Hai vợ chồng nghệ nhân mê hát chèo

08:11, 23/11/2018

Từ 3 năm nay, trong các hội diễn văn nghệ quần chúng, ngày lễ lớn, đám cưới của người dân xã Mê Linh, Lâm Hà không thể thiếu vắng các làn điệu dân ca, chèo cổ. Thiếu dân ca, thiếu tiếng nhạc cổ truyền dìu dặt là thiếu đi sự nô nức, xôm tụ, đông vui.
 

Từ 3 năm nay, trong các hội diễn văn nghệ quần chúng, ngày lễ lớn, đám cưới của người dân xã Mê Linh, Lâm Hà không thể thiếu vắng các làn điệu dân ca, chèo cổ. Thiếu dân ca, thiếu tiếng nhạc cổ truyền dìu dặt là thiếu đi sự nô nức, xôm tụ, đông vui.
 
Một tiết mục biểu diễn của CLB Tiếng hát quê hương có bà Hồng tham gia nhóm múa. Ảnh: Q.Uyển
Một tiết mục biểu diễn của CLB Tiếng hát quê hương có bà Hồng tham gia nhóm múa. Ảnh: Q.Uyển

Người làm sống dậy các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền trong đời sống của bà con ở vùng quê mới yên tĩnh là vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Đức (73 tuổi) và Lương Thị Hồng (70 tuổi) - những người có chung niềm đam mê đặc biệt với chèo cổ. Tiếng gõ phách, tiếng nhị, tiếng sáo, các cung bậc luyến láy “í...ì...i..” như thấm sâu vào máu, để 35 năm xa quê ông Đức luôn đau đáu gây dựng chiếu chèo. 
 
Ông Đức, bà Hồng cùng lớn lên trên quê hương của Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Ông Đức có tài thổi sáo từ thuở ngồi trên lưng trâu. Mê chèo, ông thường đi theo các cụ đến các chiếu chèo nghe hát, ông hát được đến 32 làn điệu chèo cổ và thuộc làu nhiều tích chèo do người xưa để lại. Những năm 60, ông bước vào tuổi đôi mươi, khi cả miền Bắc hừng hực khí thế đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh Mỹ. Là con trai duy nhất trong gia đình, ông Đức không được đi bộ đội mà theo học trung cấp thể dục thể thao, rồi làm thầy giáo. Những bài ca động viên hăng say lao động sản xuất trên nền chèo cổ được ông Đức cất lên ngọt ngào trong những đêm biểu diễn văn nghệ ở trường lớp và ở làng quê mình. Năm 1969, ông lập gia đình với cô Hồng cùng làng là thiếu nữ xinh xắn, đảm đang, cũng có giọng hát chèo luyến láy, ngọt ngào làm mê người nghe. 
 
Đông con, cuộc sống khó khăn, năm 1984 khi đã bước vào tuổi 38, ông Đức đưa vợ con vào Di Linh lập nghiệp. Những ngày đầu trên quê mới, ông bà chứng kiến cảnh những người qua đời không một tiếng nhạc tiễn đưa, ông xót xa suy ngẫm “Một đời người, sống thì tưng bừng đến vậy mà khi chết thì lặng lẽ đưa đi chôn, không kèn, không trống”. Con người sinh ra và lớn lên bằng lời ru, gắn bó cả đời với giai điệu, thì ra đi cũng phải trong tiếng nhạc - ý nghĩ nhân văn đó thôi thúc ông Đức mày mò học hỏi, tự chế tạo nhạc cụ kèn, sáo, thành lập đội nhạc hiếu để tiễn đưa những người quá cố. Ông làm không vì bất cứ điều gì, với những tang gia nghèo khó, ông phục vụ miễn phí. Để lo cơm ăn áo mặc cho 8 người con (6 trai, 2 gái), bà Hồng từng lặn lội đi bộ 14 km từ thị trấn Di Linh vào xã Đinh Trang Thượng tuốt lúa nương thuê cho đồng bào K’Ho cả tuần mới về thăm con một lần... Kể về những ngày tháng gian khó nhất của đời mình, bà Hồng nói: “Ở trong hoàn cảnh nào, đi lao động sản xuất, làm gì cô chú cũng hát. Các làn điệu chèo làm cho mình quên mệt mỏi, vì thế những ngày tháng khó khăn qua đi lúc nào không biết”. 
 
Năm 1990, một lần nữa ông lại đưa vợ con chuyển từ Di Linh đến Lâm Hà, cuộc sống dần ổn định, các con cũng lớn lên. Niềm đam mê và tâm huyết với các làn điệu chèo thì không phai nhạt. Được bà con nhân dân, các đoàn thể trong xã Mê Linh tín nhiệm cao, từ 3 năm nay, ông Đức đứng ra thành lập CLB dân ca “Tiếng hát quê hương”, ông đi từng nhà, vận động tập hợp được hơn 21 thành viên là những người nông dân chân chất yêu thích các làn điệu dân ca. Không có kinh phí hỗ trợ của địa phương, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Đức cùng các thành viên trong CLB đã đóng góp gần 50 triệu đồng mua nhạc cụ, đạo cụ, trang phục tập luyện, biểu diễn. Từ khi có CLB, Nhà văn hóa Thôn 2 thường xuyên vang lên tiếng đàn, tiếng hát, thu hút thanh, thiếu nhi đến xem và cùng hát theo. Dưới sự dẫn dắt của ông, sự nhiệt tình của bà, CLB không ngừng lớn mạnh, tạo sân chơi cho những gia đình yêu dân ca. 
 
Để CLB hoạt động bền vững, ông Đức đặt ra một quy định đặc biệt: Nếu vợ (chồng) đã tham gia vào CLB thì chồng (vợ) cũng phải vào theo, để cùng nhau tạo sự đồng thuận, khóa lại những nghi ngờ, đảm bảo gia đình hạnh phúc. Vợ đi hát, chồng không hát được cũng đi theo cổ vũ, động viên, ủng hộ và tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần cho vợ tham gia phong trào. Từ đó, CLB dân ca của những gia đình hạnh phúc do ông Đức lập nên còn thi đua trồng cà phê, chăn tằm, làm cho tổ ấm của mỗi thành viên đủ đầy về vật chất và giá trị tinh thần. Trong đó, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Đức - Lương Thị Hồng là trụ cột của CLB và là gương sáng về sự gắn bó hòa thuận, chưa bao giờ có bất hòa đến xô bát đổ mâm. Vì ông bà có chung tình yêu với các làn điệu chèo, với những câu hát nghĩa tình, đạo lý. 
 
Là chủ nhiệm CLB, vì phong trào ông phải đi tối ngày mỗi khi chuẩn bị biểu diễn phục vụ các sự kiện. Ông Đức tâm sự: “Không ai làm giàu từ văn nghệ quần chúng cả, trừ ca sĩ nổi tiếng, chỉ vì đam mê mà làm”. Ông tâm niệm các làn điệu dân ca, trong đó có chèo cổ của quê hương ông chính là những di sản hồn cốt của dân tộc, ông sẽ làm hết sức mình không để nó mất đi. Tuy mê hát chèo, nhưng ông Đức không bó hẹp CLB quần chúng của mình trong các làn điệu chèo mà ông thường khuyến khích phát huy sở trường của từng thành viên hát tất cả các làn điệu dân ca ba miền, làm cho chương trình biểu diễn của CLB thêm đậm đà bản sắc. Cũng vì thế, ông đặt tên CLB là “Tiếng hát quê hương”. Tại Liên hoan Dân ca và nhạc cổ truyền toàn tỉnh lần thứ I với 4 tiết mục biểu diễn, CLB Tiếng hát quê hương do ông, bà tham gia dàn dựng, biểu diễn được đánh giá cao. 
 
Không ngừng xây dựng CLB ngày một hoạt động bài bản, nghệ nhân Nguyễn Văn Đức đã kết nối tham gia vào Ban Chủ nhiệm CLB dân ca và nhạc cổ truyền của tỉnh, tích cực đưa CLB đi giao lưu với các CLB dân ca khác trong huyện, trong tỉnh, để học hỏi kinh nghiệm, làm sống dậy di sản văn hóa đang dần mai một, cùng nhau gìn giữ vốn quý của cha ông. 
 
QUỲNH UYỂN