Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII: Sâu lắng, rạo rực những vần thơ xuân

02:02, 20/02/2019

(LĐ online) - Ngày 19/2/2019 (nhằm Nguyên tiêu Kỷ Hợi), Hội VHNT Lâm Đồng đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 với sự tham dự của bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, ông Nguyễn Anh Hùng – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cùng đông đảo văn nghệ sĩ từ khắp huyện, thành trong tỉnh.

(LĐ online) - Ngày 19/2/2019 (nhằm Nguyên tiêu Kỷ Hợi), Hội VHNT Lâm Đồng đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 với sự tham dự của bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, ông Nguyễn Anh Hùng – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cùng đông đảo văn nghệ sĩ từ khắp huyện, thành trong tỉnh.
 
Bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lâm Đồng phát biểu và tặng hoa cho đại diện văn nghệ sĩ
Bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lâm Đồng phát biểu và tặng hoa cho đại diện văn nghệ sĩ
Mở đầu, bài thơ thần Nam Quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt là tuyên ngôn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc ta qua lịch sử dựng nước, giữ nước và bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ đầy ắp khí phách, anh hùng ca cách mạng đã được đọc lên hào sảng.  Khai mạc Ngày thơ, Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Thanh Đạm đã khẳng định: Trong lịch sử nhân loại chưa có một nền thi ca gắn với lao động, sản xuất và chiến đấu như người thơ và hồn thơ Việt. Thơ có sức cổ vũ mạnh mẽ đồng hành cùng dân tộc qua quá trình dựng nước và giữ nước. Thơ yêu nước và những nhà thơ yêu nước đã có nhiều đóng góp lớn trong sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước. Kế thừa những tinh hoa của thơ Việt Nam, thời gian qua những người làm thơ ở Lâm Đồng đã gặt hái được nhiều thành công, sáng tác nên nhiều bài thơ hay, nhiều ý thơ đẹp giàu sức thuyết phục, đi vào lòng người, tạo niềm tin tốt đẹp về công cuộc đổi mới, phát triển quê hương, đất nước. 
 
Phát biểu tại Ngày thơ, bà Nguyễn Thị Mỵ mong muốn Hội VHNT Lâm Đồng luôn là mái nhà chung đoàn kết, dộng viên, khuyến khích văn nghệ sĩ tích cực lao động, sáng tạo để ngày càng có nhiều tác phẩm chân thực, mang giá trị nghệ thuật cao phục vụ công chúng, cổ vũ nhân dân thi đua lao động, xây dựng đời sống văn hoá; quan tâm phát triển các cây bút trẻ, các văn nghệ sĩ người đồng bào dân tộc thiểu số để vườn hoa thi ca của tỉnh ngày càng nở rộ.
 
Các nhà thơ đã cùng nhau đọc nhiều tác phẩm thơ hay và hát lên những vần thơ được phổ nhạc: Chào xuân Kỷ Hợi (Nguyễn Mộng Sinh), Tuần tra trong mưa rừng (Phạm Quốc Ca), Nói với người hạnh phúc (Thanh Liễu), Tết quê nhà (Vũ Dậu), Xuân về trên đỉnh Langbian (Trần Ngọc Trác), Khúc nhạc không lời (Phan Hữu Giản), Chiều xuân Đà Lạt (Gia Lễ), Chớm xuân (Nông Quy Quy), Nàng xuân (Lê Bá Cảnh), Thấm đậm tình xuân trên cao nguyên (Thanh Toàn), Mai anh đào (Nguyễn Vĩnh), Xuân phố ngàn hoa (Hồng Chinh)...  Hoà trong tiếng đàn, giọng ngâm, tiếng hát của thi ca, góc thư pháp với nét bút phóng tác điêu luyện viết những vần thơ đẹp của hai nhà thơ Lê Mưu và Ngũ Hành Sơn thu hút công chúng yêu thơ và làm cho ngày thơ thêm sắc màu.  Lần đầu tiên được tổ chức trong không gian lãng mạn tại sân khấu Thuỷ cung mô phỏng sinh động lòng đại dương của Biệt thự Hằng Nga (Huỳnh Thúc Kháng – Đà Lạt), ngày thơ Việt Nam và tinh thần của thi ca đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng và du khách đến tham quan tại đây. 
 
Ngày hội Thơ được tổ chức trong không gian sân khấu Thuỷ cung - Biệt thự Hằng Nga
Ngày hội Thơ được tổ chức trong không gian sân khấu Thuỷ cung - Biệt thự Hằng Nga

 

Không gian thơ và thư pháp thu hút công chúng
Không gian thơ và thư pháp thu hút công chúng

 

Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng tặng hoa cảm ơn chủ nhân Biệt thự Hằng Nga
Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng tặng hoa cảm ơn chủ nhân Biệt thự Hằng Nga
 
QUỲNH UYỂN