Tâm hồn nặng gấp trăm lần thể xác...

09:06, 21/06/2018

Cánh quạt trần quay vù vù trong căn phòng đặt theo yêu cầu bệnh nhân... Anh mỉm cười, nhắm mắt lơ mơ hồi tưởng về tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ.

1. Cô âu yếm dụi cặp môi ấm mềm, ẩm ướt lên mắt, lên má, lên bờ môi khô ráp. Bàn tay trắng muốt ấm áp đan, miết những ngón tay gầy guộc của anh, ánh mắt nhấp nhánh, thì thầm:
 
- Nhìn bàn tay anh thô nhám, mấy ai nghĩ lại là nhà văn, nhà thơ nhỉ? 
 
- Em chưa biết, anh sinh ra trên luống đất cày mà!
 
Cánh quạt trần quay vù vù trong căn phòng đặt theo yêu cầu bệnh nhân... Anh mỉm cười, nhắm mắt lơ mơ hồi tưởng về tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ. Thời bao cấp, may mắn vào đại học chứ kinh tế thị trường như hiện tại e khó có cơ hội mon men tới cổng trường. Mấy tháng hè về quê cũng gò lưng cuốc ruộng, kéo bừa thay trâu vì hợp tác xã chuyển đổi mô hình sản xuất tập thể “cha chung không ai khóc” sang khoán 10, giao ruộng đất cho nông dân và thu sản lượng thóc trên đầu sào, nhà lại không có trâu bò... Chưa kể nhiều dịp còn theo ông anh họ đi làm phu hồ, đầm đìa mồ hôi đánh vữa, tung gạch để có ít tiền lên Hà Nội học tiếp. Một hè, từ Bến xe Kim Liên khoác ba-lô đựng mấy cân gạo quê chen lấn lên xe buýt đông như nêm, khi soát vé mới ngẩn người hốt hoảng vì túi áo được cài kim băng đã bị rạch một đường và dĩ nhiên gói tiền còm không cánh đã bay...
 
- Anh đang nghĩ gì vậy? 
 
Giật mình, mồ hôi túa hai bên thái dương, anh lúng túng: 
 
- À, à... có nghĩ gì đâu? Trên mình tuần rồi có mưa không? Nhớ Đà Lạt quá!
 
Cô nũng nịu:
 
- Nhớ Đà Lạt... chứ nhớ chi người ta. Đi Sài Gòn mà im như thóc. May có người báo cho biết nên lập tức bắt xe đò xuống thăm... Anh biết không, đêm nghe tin mình ốm trằn trọc không ngủ nổi. Lúc thiếp đi lại chập chờn mơ anh... chết. Thật đấy, em khóc quá trời và cứ ao ước giá chi được thay anh sang thế giới bên kia. Mà anh bị bệnh ra sao?
 
- Sinh dữ tử lành, điềm tốt. Yên tâm, anh còn nợ đời nhiều lắm. Có gì đâu, vết mổ trên Đà Lạt chưa dứt điểm, phải mổ lại. Cũng đang chờ kết quả hội chẩn.
 
Minh họa: Hồ Toàn
Minh họa: Hồ Toàn

2. Cái nhọt trên bả vai xuất hiện từ năm năm trước, gần nửa năm trước lớn nhanh bằng quả táo, bận việc nên anh lần lữa “U bã đậu, phức tạp gì. Cái vết thương xoàng mà đi nằm viện, nhà thơ Phạm Tiến Duật chẳng viết vậy sao. Thôi tháng tới thư thả sẽ nhờ bác sĩ dao kéo. Việc này trước đây cũng bị rồi”. 
 
Đêm mưa bão 23/7/1980 - tàu Soyuz 37 của Liên Xô bay vào vũ trụ - anh bì bõm lội nước trên sân ga Hàng Cỏ để vào Đà Lạt trả phép. Ba ngày ngồi tàu hỏa, ngứa bàn chân phải, táy máy gãi khiến sưng to, về đến cơ quan không thể đi được giày. Ít ngày sau nhọt xẹp nhỏ bằng hạt đậu rồi cứ to dần, ba năm nữa phải vào bệnh viện tiểu phẫu. Biết bệnh nhân là nhà báo nên ông bác sĩ hay ghé đàm đạo văn chương và sớm trở nên thân tình, trịnh trọng giải thích một cách bài bản: U bã đậu, loại này thường nổi trên mặt da. Sờ vào thấy mềm, không đau và có thể di chuyển được, bên trong kết tổ chức bã trắng như đậu. Trường hợp của anh là do vết ngứa bị nhiễm trùng, bạch cầu trong máu xông ra tấn công tiêu diệt vi trùng... Bạch cầu là một thành phần rất quan trọng trong máu. Nó có nhiệm vụ tăng cường sức đề kháng của cơ thể với các tác nhân gây bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm trùng, kể cả nhiễm ký sinh trùng. Xác vi trùng và xác các “chiến sĩ” bạch cầu bị hy sinh đã tạo nên chất bã đậu trong bọc nhọt...
 
Vì nghĩ đơn giản nên đến khi bọc nhọt trên bả vai to bằng quả chanh, cương nhức, đành lên bệnh viện tỉnh. Một tuần sau mổ, bệnh viện gọi lên nói vết mổ chưa lấy hết chân rễ, còn tiếp tục phát triển, phải chuyển viện về Sài Gòn. Anh cầm kết quả giải phẫu bệnh lý tới bộ phận làm thủ tục chuyển viện, nữ bác sĩ giương mục kỉnh, lẩm bẩm: Carcinoma tế bào gai biệt hóa vừa độ 2... Ung thư rồi, bố ạ! Bố muốn chuyển về viện nào…? Xin nghỉ phép với lý do thu xếp việc nhà, về Sài Gòn, anh giấu kết quả bệnh viện trên Đà Lạt kết luận, trấn an cô con gái “bệnh đơn thuần ấy mà, khám cho chắc”. “Ba ơi! Con đặt Grab Car lên bệnh viện nhé!”. Anh buột miệng “Nếu con rảnh thì chở ba, bận để ba đi xe ôm. Xưa nay, ngồi xe hơi mãi không vãn được cảnh phố phường cũng tiếc”. Ngồi sau để con gái chở tới viện, nhìn con mảnh mai nhưng tay lái khá vững vàng khi lạng lách giữa dòng sông người xuôi ngược, anh mỉm cười thầm khen nhỏ “mười một năm học, làm việc ở Sài Gòn có khác. Cứng cáp và linh hoạt, chẳng bù cho thời học trò dịu dàng, nhỏ nhẹ... Ừ, phong cách người Sài Gòn năng động, sôi nổi phải khác tính cách dân phố núi mờ sương hiền hòa. Về đây phải hội nhập chứ”... Đang vui chợt nhớ tới căn bệnh, tự nhiên lòng chênh chao, rười rượi buồn với ý nghĩ nếu thật sự mắc nan bệnh thì cô con gái tuy gần ba mươi nhưng mới lấy chồng, vẫn ngây thơ, non nớt trước dòng đời xô bồ sẽ chịu đựng ra sao, trong khi mình lại là một điểm tựa quan trọng của con?... Bần thần, anh hỏi “Gần đây, mẹ có liên hệ với con không?”. Nhỏ gật đầu “Mới vài hôm trước, ba à. Mẹ bảo tiến trình điều trị ở Quảng Ninh khá hiệu quả. Đất Phật, nơi cuối thế kỷ XIII đầu XIV Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành nên có phần linh thiêng. Đợt này mẹ đi lâu nhỉ, gần nửa năm rồi!”... 
 
Mất mấy ngày bốc số, xếp hàng, tất tả phòng dưới, lầu trên mới xong các thủ tục xét nghiệm máu, chụp X quang, điện tim, siêu âm... Cậu bác sĩ lật tới lật lui các phiếu kết quả khám, đăm chiêu nhìn anh cảm thông và phê vào bệnh án: Bướu ác khác của da, giai đoạn chưa xác định... Cầm tập bệnh án, tay trĩu nặng, hai chân cứng đờ như lần trên Đà Lạt phải gây mê tủy sống để mổ. Anh vẫn nhớ trạng thái hai chân mất cảm giác đến nỗi mổ xong muốn co duỗi mà không nhúc nhích được. Nữ hộ lý quá trung niên đẩy băng ca về phòng hậu phẫu vừa vần anh từ cáng lên giường vừa chép miệng “lớn tuổi vậy mà ông đi mổ một mình sao. Vợ con đâu”. Im lặng, anh thấy cay cay sống mũi... Anh hít căng lồng ngực, cố gắng bình tĩnh mà vẫn lạc giọng nghi vấn “Carcinoma? Như vậy,... chắc vẫn phải mổ, ... thưa bác sĩ?”. Bác sĩ khẽ gật đầu, gỡ cặp kính trắng, hơi nheo nheo mắt nhìn anh, chậm rãi và rành rọt: “Vâng, bác tạm thời nhập viện để theo dõi tiếp và khoa sẽ xếp lịch giải phẫu. Bác đừng lo quá khiến tâm bệnh nặng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mô hình bệnh tật trong thế kỷ 21 thì các bệnh mạn tính không lây trong đó có carcinoma sẽ trở thành nhóm bệnh chủ yếu đe dọa đến sức khỏe con người. Tuy ung thư gây tử vong rất lớn nhưng thống kê cho thấy 40% trường hợp mắc bệnh này có thể phòng ngừa được”... Bác sĩ trẻ thao thao những điều gì gì nữa nhưng tâm trí lùng bùng, anh còn đâu tâm trạng mà nghe!
 
3. Cô dạy trung học phổ thông huyện giáp ranh Đắk Lắk, Đắk Nông... Ba năm trước, anh về trường và được Ban Giám hiệu giới thiệu là giáo viên dạy Văn giỏi cấp tỉnh; yêu nghề, có nhiều sáng kiến, thành tích nổi bật trong giảng dạy cũng như đóng góp xây dựng nhà trường. Rất tiếc dịp ấy, cô giáo có việc gia đình phải về Sài Gòn. Hơn tháng sau, anh trở lại trường... Cô nhanh nhẹn bước vào phòng Ban Giám hiệu, duyên dáng gật đầu chào khách và thầy hiệu trưởng với nụ cười tươi trên gương mặt trái xoan rạng rỡ của thiếu phụ đang độ mặn mà, trông trẻ hơn nhiều so với tuổi bốn lăm. Sau khi tìm hiểu một số vấn đề chung, anh ngỏ ý làm việc với cô giáo để thêm tư liệu cho bài bút ký. Cô mời anh sang phòng riêng ở trường. Ngồi xuống ghế, anh thấy trên bàn có cuốn tiểu thuyết “Quy luật của muôn đời”... Chà, Nhà xuất bản Cầu Vồng Matxcơva in 1987 tại Liên Xô cơ đấy. - Xuýt xoa, anh hỏi - Phát hành đã mấy chục năm, không ngờ cô giáo vẫn giữ được bản này. 
 
Khẽ hất mái tóc đen dài chấm ngang lưng, giọng nói phảng phất âm điệu xứ Huế khẽ khàng: - Em giữ từ thời sinh viên, đọc đi đọc lại hoài. Càng đọc càng thấm khi suy ngẫm với cuộc đời và thêm khâm phục nhà văn Nođar Đumbatze nổi tiếng.
 
Nhìn như soi vào đôi mắt nhung thẫm mượt sáng sự tự tin, anh tiếp lời: - Thế mới xứng danh nhà văn Gruzya được Giải thưởng Lênin. Em chắc nhớ đoạn nhà báo, nhà văn Batsana Ramisvili khi xuất viện tâm sự với giáo sư, bác sĩ Nođar Grigôriêvits - người đã cứu ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần của chứng nhồi máu cơ tim... - Ngưng lời, nhắm mắt mơ màng rồi anh chậm rãi đọc diễn cảm tựa khi thể hiện một bài thơ - “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác… Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi… Bởi thế, người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử: ông giúp cho tâm hồn tôi trở nên bất tử, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ như thế đến vô cùng”…
 
- Thật chí lý - Cô giáo tiếp lời - Những ngày nằm viện, có thời gian để suy ngẫm cuộc đời, Batsana Ramisvili đã khám phá cho mình “quy luật của muôn đời”. Đó là quy luật về tính kế tục và không thể loại bỏ của lòng tốt con người, mà không có nó thì không có sự vĩnh cửu của cuộc đời, phải không anh? - Bỗng dưng giọng cô chùng xuống - Thế nhưng không phải lúc nào lòng tốt cũng được nhận diện đầy đủ nên chúng ta...
 
Như cố giấu những giọt nước mắt sắp trào ra, cô luống cuống đứng dậy xin lỗi có chút việc và bước vội ra cửa... Khi chia tay, hiệu trưởng thăm dò kết quả làm việc, anh gật đầu hài lòng nhưng cũng giãi bày ái ngại “Gia cảnh cô giáo nan giải quá. Ông xã bỏ bê gia đình, như con bạc khát nước mải làm giàu ở Sài Gòn... Mong nhà trường quan tâm động viên và tạo điều kiện tốt hơn để cô tiếp tục gắn bó với nghề”!
 
4. Vào đầu năm học này, anh nghe thanh âm dè dặt qua điện thoại:
 
- A lô, xin hỏi có phải số máy anh...
 
- Trời, cô giáo... Lâu quá, em thế nào? Đang ở đâu?
 
Tối đó, anh đến quán cà phê nằm trên đồi cao nhìn xuống hồ Xuân Hương lung linh những quầng ánh sáng màu nhạt nhòa ẩn hiện trong bồng bềnh sương khói. Cô đã ngồi chờ, nhỏ nhắn trong tấm măng tô màu hoa dã quỳ vàng ấm áp. Vui vì gặp lại nhưng ánh mắt vương vương nỗi buồn, cô giáo cho biết đã chuyển về dạy ở Đà Lạt. Ba má cắt cho miếng đất vùng ngoại ô, xây được căn nhà nho nhỏ. Cô con gái duy nhất đã sang năm hai đại học dưới Sài Gòn... Còn anh, đọc tập truyện ngắn mới xuất bản 2016 thấy rất cuộc đời, tác giả nhiều tâm trạng, lắm trở trăn trước thế thái nhân tình. Nhưng đáng quý là dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã nào đi chăng nữa, nhân vật vẫn vượt lên sự yếu đuối, sự buông xuôi, sự thỏa hiệp để khẳng định lẽ phải, tiếp tục ấp ủ, giữ vững niềm tin vào cái đẹp, cái thiện... Trời, dạy văn có khác, em trở thành nhà phê bình sắc sảo rồi... Trở lại với nhà văn Đumbatze nhé, mấy năm trước, anh mới đọc tới: “... người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử”... Chưa hết anh ạ, Tổng biên tập Batsana Ramisvili còn nhắn nhủ tiếp “... Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình cảnh cô đơn trong cuộc sống”. Lý thuyết là vậy song trong thực tại thật khó thực hiện. Liệu em có sách vở, quá viển vông không? Nhưng em cô đơn và trống vắng quá! Cô cúi đầu, hai tay chống cằm, mái tóc lòa xòa buông gần kín khuôn mặt. Hai bờ vai chợt rung bần bật, thổn thức “Trời ơi! Tại sao em lại thổ lộ tâm trạng không vui này. Lẽ ra em không nên điện thoại cho anh”? Anh choàng tay vỗ nhẹ lên vai nàng, dỗ dành: “Bình tĩnh nào! Anh biết em đã hy sinh rất nhiều... Em không cô đơn bởi vì đã làm quá nhiều việc tốt, việc ích cho người khác. Đã cho đi thì không tiếc - chính vậy mà ta không đơn độc. Chỉ tiếc cho người được nhận mà không giác ngộ ra thiện tâm thì chính họ mới là kẻ cô đơn tột độ và phải trả giá đắt cho những sai lầm của mình!”. Anh an ủi bởi căn nguyên: Lẽ thường tình nhà văn và nguyên mẫu nhân vật có mối dây liên kết tương tác rất bền chặt. Nguyên mẫu chắc chắn không quên nhà văn. Nhà văn phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn, tác động để nguyên mẫu tỏa sáng và lấp lánh mãi; đồng thời luôn quan tâm tới diễn biến đời sống, công việc của đối tượng mà mình đã gửi gắm tình cảm trên trang giấy. Không hiếm trường hợp nhà văn và nguyên mẫu trong đời trở nên tương phùng “Bá Nha, Tử Kỳ”. Qua nhiều kênh thông tin, anh biết chồng cô là kỹ sư lâm nghiệp. Thời sinh viên là chàng trai học giỏi, tài hoa. Yêu nhau, ra trường cô không trở lại Đà Lạt, cùng người yêu xin việc tại huyện quê anh. Sau đám cưới, họ tổ chức cuộc sống gia đình công chức tuy nghèo nhưng tương đối hạnh phúc. Không ai học hết chữ ngờ, vì vật chất cám dỗ nên chồng cô đã bị “lâm tặc” vùng giáp ranh các tỉnh mua chuộc, vô hiệu hóa, xúi bẩy khiến bị kỷ luật. Bỏ việc về Sài Gòn gia nhập đường dây kinh doanh gỗ trái phép. Cũng trắng tay mấy lần vì “thương trường là chiến trường” khốc liệt nên chán nản sinh ra cờ bạc, bị chiêu mộ rồi cặp kè với một nữ đại gia cũng “đôi lần đò”. Con gái học ở Sài Gòn tìm gặp, cố tình né tránh. Phớt lờ lời khuyên can của gia đình và vợ con, hơn năm trước, hắn đâm đơn ly hôn.
 
Mái đầu ngả vào bờ vai anh. Anh khẽ nâng khuôn mặt ửng hồng và nhẹ gỡ những sợi tóc bết trên má, ngón tay chấm xoa dòng nước mắt ấm tràn bờ mi cong thẫm... Lòng trào dâng niềm thương cảm, cúi xuống định đặt nụ hôn nồng nàn lên làn môi run rẩy như nụ hồng hé mở nhưng anh chợt ngẩn người như vừa rời giấc mộng... Bàn tay buông xuống lần tìm nắm chặt bàn tay cô, anh hỏi “Mình về? Em nhé”!
 
5. Cộc, cộc, cộc. 
 
- Chào ba, chào... chào cô ạ!
 
Đang cặm cụi sửa giúp lỗi tập bản thảo trên bàn, cô quay lại nhìn ra cửa phòng, ngỡ ngàng trước thiếu nữ với gương mặt rạng rỡ ôm một bó hoa tươi lướt vào. 
 
- Đây, cô giáo... trên Đà Lạt xuống thăm ba!
 
- Dạ! Có lẽ... là cô giáo trong một bút ký phải không ba! Phiền cô quá!
 
- Ừ. Quả là “thiên thần nhỏ” nhưng... e hèm... nói đâu chưa chắc trúng đó... Sao con biết? - Anh gượng gạo chống chế.
 
Con gái sà xuống ngồi cạnh anh, ghé tai thì thầm - Thế mới xứng danh con gái rượu của ba chứ! Này... ba có một tin vui và một tin chưa vui đấy!
 
- Yên chí lớn! - Anh cười vang - Thêm lần mổ nữa nhằm nhò gì! Vậy tin chưa vui... là gì?
 
Cô ý tứ bước ra ngoài phòng. Con gái anh mới “bật mí”: - Trước hết, Khoa Ngoại bệnh viện hội chẩn lại, khẳng định nhọt bọc là bướu lành, sẽ về Đà Lạt mổ tiếp phần sót lại... Còn điều chưa vui nhưng ba đừng sốc nghe... Mẹ thương ba con mình lắm, nhưng nghĩ có căn tu, trong kiếp trước đã biết tới Phật pháp, ít nhiều có tín tâm và sự tu tập. Sau ba năm với mấy bận hành hương ra quê, nghiên cứu Phật giáo và thiền định, tập yoga mẹ thấy lòng thanh thản chẳng vướng “sân, si”, bệnh tình vơi nhiều... Mẹ quyết định thoát tục, quy y cửa Phật tại Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Tháng tới mẹ vào sẽ phân tình để ba hay... - Con gái bấu chặt bờ vai anh, thút thít - Ba ạ, con hiểu thấu lòng ba sự đau khổ nặng trĩu như treo đá tảng nhưng con cũng bất lực không thể khuyên can mẹ trước một niềm tin không thể lay chuyển. Mẹ cho rằng duyên cầm sắt dừng ở đây... âu cũng là giải pháp để bớt gánh nặng cho hai cha con nên mẹ đành hy sinh thế sự... Ba ơi, can đảm lên ba nhé!
 
Cố gắng không để nước mắt trào ra, anh nắm chặt bàn tay con gái, trầm giọng khẩn thiết: - Cả con cũng thế, “thiên thần bé bỏng” ạ. Quả là... tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác!
 
Hè 2018
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH ÐẠM