Dòng xanh mãi chảy...

07:03, 28/03/2019

Một đời sáng tạo không chỉ để phục vụ mục đích tồn sinh - lợi danh - mưu cầu toan tính cá nhân... mà là để phụng sự cho quê hương, cho những ước mơ khát vọng nhân danh Con người - Ðó chính là Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ không thể khác hơn trong âm nhạc và trong đời sống Việt Nam, một dòng xanh mãi chảy với thời gian...

Một đời sáng tạo không chỉ để phục vụ mục đích tồn sinh - lợi danh - mưu cầu toan tính cá nhân... mà là để phụng sự cho quê hương, cho những ước mơ khát vọng nhân danh Con người - Ðó chính là Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ không thể khác hơn trong âm nhạc và trong đời sống Việt Nam, một dòng xanh mãi chảy với thời gian...
 
Danh ca Khánh Ly trả lời phỏng vấn
Danh ca Khánh Ly trả lời phỏng vấn
 
Chính tài năng và nhân cách Trịnh Công Sơn đã làm nên huyền thoại cũng như tuổi sống riêng cho tác phẩm của ông - ngay cả khi đang còn rong chơi tại thế cho tới khi đã chia xa cõi tạm cuộc đời… Đọc lại, xem lại, nghe lại những tư liệu cũ, ấn phẩm cũ xuất bản từ thập niên 1960 ở miền Nam, chúng ta càng hiểu vì sao Trịnh Công Sơn đặc biệt và độc đáo. Tình ca hay Tình ca biến thể của ông dào dạt chất thơ riêng, phong vị triết nghiệm riêng, không hề trộn lẫn. Cái chất huyễn hoặc bảng lảng của lớp lớp ca từ dễ làm ta quên đi, hoặc không quá xét nét mấy tới yếu tố âm nhạc, để rồi cứ phiêu diêu theo những giấc mộng đời hư thực của Diễm xưa, Tình ca, Cát bụi, Những đôi mắt trần gian, Ru em từng ngón xuân nồng, Mưa hồng, Như cánh vạc bay… Trước khi hiện tượng âm nhạc Sơn ca số 7 xuất hiện thì Trịnh Công Sơn đã là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Loạt phản chiến ca đã từng gây rúng động lớn dư luận đương thời, bị chính quyền Sài Gòn cấm phát hành, nhiều người lính khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn muốn quẳng súng quay về với cửa nhà ruộng vườn, nhiều trí thức trẻ cứ âm thầm dưỡng nuôi những câu ca vừa hiện thực vừa đầy ám ảnh của nhạc sĩ… Tình yêu - Quê hương và Thân phận làm thành một chuỗi hình tượng, một chuỗi phạm trù đặc biệt cứ lặp đi lặp lại trong hàng trăm sáng tác của ông, tạo nên những đợt sóng ngầm, những cơn địa chấn lớn thức dậy bao tình tự dân tộc, lòng tự tôn về truyền thống xưa cũ của cha ông. Cách nói phóng dụ chứ không trực diện - trực tiếp cho phép nhạc sĩ không li khai hiện thực đời sống mà vẫn gần gũi với công chúng, đồng thời tránh khỏi nhiều búa rìu dư luận vây bủa xung quanh... Nó như những lạch ngầm bền bỉ, len lỏi vào cõi tâm thức người nghe, buộc họ phải nghĩ suy và chọn lựa theo góc lương tri của chính mình. Không chỉ có Ngủ đi con đoạt giải Đĩa vàng ở Nhật; trong nước, hàng loạt bài ca phản chiến của Trịnh Công Sơn đã đi vào nhiều ngóc ngách của vùng bom đạn, vừa như lời tố cáo phản đối chiến tranh - kêu gọi hòa bình độc lập, lại vừa như lời hiệu triệu thúc giục muôn triệu con tim... Bằng khí cụ âm nhạc theo cách đặc biệt của riêng mình, Trịnh Công Sơn đã phụng sự quê hương cho tới ngày hoàn toàn thanh bình độc lập và đến khi trút hơi thở cuối cùng...
 
Có một thời, người ta bàn tán khá nhiều về hiện tượng Trịnh Công Sơn. Chuyện ông ôm đàn lên Đài Phát thanh Giải phóng ca vang bài Nối vòng tay lớn. Chuyện ông tiếp tục gắn bó với xã hội mới dẫu còn bộn bề gian khó sau chiến tranh để viết tiếp loạt tác phẩm mới: Em ở nông trường, Em ra biên giới, Đời gọi em biết bao lần, Chiều trên quê hương, Em còn nhớ hay em đã quên, Thành phố mùa xuân, Huyền thoại mẹ... Chuyện nhạc sĩ từ chối nhiều lời mời gọi ở hải ngoại, quyết định ở lại sống chết với quê hương - một quê hương mà ông đã gan ruột hát ra và níu vướng suốt cả cuộc đời... Cả những chuyện đồn đại khác nữa, như: Âm nhạc Trịnh Công Sơn chỉ có giá trị về mặt ca từ, vì nhạc thuật quá bình thường, đơn giản; Trịnh Công Sơn không lấy vợ... Những lùm xùm to nhỏ ấy từ những người ưa khích bác phiếm luận vẫn không hề làm ông thay đổi, hay làm cho giá trị âm nhạc thay đổi. Thật ngạc nhiên vì ngay ở hải ngoại hay ở bất cứ nơi nào có người Việt Nam sinh sống - âm nhạc Trịnh vẫn cứ thế vang lên đều đặn... Hàng chục danh ca - danh cầm tên tuổi trong, ngoài nước vẫn chọn nhạc Trịnh Công Sơn để in ấn, trình diễn kể từ mấy thập niên đã qua.
 
Một trong những dấu ấn khác của Trịnh chính là góp phần làm mới, làm giàu đẹp thêm cho ngôn ngữ Việt ở chiều kích gia tăng hàm nghĩa, mở rộng khả năng liên kết - xâu chuỗi hình ảnh, tạo nên những mạch ý mới thú vị. Chẳng hạn khi ông viết: Tết suối hồng (nghĩa là Tết Trung thu, Tết chơi đèn của trẻ thơ) - Hàng loạt, hàng chuỗi những chiếc đèn đỏ hồng lung linh muôn sắc màu, nhấp nháy lấp lánh nối đuôi nhau chảy quanh khắp phố phường... mà nếu nhìn ngắm từ phía trên cao sẽ tựa một dòng suối màu huyền diệu như từ trong cổ tích vậy. Gọi Tết Trung thu thành Tết suối hồng quả là một liên tưởng, một kết hợp vô cùng độc đáo, đầy sáng tạo và có chủ đích. Tương tự như thế khi nhạc sĩ viết Tuổi đời mênh mông, suy cho kỹ thì ai cũng có thể hiểu đó là tuổi ngọc - tuổi mộng - tuổi xanh đẹp đẽ nhất trong đời người, nhưng qua ca khúc này nó không chỉ là tuổi của rong chơi mơ mộng mà còn ắp đầy khát vọng tươi đẹp hướng về màu xanh của quê hương, đất nước. Hoa hồng vốn là ám chỉ của tình yêu, nhưng viết cho trẻ em ông lại soạn tên thành Hoa hồng nhỏ (Em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha...). Một sản phẩm kết nối tình yêu gia đình, em bé trong ca khúc vừa có nét ngây thơ trong sáng nhưng cũng có cả suy tư chững chạc riêng (Cây có rừng bầy chim làm tổ, sông có nguồn từ suối chảy ra, tim mỗi người là quê nhà nhỏ, tình nồng thắm như mặt trời xa...).
 
Nghe nhạc Trịnh, hát ca những sáng tác của Trịnh chính vì thế luôn là một nghiền ngẫm khám phá mới về loạt hàm ý - hàm nghĩa triết lý đầy thú vị ở phía bên trong thế giới ca từ đã quyện hòa vào giai điệu. Âm nhạc Trịnh dẫu đơn giản, không bị ảnh hưởng của các yếu tố cấu trúc Tây phương nhưng lại biến hóa một cách tài tình ảo diệu, đủ sức dẫn dắt người nghe đi suốt mạch lộ trình kéo dài của hàng chục, thậm chí hàng trăm ca khúc khác nhau thuộc nhiều giai đoạn ra đời. Trịnh Công Sơn là một bậc thầy về tư duy và kiến trúc ca từ. Kiểu tư duy triết luận rất Đông phương, thâm trầm và sâu sắc. Là thứ ca từ thấm đẫm phong vị thực thụ của thế giới thơ, một kiểu thi tứ thuần Việt mà vẫn phiêu diêu bay bổng, chất ngất bao ý tình…
 
Danh ca lừng lẫy Khánh Ly trong nhiều lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi có nói rằng: “Từ âm nhạc của Trịnh Công Sơn, tôi không chỉ thành danh mà còn thành nhân. Vì ông vừa là anh, vừa là thầy, là cha của cá nhân Khánh Ly tôi. Lạ lùng là ở chỗ, hát bài hát nào của ông lời lẽ cũng hay và cuốn hút; ở bài nào tôi cũng thấy có một cái gì đó như là của mình hay viết cho riêng mình, cho chính mình vậy. Tác phẩm của ông không phải để cho mình hát ca cho vui mà là để tìm thấy một động lực sống, một ý nghĩa để thực thi bài học làm người, sống sao với người - với mình và cả với đời nữa...”.
 
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly là cặp Bá Nha và Tử Kỳ của Việt Nam, một ngộ duyên đã trở thành huyền thoại khó có thể trở lại trong lịch sử âm nhạc. Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng giờ đã có con đường mang tên Trịnh Công Sơn... âu đó cũng là một ghi nhận, một đáp đền xứng đáng cho một bậc tài danh của đất nước vậy.
Còn với riêng tôi, âm nhạc Trịnh Công Sơn là một gia tài đặc dị, giữa biết bao thăng trầm thử thách của thời gian đó chính là một dòng xanh, sẽ vẫn hoài mãi chảy...
 
MINH LÂN