Đoạn trường... tiếng vượn gọi đàn

08:01, 10/01/2019

"Sau mấy loạt súng lạnh lùng xé đêm của đám người đi săn, chắc họ leo núi từ phía B'kẹ ở bên Tà Năng, nay mỗi ngày rừng trở nên vắng lặng. Một tháng nay không còn nghe tiếng vượn hú mỗi khuya nữa rồi... Nhớ lắm... Đám thợ săn đã cướp tiếng hú của đàn vượn mất rồi!". Lời bà Ma Wy nghẹn ngào tắc trong cổ họng nghe như những tiếng nấc...

“Sau mấy loạt súng lạnh lùng xé đêm của đám người đi săn, chắc họ leo núi từ phía B’kẹ ở bên Tà Năng, nay mỗi ngày rừng trở nên vắng lặng. Một tháng nay không còn nghe tiếng vượn hú mỗi khuya nữa rồi... Nhớ lắm... Đám thợ săn đã cướp tiếng hú của đàn vượn mất rồi!”. Lời bà Ma Wy nghẹn ngào tắc trong cổ họng nghe như những tiếng nấc. Nói rồi bà ngước mắt nhìn đăm đắm về dãy núi Pơtơu Gơp, ngọn núi như bức tường thành bao quanh buôn làng Chu Ru ở vùng Đơn Dương này và bắt chước tiếng hú của những con vượn mà bà coi như người thân thiết: “Chút chồ chút... Chút chồ chút chút... Chồ chút... chút... chút...”. Tôi cảm tưởng rằng, khi làm vậy, có lẽ trong lòng bà cảm thấy đỡ nhớ những tiếng hú dài gọi đàn của vượn mỗi khuya. Ông Ya Loan nhìn bà Ma Wy vợ mình với ánh mắt đong đầy yêu thương, trong đôi mắt ông hình như cũng có đôi ngấn nước. Trong giây phút ấy, tôi cảm nhận, đôi vợ chồng già “người rừng” của tộc người Chu Ru và ngọn núi trước mặt, con suối sau nhà, muông thú, thảo mộc trên rừng như hòa lẫn trong nhau...
 
Vượn đen má trắng. Ảnh Internet
Vượn đen má trắng. Ảnh Internet
 Ông Ya Loan kể rằng, hơn bốn mươi năm trước, vợ chồng ông dắt díu đàn con rời buôn làng đông đúc, kéo nhau lên mép núi Pơtơu Gớp phạt cỏ hoang, lấy nước từ dòng suối Súr Thoòng trồng tỉa sinh sống. Thuở ấy nơi này còn hoang vu lắm. Chim chóc bay lượn tự do. Vượn, khỉ từng đàn đánh đu trêu người. Lợn rừng và lợn nhà ăn chung khoai, bắp. Gà nhà và gà rừng bới mồi chung đàn. Có những đêm những chú cọp cô đơn rình mồi lang thang bìa rừng trừng đôi mắt sáng quắc nhìn về ngôi nhà sàn đơn độc rồi lững thững bước về phía núi xa. Không biết tự khi nào, những thanh âm của rừng đã trở nên thân thuộc, gắn bó, hài hòa với những thành viên trong ngôi nhà ấy. Vắng tiếng hót của con chim nào, thiếu tiếng kêu của con thú nào là Ya Loan, Ma Wy và những đứa con đều biết. Một tiếng đạn súng săn rít trong đêm u tịch cũng làm cho cả nhà thót tim. Những bữa động rừng, động trời cũng làm cho họ thức giấc thương đàn thú vật vã tránh mưa, trú bão. Ma Wy nói, thương nhất là những con thú non vừa mới ra đời, cứ hình dung chúng ướt lướt thướt run rẩy giữa cơn giông tố mà lo thắt ruột.
 
 Dù tôi với Ya Loan đã nói qua nhiều những chuyện cũ, sử xưa và những chuyện mới đang diễn ra trong các Plei Chu Ru mà Ma Wy vẫn lại quay về với nỗi nhớ tiếng hú gọi đàn chút chút của vượn. Hình như những tiếng hú vọng âm ám ảnh trong tâm hồn bà. Ám ảnh đến nỗi, Ma Wy miêu tả mà tôi cảm nhận như không phải là miêu tả mà đang đứt từng khúc ruột khi diễn đạt về câu chuyện đàn vượn bị đám thợ săn từ nơi nào đó đến rừng Pơtơu Gớp truy sát. Ông Ya Loan nói giọng cảm thông: “Mình là đàn ông, xưa giờ cứ hay đi đó đi đây. Còn Ma Wy, bao năm rồi ít khi rời ngôi nhà sàn bên mé rừng này, tiếng hú của đàn vượn cùng với những âm thanh núi rừng với bà ấy chính là bầu bạn. Núi rừng đang mất dần những gì thân thiết, bà ấy buồn là phải...”. 
 
Thưở thiếu thời, tiếp xúc với Truyện Kiều, bà nội giảng giải tôi nghe, câu chuyện về thân phận nàng Thúy Kiều lưu lạc được đại thi hào Nguyễn Du lấy cốt từ trường thiên tiểu thuyết “Đoạn trường tân thanh”. Bà giảng “đoạn trường” nghĩa là “đứt ruột”, xuất phát từ tích vượn mẹ thương con. Chuyện rằng: có một người thợ săn bắt được cả vượn mẹ và vượn con đang bú. Anh ta đưa về nhà và giam vượn mẹ và vượn con riêng trong hai chuồng cách nhau chỉ mấy bước chân. Mỗi ngày mẹ con vượn đau đớn nhìn nhau mà không thể nào ôm ấp. Đến ngày thứ ba thì vượn con gục chết vì khát sữa ngay trước mắt vượn mẹ đang đau khổ tột cùng. Mấy ngày sau, người ta nghe một tiếng hú kinh hoàng rồi vượn mẹ trút hơi thở cuối cùng. Khi người thợ săn mổ bụng con vượn mẹ đáng thương thì phát hiện ra, ruột của vượn mẹ đã đứt nát từng khúc. Từ đó, người thợ săn giải nghệ, và từ “đoạn trường” để diễn tả nỗi đau đứt ruột ra đời...
 
 Nhớ lại điều này, tôi càng hiểu thêm nỗi đau lòng của người đàn bà rừng Ma Wy khi người ta đã cướp mất những tiếng hú thân thương từ đàn vượn của bà.
 
UÔNG THÁI BIỂU