Một khoảng trời thu trong thơ Nguyễn Khuyến

08:10, 25/10/2018

Lui về quá khứ khoảng 100 năm trước (cuối thế kỷ 19), khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã tức cảnh sinh tình, để lại cho hậu thế chùm thơ thu nổi tiếng: Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm. Trong đó bài Thu điếu, theo nhận định của Xuân Diệu là: "Điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam".

Lui về quá khứ khoảng 100 năm trước (cuối thế kỷ 19), khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã tức cảnh sinh tình, để lại cho hậu thế chùm thơ thu nổi tiếng: Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm. Trong đó bài Thu điếu, theo nhận định của Xuân Diệu là: “Điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”.
 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Mùa thu vốn là đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam, nhất là đối với văn học trung đại. Hình như thi sĩ nào cũng có một khoảng thời gian dành để nghĩ, để viết về đề tài mùa thu. Bằng thể thơ Đường luật quen thuộc với nhà nho, Nguyễn Khuyến đã sử dụng tài tình những con chữ để truyền tải tâm tình của mình về cảnh sắc thiên nhiên, để bài thơ trở thành nổi tiếng bậc nhất trong những bài thơ Thu trứ danh từ kim chí cổ. Nhắc đến thơ Thu, người ta nhớ ngay đến “Thu điếu”. Cái gì làm nên giá trị đích thực cho tác phẩm? Chính là cảnh, là tình, là ngôn từ, là sức gợi sâu xa của bài thơ.
 
Bài thơ mở đầu bằng hình tượng của cái ao nho nhỏ, ao chuôm của vùng đồng chiêm trũng: 
 
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”.
 
Hầu như ở làng quê tác giả, nhà nào cũng có ao. Ao thu bé nhỏ, lạnh lẽo vì có hơi thu, có làn nước mùa thu trong veo trong vắt. Nếu ở “Thu vịnh”, mùa thu được Nguyễn Khuyến cảm nhận từ cái không gian cao vời, mênh mông xanh ngắt: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”, thì ở “Thu điếu”, không gian đầu tiên được miêu tả chỉ là cái ao nhỏ. Và hình như càng nhỏ hơn với hai từ có vần eo: “lẽo”, “veo”. Ở câu thơ đầu này, cảnh vật như co cụm lại, thu nhỏ lại, lạnh ngắt và yên tĩnh lạ thường.
 
 Ta sẽ tưởng rằng ao thu lạnh thì ao thu sẽ trống vắng? Nhưng bất ngờ trong khuôn ao nhỏ bé ấy đã xuất hiện:
 
“Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”.
 
Ao nhỏ nên thuyền cũng nhỏ, nhỏ đến độ “bé tẻo tèo teo”. Và cái cảm giác lạnh lẽo có vẻ như được giảm đi phần nào nhờ sự xuất hiện của chiếc thuyền câu xinh xắn “tẻo teo”. Nhưng, chỉ có vẻ thôi, bởi tác giả sử dụng hai từ láy “lạnh lẽo, tẻo teo” rất tài tình nên đọc hai câu thơ, ta vẫn cảm nhận một nỗi buồn man mác vì cảnh vắng lặng quá. Đối tượng được miêu tả vẫn còn mờ nhạt.
 
Tuy nhiên, trong thế giới tĩnh lặng ấy, Nguyễn Khuyến vẫn tỉ mỉ quan sát và nhận ra sự chuyển động của vật thể. Không phải của thuyền mà là của sóng, của lá thu:
 
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
 
Ao thu trong vắt soi tận đáy. Tĩnh nhưng lại động vì những con sóng nhẹ. Theo làn gió, sóng biếc gợn chút lăn tăn. “Sóng xanh” đối với “lá vàng”; “hơi gợn tí” đối với “khẽ đưa vèo”. Những cơn gió mùa thu nhè nhẹ và mang hơi lạnh đã về khiến mặt ao thu “hơi gợn tí” và lá vàng đã “khẽ đưa vèo”. Cảnh vật đã có sự thay đổi, chuyển động. Danh đối danh, tính đối tính, cụm động từ đối với cụm động từ, trạng từ đối với trạng từ. Chỉnh chu không chê vào đâu được. 
 
Dùng cái động “lá vàng trước gió” rất nhẹ để miêu tả cái tĩnh của cảnh thu làng quê Việt Nam. Thật tài tình, tinh tế trong ngôn ngữ và bút pháp, khó ai vượt qua. Mùa thu là của lá vàng. Mùa thu vàng. Nhưng ở đây, Nguyễn Khuyến chỉ cần miêu tả một chiếc lá vàng rơi thật khẽ nhưng thật nhanh bởi một làn gió thu lành lạnh đã khiến cho cả mùa thu điển hình của làng quê Bắc Bộ Việt Nam thức giấc. Phải là một tâm hồn giàu lòng yêu thiên nhiên, cuộc sống sâu sắc mới có những cảm nhận tinh tế đến như vậy, mới nhìn tận mắt cảnh “hơi gợn tí”, mới nghe rõ âm thanh “vèo” như vậy.
 
Không gian ở hai câu đầu thu hẹp (trong ao thật bé) nhưng đến hai câu thực đã được mở ra diện rộng và tầng cao, tạo nên sự khoáng đạt cho cảnh vật. Đến hai câu luận, không gian lại được phát triển cao hơn nữa:
 
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
 
Mùa thu đẹp, thường da trời sẽ xanh ngăn ngắt, xanh lắm lắm. Những đám mây hình như cứ lơ lửng, lửng lơ không muốn trôi đi. Phóng tầm mắt rộng ra, sẽ thấy những con đường xanh với những ngõ trúc xanh, quanh co bao bọc xóm thôn. Hình ảnh làng quê quen thuộc thật thân thương đậm sắc nông thôn Việt Nam: êm ả, tĩnh lặng, chân chất. Trên nền sắc xanh trời, xanh mây, xanh đồng, xanh bờ ao, xanh sóng, xanh trúc, xanh bèo, đã điểm xuyết một màu vàng của chiếc lá, một nét cong của chiếc thuyền câu. Tất cả tạo nên một bức tranh thủy mặc thật ấn tượng về làng quê Việt Nam. Phải có tình yêu quê hương tha thiết thì Nguyễn Khuyến mới có thể tả, có thể vẽ như vậy. Người xưa nói: “Trong thơ có họa”, quả thật ở “Thu điếu” là như thế. Một bức họa có đường nét, có màu sắc có hình khối và hơn nữa: trong thơ lại có nhạc nên Nguyễn Khuyến mới chuyển đến cho ta âm thanh của lá “bay vèo”.
 
 Đường vắng khách, ngõ trúc quanh co heo hút, không người qua lại. Có lẽ trời sang thu không khí giá lạnh nên ít người qua lại chăng? Vắng mà đến độ “vắng teo”. Ta tưởng chừng sẽ chỉ là sự trống trải, vắng vẻ. Nhưng ở hai câu kết, thật bất ngờ, bóng dáng con người đã xuất hiện:
 
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
 
“Ôm” hay “buông”? Ôm là giữ lấy, buông là thả lỏng ra.
 
Bóng dáng của nhà thơ hiện ra trong tư thế tựa gối, ôm cần. Một tư thế ung dung, nhàn hạ? Đi câu không mong được cá. Câu cá chỉ là một thú tiêu khiển của người ở ẩn, để hòa mình vào thiên nhiên, để giải trí, cố quên đi điều bận lòng với non nước. Cảnh và tình hòa quyện. Cái biểu đạt và cái được biểu đạt gắn kết chặt chẽ. Ôm hay buông đều thể hiện nét chủ quan, đều không trái nghĩa nhau mặc dầu theo nghĩa thực chúng rất ngược nghĩa. Cá đâu đớp động? Câu thơ ẩn nhiều nghĩa. Mà hiểu như thế nào? Nhiều ý kiến khác nhau về cách hiểu: cá đâu có đớp động hay cá ở đâu đã đến đớp động dưới chân bèo? Câu thơ còn là một câu hỏi mang nhiều ý nghĩa. Nhưng, dù hiểu ở góc độ nào thì ý thơ cũng đều hay cả. 
 
Bài thơ phần nào thể hiện tâm sự buồn của một nhà nho yêu nước trước cảnh nước mất nhà tan. Nội dung và nghệ thuật kết hợp hài hòa. Hình tượng nhân vật trong bài thơ có lẽ chính là tác giả. Cảnh vật mùa thu với những đặc trưng nổi bật đã đạt hiệu quả thẩm mỹ về cảnh thu ở làng quê nông thôn Việt Nam. Ngôn ngữ, chi tiết được chọn lọc tinh tế, cách đối, gieo vần “eo” độc đáo. Nếu yêu cầu cho một sự tuyệt đỉnh về nghệ thuật gieo vần thì có lẽ chỉ là sự lặp lại của hai từ “teo” (ở câu 2 và câu 6) mà thôi. 
 
“Thu điếu” xứng đáng là một bài thơ tiêu biểu viết về mùa thu ở làng quê Bắc Bộ, về đề tài mùa thu của làng cảnh quê hương Việt Nam. Có thể nói, một khoảng trời thu trong thơ của thi nhân Nguyễn Khuyến đã để lại cho đời một tuyệt tác văn chương.
 
LIÊN TÂM