnh: Q.U
CLB dân ca quan họ tổ dân phố Chi Lăng 3 - Nam Ban biểu diễn ở Không gian văn hóa truyền thống trong Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu Du lịch Prenn - Đà Lạt. Ảnh: Q.U
Cùng với sự phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, huyện Lâm Hà luôn chú trọng bảo tồn, lưu giữ và phát triển giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc nhằm làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Toàn huyện có 132 CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ cấp xã đến thôn, thu hút hàng ngàn người thường xuyên tham gia sinh hoạt, luyện tập, biểu diễn, thi đấu. Đặc biệt, cùng với các CLB cồng chiêng của đồng bào K’Ho bản địa ở Đinh Văn, Đạ Đờn, Phi Tô, Tân Văn, tất cả 14 xã, 2 thị trấn trong huyện đều có CLB dân ca, thơ nhạc. Có thể kể các CLB dân ca: CLB Dân ca quan họ Bắc Ninh (tổ dân phố Chi Lăng 3 - Nam Ban), CLB hát then đàn tính xã Phi Tô, CLB hát chèo xã Tân Hà, CLB dưỡng sinh xã Gia Lâm, CLB võ - vật xã Tân Hà, Hoài Đức, võ cổ truyền thị trấn Đinh Văn, Đạ Đờn... 
 
Đến Nam Ban, Mê Linh nghe dân ca quan họ Bắc Ninh, đến Tân Hà, Hoài Đức - nghe hát chèo, về Đinh Văn sẽ đắm mình trong nhịp cồng chiêng của người K’Ho, đến Phi Tô nghe tiếng đàn tính hòa cùng làn điệu then của người Tày - Nùng... Ở đâu trên miền đất văn võ, thi ca Lâm Hà cũng nghe giai âm của các làn điệu dân ca. Có mặt trong một buổi sinh hoạt, tập luyện của CLB hát chèo Tân Hà tại nhà văn hóa xã, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự tâm huyết của các nghệ nhân đến từ xứ Đoài (tỉnh Hà Tây cũ). Từ 10 năm nay, họ tự “trải chiếu” lập nên CLB, cùng hát với nhau để không quên những giai âm luyến láy “í í...i...”, “í...a...”. Mỗi lần tập luyện biểu diễn là tiếng trống, tiếng phách, tiếng nhị hòa vào tiếng hát làm rung lên xúc cảm của những người con xa quê, thu hút hàng trăm người lớn, trẻ con cùng đến xem, cùng hòa theo tiếng đàn nhị, tiếng phách và hát theo. Ở CLB dân ca quan họ tổ dân phố Chi Lăng 3 - Nam Ban chúng tôi bắt gặp các liền anh, liền chị trong nón thúng quai thao, áo mớ ba mớ bảy hát những làn điệu quan họ cổ được phổ những lời hát ngợi ca về quê hương, đất nước đổi mới. Anh Vũ Đình Nhiễu, một “liền anh” quan họ tâm huyết đã biến ngôi nhà của mình thành một sân khấu mini vừa là nơi luyện tập vừa quan tâm truyền dạy cho một lớp nghệ nhân quan họ “măng non”. Các em là những hạt nhân văn nghệ thường xuyên biểu diễn ở địa phương, ở trường ở lớp, trở thành những người kế tục làm lan tỏa tình yêu của cộng đồng đối với di sản phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Ở CLB thơ Gia Lâm, những vần thơ cùng giọng ngâm đọc của các cây bút: Tiêu Văn Minh, Nguyễn Thị Bé, Nguyễn Thị Phương Liên, Nguyễn Hải Đăng... đã làm nên phong trào làm thơ, bình thơ, đối thơ, họa thơ làm cho vườn thi ca luôn là có sức lay động, hấp dẫn. CLB hát then, đàn tính xã Phi Tô do các nghệ nhân Hoàng Thị Phẩy, Hoàng Thị Dích vì yêu mà lập nên, tự trang bị trang phục, đàn tính tẩu. Những lời ca mộc mạc như ngọn lúa, củ khoai được cất lên hòa cùng sự rung lên của những sợi dây đàn trong các buổi luyện tập một cách bài bản như một mình chứng rằng người Tày dù có đi đâu, ở đâu cũng mang theo nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. 
 
Việc “nở rộ” các CLB thi ca, văn võ ở đất mới Lâm Hà từ nhiều năm trở lại đây đã quy tụ 2.000 nghệ nhân dân gian, họ là những người “truyền lửa” trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mà còn truyền dạy cho thế hệ kế tục. Từ các CLB, phong trào văn hóa văn nghệ và những hoạt động đã diễn ra sôi nổi như giao lưu, hội diễn, hội thi, liên hoan, tham gia biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện của xã, của thôn góp phần nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân. Hàng năm, huyện Lâm Hà đã tổ chức trên 250 buổi biểu diễn văn hóa văn nghệ và hàng trăm giải thể dục thể thao, dưỡng sinh, võ - vật các loại để các nghệ nhân quần chúng có dịp phô diễn khả năng. Những hội diễn là những dịp “trăm hoa khoe sắc” trong trang phục, trong âm sắc truyền thống. Các CLB còn thường xuyên giao lưu với nhau, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. 
 
Văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống luôn gắn liền với đời sống của cộng đồng các dân tộc, nó là hơi thở, là máu thịt, là niềm đam mê sáng tạo và hưởng thụ chính những gì mình lao động sáng tạo ra không bao giờ ngừng nghỉ. Bên cạnh việc quan tâm phục dựng, trình diễn những làn điệu và lời ca cổ, các CLB còn đặt rất nhiều lời mới để ngợi ca quê hương Lâm Hà giàu đẹp, ngợi ca ý Đảng, lòng dân, công cuộc đổi mới đất nước với khí thế mới, vận hội mới; động viên khích lệ mọi người ra sức thi đua lao động sáng tạo và dựng xây. Các CLB đã góp phần thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ, làm giàu đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện.
 
QUỲNH UYỂN