Vẽ tranh trừu tượng bằng xúc cảm mãnh liệt trước cuộc sống

09:07, 26/07/2018

Cứ vào dịp Đà Lạt tròn tuổi thì họa sĩ người Tày ở cao nguyên lại có một "công trình" chào mừng theo cách riêng của mình. Chẳng ai đòi, ai bắt, "ước hẹn" của Vi Quốc Hiệp với thành phố hoa xinh đẹp luôn được thực hiện. Nhân kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Tuyển tập "Hội họa Vi Quốc Hiệp" vừa được Nhà Xuất bản Mỹ thuật ấn hành như một công trình của ông với "lời hẹn sương mù". 

Cứ vào dịp Đà Lạt tròn tuổi thì họa sĩ người Tày ở cao nguyên lại có một “công trình” chào mừng theo cách riêng của mình. Chẳng ai đòi, ai bắt, “ước hẹn” của Vi Quốc Hiệp với thành phố hoa xinh đẹp luôn được thực hiện. Nhân kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Tuyển tập “Hội họa Vi Quốc Hiệp” vừa được Nhà Xuất bản Mỹ thuật ấn hành như một công trình của ông với “lời hẹn sương mù”. 
 
Tuyển tập Hội họa Vi Quốc Hiệp do NXB Mỹ thuật ấn hành
Tuyển tập Hội họa Vi Quốc Hiệp do NXB Mỹ thuật ấn hành

Vi Quốc Hiệp đã “định danh” trong lòng công chúng là họa sĩ của núi rừng Tây Bắc, Tây Nguyên, của lãng đãng mây ngàn, của biệt thự cổ Đà Lạt, của hoa và phái đẹp. Nhưng lần này, Tuyển tập “Hội họa Vi Quốc Hiệp” lại đưa người xem vào một góc cạnh mới trong thế giới sắc màu của người họa sỹ, đó là hội họa trừu tượng. Có thể nói, tình yêu hội họa trong ông thăng hoa đến đỉnh điểm mà không đường nét, hình ảnh rõ ràng nào có thể diễn tả, chỉ có sắc màu tuôn chảy, hòa quện, đắm say.
 
45 tác phẩm hội họa trừu tượng là những cung bậc của màu sắc, những xúc cảm mãnh liệt về thiên nhiên, môi trường, tình yêu cuộc sống, về biển và âm nhạc. Tranh trừu tượng của Vi Quốc Hiệp là tiếng hồn, tiếng lòng, chỉ có thể cảm, mà khó có thể diễn tả. Nét cọ tung tẩy, Vi Quốc Hiệp đưa người xem vượt ra khỏi những ý niệm của đường nét hình ảnh, của không gian, thời gian, ở đó có thể cảm được tiếng sóng biển cuộn trào, tiếng gió vi vút bên triền đồi, của những vũ điệu của cá quẫy, của cánh buồm biển khơi, của ào ạt giông tố, sự sục sôi trong sâu thẳm lòng biển; có những bản giao hưởng muôn màu, có những nốt nhạc ngân lên từ những nhạc cụ dân tộc hòa quện vào nhau thành giai âm đẹp đẽ...
 
Có rất nhiều người nặng tình với thành phố hoa, nhưng có thể nói họa sĩ Vi Quốc Hiệp là người yêu Đà Lạt nhất trong những người yêu Đà Lạt. Bên cạnh việc giới thiệu những tác phẩm hội họa trừu tượng mới sáng tác từ 5 năm trở lại đây, những tác phẩm vẽ biệt thự cổ Đà Lạt, hoa và người đẹp - dòng tranh đã làm nên tên tuổi họa sĩ Vi Quốc Hiệp cũng được giới thiệu. Biệt thự trong rừng, Biệt thự cổ mùa thu, Biệt thự cổ Mimosa, Khu biệt thự cổ Lê Lai, Biệt thự mùa hoa ban đỏ... đó là những mái ngói rêu phong cổ kính, nhấp nhô trong khói sương, trong hoa lá, cỏ cây trên triền dốc như níu giữ hồn Đà Lạt. Một họa sĩ đa tài viết nhạc, làm thơ thì không thể không ngẩn ngơ trước cái đẹp, người đẹp. Tuyển tập dành nhiều trang giới thiệu hơn 50 tác phẩm vẽ hoa và chân dung những người đẹp ông từng gặp, từng quen và ghi lại vẻ tuyệt mỹ mà tạo hóa ban tặng cho phái nữ. 
 
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp sinh ra và lớn lên trên quê hương Lạng Sơn. Cách đây 40 năm, bước chân lãng du đưa ông đến Đà Lạt, nơi đây trở thành quê hương thứ 2. Yêu, say và sáng tạo, ông đã có 21 cuộc triển lãm nhóm, cá nhân tại các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc: Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang. Hội họa của Vi Quốc Hiệp hướng người thưởng lãm vươn tới cái đẹp, đánh thức trách nhiệm bảo vệ, nâng niu, gìn giữ cái đẹp. Tuyển tập Hội họa Vi Quốc Hiệp vừa được NXB Mỹ thuật ấn hành cũng nằm trong ý niệm đó, Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu tác phẩm cùng bạn đọc. 
 
QUỲNH UYỂN